//

Giãn dân ra ngoài phố cổ: Chủ trương hợp lòng dân

Thứ ba - 24/11/2015 20:33

Nhiều năm qua, Hội An chủ trương giãn dân ra ngoài khu phố cổ để giảm áp lực lên di sản văn hóa thế giới, đồng thời quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng thành phố sinh thái.

images1227396 BAI DO THI CO HOIAN 11
Chủ trương giãn dân ở Hội An đã tạo không gian cho du lịch phát triển. Ảnh: QUỐC HẢI

Niềm vui mới

Có dịp đến thăm gia đình bà Trần Thị Vui tại ngôi nhà số 12, đường Phạm Ngọc Thạch (phường Tân An) mới biết, ngôi nhà khang trang 2 tầng gia đình đang ở là niềm mơ ước bấy lâu. Trước đây, nhà bà ở số 95 đường Trần Phú, thuộc khu vực I phố cổ Hội An, gia đình có 3 thế hệ với tổng cộng 15 người. Bà Trần Thị Vui kể: “Hồi đó, thực hiện chủ trương giãn dân của thành phố, chúng tôi được cấp 200m2, đến năm 1997 thì giao đất. Từ đó đến nay được ở trên diện tích đất như thế này rất thoải mái và cảm ơn chính quyền đã tạo cho chúng tôi có cuộc sống an cư lạc nghiệp như ngày hôm nay. Phải nói là thành phố đã có cái tầm nhìn xa trông rộng, có cái tâm đối với nhân dân”.

Không chỉ gia đình bà Vui, hơn 20 năm qua, đã có gần 1.000 trường hợp bức xúc về chỗ ở trong khu phố cổ; các xã, phường; các hộ dân thuộc vùng biển lở, vùng ven sông bị ngập lụt, xói lở đã được xét cấp đất tại những nơi ở mới, trong đó có dự án Khu dân cư mới bắc tỉnh lộ 607. Dự án có diện tích gần 55ha, gồm các hạng mục san nền, giao thông, hệ thống cấp - thoát nước, cấp điện, cây xanh… với tổng mức đầu tư trên 21 tỷ đồng; thực hiện từ cuối năm 1995 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 9.1999. “Khi làm chúng tôi biết trước là có những khó khăn, nhất là hồ sơ. Với một khối lượng công việc lớn, bồi thường, di dời hàng nghìn ngôi mộ và cây trồng, vật kiến trúc. Sau khi dự án hoàn thành, gần 1.000 trường hợp bức xúc về chỗ ở, tồn đọng từ năm 1989 đến năm 1994 chưa giải quyết được do vướng quy định của Luật Đất đai năm 1993 và giãn dân trong khu vực phố cổ đã nhận đất ở. Đến bây giờ thì cơ sở hạ tầng ổn định và người dân yên tâm” - ông Nguyễn Văn Hiền, Trường phòng Tài nguyên - môi trường TP.Hội An (đơn vị thi công dự án này) cho biết.

TP.Hội An có mật độ dân số 1.562 người/km2, riêng trong khu phố cổ mật độ cao gấp nhiều lần. Vì vậy, từ những năm 1990 đến nay, Hội An đã 5 lần vận động người dân sinh sống trong khu phố cổ giãn ra các vùng Thanh Hà, Tân An, Cẩm Phô với gần 8.000 người.

Giảm áp lực

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, để giảm mật độ dân số, giảm áp lực lên khu phố cổ, Hội An cần phải bố trí quy hoạch thêm 88ha đất dành cho đô thị. “Sẽ là quá muộn nếu Hội An không có những quyết sách đúng đắn về đô thị hóa. Đó là chưa tính đến việc tăng dân số cơ học, tốc độ đô thị hóa càng cao thì tỷ lệ tăng dân số cơ học càng lớn. Hiện nay, áp lực trong công tác quản lý, bảo tồn khu phố cổ đã thấy rõ” - ông Trung nói.

Theo số liệu thống kê, vào năm 2005, mật độ dân số tại Hội An là 1.364 người/km2. Đến năm 1999, khi quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, mật độ giảm xuống còn 1.282 người/km2. Nhưng đến tháng 6.2009, mật độ đã tăng lên 1.479 người/km2 với tổng số dân thực tế cư trú là 90.221 người. Ngoài ra còn có gần 4.000 sinh viên, học sinh và hàng nghìn du khách tham quan, lưu trú mỗi ngày. Sở dĩ có sự chênh lệch về mật độ dân số qua các năm là do tác động từ chuyện vận động giãn dân ra các vùng phụ cận.

Tuy nhiên, mật độ dân số trong khu phố cổ vẫn còn quá cao do nhu cầu sinh hoạt, buôn bán trong đô thị; nhiều hộ đã giãn dân nhưng hộ khẩu vẫn giữ lại trong khu vực I. Đơn cử như phường Cẩm Phô diện tích chỉ chưa đến 1,2km2 nhưng dân số lại lên đến 10.122 người (mật độ dân số là 8.578 người/km2). Hay như phường Minh An, diện tích tự nhiên chỉ 0,65km2, mật độ dân số thật sự “đáng nể” với 12.129 người/km2. “Từ chính sách giãn dân này, thành phố đã làm nên những khu dân cư mới ở vùng phụ cận như khu dân cư bắc tỉnh lộ 607, khu dân cư Nhị Trưng, Cồn Thu hay Xuân Mỹ, Trường Lệ... Khi làm, Nhà nước bán đất cho người dân với giá phải chăng để tạo cơ hội cho người thu nhập thấp, người sinh sống trong khu phố cổ có điều kiện ra sống ở ngoài khu phố cổ. Việc này đạt được nhiều mục tiêu, thứ nhất là bảo tồn được khu phố cổ, thứ hai là tạo ra những khu đô thị mới ở vùng phụ cận, người dân sống ở những nơi có cơ sở hạ tầng tốt hơn. Chủ trương này làm cho đô thị cổ giữ được phần hồn đô thị của mình” - ông Trần Chương, Trưởng phòng Quản lý đô thị Hội An khẳng định.

Cũng theo ông Chương, hiện nay Hội An có chủ trương mở những khu đô thị cùng điểm du lịch mới như biển Cửa Đại, An Bàng, Cù Lao Chàm, rừng dừa Bảy Mẫu và khôi phục các làng nghề truyền thống để giảm áp lực cho khu phố cổ. Năm 2009, Hội An phát động xây dựng thành phố sinh thái với những tiêu chí riêng biệt và chưa có “mô hình” trên cả nước. Từ đó, việc bảo vệ khu phố cổ, phát triển đô thị luôn đặt trong mối quan hệ tổng thể, không tách rời từ cơ sở hạ tầng, cảnh quan đường phố, cây xanh, kiến trúc đến từng công trình.

Rõ ràng, từ chủ trương quy hoạch xây dựng những khu dân cư mới để giãn dân, thành phố đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị, hướng tới đô thị loại 2 và xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đầu tiên của cả nước.

QUỐC HẢI

Nguồn tin: Báo Quảng Nam


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn