//

“Người tình di sản” của dân phố Hội

Thứ hai - 30/11/2015 08:43

Về thăm phố cổ Hội An, đắm mình vào không gian di sản sống và xem cách chính quyền, người dân phố Hội gìn giữ “người tình di sản” của mình.

hoi an 1 0559
Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản Hội An theo dõi hiện trạng từng ngôi nhà và làm toàn bộ thủ tục khi người dân có đơn xin sửa chữa.


Những con hẻm nhìn vào quá khứ

Đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam, nằm yên bình bên bờ sông Hoài, hạ lưu sông Thu Bồn. Trong quá khứ, nơi đây được xem là một trong những thương cảng sầm uất nhất xứ Đàng trong, thu hút nhiều thuyền buôn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha… sang giao thương buôn bán.

Trải qua 400 năm lịch sử, Hội An vẫn giữ được những nét văn hóa từ xa xưa, với quần thể di tích kiến trúc cổ gần như nguyên trạng, hệ thống văn hóa - tín ngưỡng đặc sắc. Nhờ những giá trị đó mà Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999.

Văn hóa ở Hội An đa dạng, hòa quyện với nhau trong những mái nhà phủ đầy rêu phong, trong đời sống thường nhật của những cư dân phố Hội. Đó là một hệ thống đồng nhất gồm phong tục tập quán, tín ngưỡng sinh hoạt, những loại hình nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa, ẩm thực, làng nghề truyền thống vô cùng đa dạng và đặc sắc.

Theo thống kê, TP Hội An còn 1.360 di tích, danh thắng. Riêng trong khu vực đô thị cổ có 1.107 di tích. Du khách đến Hội An có thể thoải mái đi dạo trong những tuyến phố cấm xe máy, cấm còi xe. Từ đó lang thang vào “những con hẻm nhìn vào quá khứ”, để mục sở thị những góc tường phủ đầy rêu, những giếng nước có niên đại hàng trăm năm mà cư dân nơi đây vẫn dùng để nấu món mì Quảng nổi tiếng.

Với những người thích thưởng ngoạn, đi thuyền trên sông Hoài, thả hồn ngắm những dãy nhà vàng vọt như đang lùi lại với thời gian sẽ là trải nghiệm thú vị. Những đêm rằm, sau khi thả hoa đăng trên sông, ủ chén chè nóng hổi trên tay, nghe những cụ bà chèo thuyền kể chuyện, đôi lúc ngẫu hứng cất lên những câu vè đậm chất dân dã, bạn sẽ cảm nhận được nền văn hóa xứ Quảng thật bình dị, gần gũi.

Về Hội An không chỉ là tham quan di sản, bất kể du khách nào cũng có thể hỏi và trò chuyện say sưa với người dân nơi đây về niềm tự hào phố cổ, về cách bảo tồn và xem Hội An như “người tình di sản” của mình.

"Một cửa" trong bảo tồn nhà cổ

Tại căn nhà số 77 Trần Phú (TP Hội An), chúng tôi bắt gặp chị Diệp Ái Phương (cháu gái đời thứ 3 của chủ nhà) đang thuyết minh cho du khách vào tham quan. Đây vốn là ngôi từ đường của người chủ gốc Hoa. Mỗi ngày có hàng chục lượt khách mua vé vào thăm ngôi nhà với hai mức giá được quy định: 120 nghìn/khách nước ngoài, 80 nghìn/khách trong nước. Có niên đại hơn 300 năm, được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, hiện nhiều vị trí cột gỗ, cửa sổ... của ngôi nhà đã bị mối mọt nghiêm trọng. Chị Phương cho biết, đã làm đơn xin thành phố cho sửa chữa, chống đỡ nhà và thủ tục xin sửa nhà được duyệt rất nhanh trong vòng một tuần.

Cách đó chừng 200 m là căn nhà cổ (số 150 Trần Phú) của gia đình ông Nguyễn Ngại. Phía trước nhà bán quần áo, phía sau hơn 10m2 là khu vực bếp, giường ngủ... Ông Ngại cho biết, gia đình vừa xin sửa lại nhà vệ sinh và cũng được duyệt ngay trong tuần.

Đó là hai trong số 11 ngôi nhà cổ thuộc diện nguy cấp, được Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản Hội An đưa vào danh sách theo dõi nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc trung tâm cho biết, Hội An hiện có 1.107 nhà cổ được bảo vệ nguyên trạng. Vào tháng 4 hàng năm, trung tâm phối hợp cùng tổ dân phố, cán bộ địa chính... khảo sát toàn bộ khu phố cổ; Từ đó lên kế hoạch chi tiết cho từng nhà chống chọi qua mùa mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Trung tâm cũng có một lượng gỗ dự phòng, khi người dân có nhu cầu sẽ cho mượn để chống đỡ nhà.

Theo ông Trung, mỗi năm trung tâm tiếp nhận hơn 200 đơn xin sửa nhà. Người dân chỉ cần trình đơn lên bộ phận một cửa. Mọi việc còn lại từ thẩm định, xin ý kiến thành phố, tỉnh đều do trung tâm chịu trách nhiệm. Chậm nhất 7 ngày từ khi trình đơn là có quyết định đồng ý cho sửa nhà. Thời gian tới, sẽ có 82 ngôi nhà được tu bổ bằng 100% ngân sách. 52 nhà cổ khác được hỗ trợ một phần kinh phí (từ 35 - 70%) tùy vào giá trị của di tích. Ngoài ra, nếu có nhu cầu, người dân có thể vay tiền từ ngân sách (ba năm không lãi suất) để sửa nhà dưới sự giám sát của trung tâm.

Đối với những nhà cổ có nguy cơ đổ sập, cách bảo tồn khác mà Hội An đưa ra là hạ giải. Bởi nhà cổ mà sập xuống là mất luôn di tích. Nên hạ giải cũng là một cách bảo tồn. “Tháo dỡ từng hạng mục căn nhà, đặt ngay ngắn dưới đất, che chắn cẩn thận. Khi nào hết bão lại dựng lên như cũ. Vừa đảm bảo tính mạng người dân, vừa giữ được di tích không bị phá hủy trong gió bão.

Như cột nhà bị mục 1/3, thì thay vào đó bằng gỗ mới, nhưng vẫn giữ nguyên 2/3 còn lại rồi chắp nối vào. Sau đó đánh dấu thời gian thay thế 1/3 cây cột đó. Làm như vậy để không mất đi cái hồn, gốc tích của di sản”, ông Nguyễn Sự, Chủ tịch HĐND TP Hội An, lý giải và khẳng định: “Hơn 10 năm nay, chưa có nhà cổ nào ở Hội An phải phá bỏ hay đổ sập”.

Mách nhỏ về Hội An

Từ sân bay, ga tàu, Bến xe Đà Nẵng, du khách có thể đi taxi, xe buýt, xe ôm đến phố cổ Hội An, cách chừng 30 km. Muốn cảm nhận hết nét đẹp văn hóa nơi đây, du khách nên khám phá lần lượt theo thuyết Ngũ hành ứng với 5 địa danh tại TP Hội An. Trong đó, Kim ứng với khu phố cổ buôn bán sầm uất; Mộc tương thích với làng gỗ Kim Bồng; Thủy là rừng dừa Bảy Mẫu; Hỏa chính là làng gốm Thanh Hà và Thổ là làng rau Trà Quế.

Tấn Việt

Nguồn tin: www.baogiaothong.vn


 

 Từ khóa: không gian
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn