//

Phát huy vai trò cộng đồng du lịch trong Khu phố cổ

Thứ năm - 07/01/2016 15:16

Định hướng phát triển Hội An trong những năm đến, lãnh đạo thành phố xác định, quán triệt sâu sắc hơn nữa trong các cấp, các ngành và trong toàn xã hội về vai trò động lực của Khu phố cổ, phát huy tối ưu các giá trị của Khu phố cổ, xác định Khu phố cổ là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, để từ đó mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn từ thế mạnh của mình, theo cách riêng của mình và phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân, huy động và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn.

Thực tế là suốt hơn hai thập kỷ qua, sản phẩm du lịch văn hóa Phố cổ Hội An là sản phẩm chủ lực, đặc trưng thu hút du lịch của Hội An. Các giá trị đặc sắc của sản phẩm đã phát huy hiệu quả thu hút đông đảo du khách. Hàng triệu triệu lượt khách đã biết tới và đến tham quan, du lịch. Thương hiệu du lịch Hội An cũng bắt nguồn từ sản phẩm này. Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố nói: “Với định hướng xây dựng: Hội An – TP sinh thái, văn hóa, du lịch”, những năm qua chính quyền và nhân dân thành phố đã chú trọng quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của khu phố cổ để tạo nền tảng, đòn bẩy cho việc phát triển thành phố một cách toàn diện và bền vững thông qua việc xây dựng và thực hiện nhiều sản phẩm du lịch có giá trị”.

700 Khu pho co 1

Giá trị văn hóa khu phố cổ có sức hút lớn đối với du khách- Ảnh: Đỗ Huấn

Vì vậy, nhiều chính sách xuyên suốt, nhất quán và quyết liệt để bảo tồn nguyên vẹn, phát huy giá trị di sản đã được các cấp chính quyền thực hiện. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện tại cần thiết phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bởi một khi thông tin đầy đủ đến người dân là cách tốt nhất định hướng và tạo sự đồng thuận xã hội cao. Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Chủ tịch HĐND thành phố, từng trải qua nhiều năm lãnh đạo phường Minh An trao đổi: “Trong xu thế phát triển ngày nay, việc duy trì phố đi bộ, phố không có tiếng động cơ nghe qua dường như có sự đối chọi lẫn nhau, cản trở sự sinh hoạt của nhân dân nhưng chính những sản phẩm du lịch đặc trưng đó lại có sức hút rất lớn để du khách đến đông hơn, sản phẩm làm ra bán được giá trị cao hơn, nhân dân được hưởng lợi, kinh tế phát triển nâng cao đời sống chính mình. Vì vậy làm cho người dân hiểu rằng, bảo vệ các giá trị vật thể là do con người bảo vệ, còn bảo vệ giá trị phi vật thể chính là bảo vệ con người. Mỗi người dân và cộng đồng tự giác hiểu, mỗi hành động dù nhỏ mà tổn hại đến di sản đều không nên làm, mỗi hành động dù nhỏ mà phát huy được giá trị di sản cần phải được tôn vinh kịp thời. Người dân cũng cần hiểu, khách đến Hội An là khách của mình chứ không phải là khách của các hãng lữ hành”.

Đối tượng tuyên truyền cần quan tâm không chỉ với người dân trong Khu phố cổ mà cần lưu ý hơn đến chủ cơ sở kinh doanh, người trực tiếp bán hàng và đặc biệt là những người vừa nhập cư đến kinh doanh buôn bán để mọi người hiểu rằng với Hội An không phải kinh doanh làm giàu bằng mọi giá mà quan trọng hơn là uy tín, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Cả cộng đồng nhân dân và du khách cùng có ý thức và trách nhiệm tham gia bảo vệ di tích và cảnh quan phố cổ, tổ chức sắp xếp kinh doanh, xây dựng đô thị, sinh hoạt văn hóa. Nhà nước không chỉ thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý kiên quyết và nghiêm khắc các trường hợp vi phạm mà còn tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát đánh giá tác động của du lịch từ các tour tham quan, lượng khách và những hoạt động của du khách đến từng di tích cũng như cả khu phố để có hướng điều chỉnh kịp thời, thích hợp. Tâm huyết với vấn đề này, bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng Phòng TMDL thành phố còn đề nghị: “Tổ chức rà soát, lập phương án để có kế hoạch đầu tư cải thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch như điểm bán vé, hệ thống thông tin hướng dẫn khách tham quan, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, điểm dừng chân, phân cấp quản lý, quy định trách nhiệm cụ thể và ưu tiên dành nguồn kinh phí ổn định cho công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng. Quan tâm giải quyết căn bản vấn đề cảnh quan môi trường nước sông Hoài và Chùa Cầu”.

700 Khu pho co 2

Du khách chụp hình du thuyền trên sông Hoài- Ảnh: Đỗ Huấn

Đến hôm nay, chắc hẳn nhiều người đã biết rõ, giá trị Di sản văn hóa thế giới – Khu phố cổ Hội An không chỉ là “vẻ đẹp kiến trúc không trùng lắp”, của những bờ hồi, mái ngói xô nghiêng, “con đường cong một cánh cung đầy”.. mà còn có cả ở nếp sống “nhân tình thuần hậu”, là nếp ăn nếp ở , cái nghĩa cái tình của những chủ nhân trong lòng di sản. Thế mà vẫn còn xảy ra cảnh buôn bán chụp giựt, “chặt chém” du khách, lấn chiếm vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, trưng bày hàng hóa lộn xộn, xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường... Phải nhân lên sức mạnh của cộng đồng xã hội để lán át, xóa nhòa những hành vi gây mất thiện cảm trong lòng bạn bè yêu mến Hội An, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Các danh hiệu gia đình văn hóa, cơ sở kinh doanh văn minh phải bảo đảm thực chất, lấy sức mạnh của sự tương tác chung và xây dựng uy tín thương hiệu để phát triển kinh doanh một cách chính đáng.

Các thế hệ ông cha đã để lại đến hôm nay một di sản vô giá và quý hiếm là Khu phố cổ - thương cảng xưa vào hàng đẹp nhất xứ Đàng Trong để chúng ta được thừa hưởng những ưu ái và ân sủng hơn so với người xưa. Vậy chúng ta cũng phải có trách nhiệm cho chính hôm nay và cả mai sau để không hổ thẹn với lòng mình và tạo sự phát triển bền vững cho nhân dân thành phố Hội An. Biết trân trọng giá trị tốt đẹp của quá khứ là hành trang vững vàng bước vào tương lai.

Tác giả bài viết: Đỗ Huấn

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật