//

Ấn chứng thời gian

Thứ ba - 10/11/2015 08:22

Tôi rất tâm đắc câu nói của Thạc sĩ văn hóa Phùng Tấn Đông: “Thời gian trôi qua, ấn chứng cuối cùng và quan trọng nhất chính là con người”. Bình tâm suy ngẫm mới thấy ở Hội An càng trân trọng điều đó vì biết bao nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân nhằm khôi phục và phát huy giá trị quí giá của di sản văn hóa mà cha ông để lại.

Giữa bao lo toan của cuộc sống thường nhật, ai chẳng mong có được những tiện nghi, thuận lợi để sống thoải mái, hợp với sở thích riêng mình. Một ngôi nhà cổ với kiểu kiến trúc đặc trưng cần bảo vệ nghiêm ngặt, giá trị trùng tu lại tăng hơn so nhiều so với việc sửa chữa, xây mới theo kiểu bê tông cốt thép đã thực sự trở thành cuộc “đấu tranh đầy cam go” của nhiều chủ nhân di tích. Không có điều kiện trùng tu, chịu áp lực “sinh tồn” từng ngày từng giờ của lớp cháu con nhưng những chủ nhân di sản không tuỳ tiện cơi nới, nâng tầng làm biến dạng di tích, giữ gìn nguyên vẹn quần thể kiến trúc khu phố cổ… Đó là chuyện của người Hội An.

700 foco

Quang gánh trên đường phố cổ- nét đẹp Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Một người bạn của tôi ở Sài Gòn bảo: “Hội An giỏi thật. Người Hội An quả tuyệt vời. Thực hiện “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ” thường xuyên liên tục mà vẫn tỉnh bơ, không kêu ca phàn nàn gì cả!”. Anh bảo để tạo được thói quen đó, ở nơi khác không đơn giản và dễ dàng chút nào. Không chỉ có thế, Hội An còn có “Đêm phố cổ” - một sản phẩm văn hoá du lịch đặc sắc với toàn bộ góc phố, mái nhà, chùa chiền, hội quán… là sân khấu và tất cả người dân hóa thân làm diễn viên. Phố thâm nâu, trầm mặc và yên bình. Đã 16 năm như thế, người Hội An tự mình làm nên hình ảnh đầy quyến rũ và tạo tiếng vang khắp 5 châu về vẻ đẹp “có một không hai” của khu phố cổ… Đó là cách của người Hội An.

Nói đến Hội An, nhiều người thường nhắc đến không gian thanh vắng, tĩnh lặng với sự hoà hợp của những con người khoan dung, cởi mở, hiếu khách… Cũng có thể đó là phần hồn của phố. Khoan hãy bàn! Nhưng điểm gặp gỡ mà mọi người dễ đồng thuận là năng lực ứng xử trước những thay đổi của điều kiện sống ở người Hội An. Năm tháng đã ghi dấu sự xuất hiện ngày càng nhiều lớp người trẻ trung, năng động trong các hoạt động kinh tế, văn hoá. Người Hội An có nghề “may nóng” đặc biệt, đáp ứng cực nhanh nhu cầu của du khách mà không nơi nào ở Việt Nam sánh bằng. Người Hội An biết mở quán cà phê, nhà hàng, quán bar internet từ khi mới hội nhập làm du lịch. Người Hội An không chỉ tự hào, giữ gìn, nâng cao chất lượng các món ăn truyền thống mà còn đầu tư kinh phí cho con cháu, thợ thầy ra tận nước ngoài để học làm các món ăn đặc sản của các nước để phục vụ du khách tại quê nhà, rồi lại mở lớp, viết sách dạy nấu ăn, ẩm thực Việt Nam, Xứ Quảng, Phố Hội cho du khách…

Bằng những tố chất văn hoá và nhu cầu đổi mới tự thân người Hội An đã khởi xướng cho những lễ hội đương đại phục vụ phát triển du lịch, từng được bình chọn là 1 trong 5 “Thành phố lễ hội” tốt nhất của khu vực Châu Á. Bài chòi không phải là loại hình nghệ thuật truyền thống của Hội An, Quảng Nam nhưng người Hội An đã khôi phục, khai thác và phả vào đó hơi hướm Sông Hoài - Phố Hội làm nên “của riêng mình” và làm say đắm lòng bao người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Đèn lồng cũng vậy, dưới bàn tay khéo léo của người Hội An chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, gắn bó với phố cổ. Đội nghệ thuật cổ truyền Hội An tuy chỉ ở cấp “trực thuộc tỉnh” nhưng tiếng thơm đã vang xa khắp thế giới, trở thành sứ giả của hoà bình-văn hoá và hữu nghị nhiều năm qua…

700 Bai choi

Hội An đã góp phần làm vang xa tiếng thơm nghệ thuật dân gian bài chòi- Ảnh: Đỗ Huấn

Trải 40 năm, cũng phải ghi nhận sự hình thành một lớp doanh nhân trẻ trung, năng động cao. Những giám đốc, những ông chủ, bà chủ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã góp sức làm nên thương hiệu Hội An với uy tín cao; đồng thời cũng là những địa chỉ từ thiện - xã hội thân quen của nhiều đối tượng gặp hoàn cảnh không may. Chính họ đã góp phần làm đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch, dịch vụ thu hút du khách. Các mô hình lưu trú homestay, nghỉ dưỡng gia đình, sinh thái biển đảo, du thuyền trên sông, roadshow thời trang và may mặc… do họ tự thiết kế, bỏ tiền đầu tư thực hiện đã tạo đột phá ấn tượng, làm tiền đề cho những định hướng, điều chỉnh, bổ sung để không ngừng phát triển kinh tế Hội An…

Ngoảnh mặt, giật mình! Hội An - “phố dưỡng già” của gần 40 năm trước bây giờ đã khác nhiều. Đô thị đã khoác lên mình màu áo mới, quang rạng và tinh tươm. Con người thì thấy tươi trẻ, khoẻ khoắn hơn. Đời sống người dân ngày càng sung túc, khá giả. Vẻ đẹp của đất và người Phố Hội ngày càng được lan toả muôn phương. Ngồi chiêm nghiệm mới thấy di sản văn hoá thế giới Hội An có sống động, trở nên hấp lực mạnh mẽ hay không là nhờ ở những con người đang sống ngay giữa lòng phố và từng ngày đi về với phố. Trong hành trang của họ vẫn còn đủ đầy những tố chất văn hoá của vùng đất hơn nửa ngàn năm chẳng bao giờ mai một. 

Tác giả bài viết: Đỗ Huấn

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn