//

Khẳng định vai trò chủ nhân di sản

Thứ ba - 01/12/2015 08:16

Việc huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại Hội An luôn là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Tự tu bổ
Những ngày qua, khi mùa mưa bão bắt đầu, cộng đồng cư dân sinh sống trong khu phố cổ Hội An lại tiếp tục chuẩn bị phương tiện, dụng cụ để ứng phó với mưa lũ. Cùng với sự hỗ trợ của Trung Tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhiều hộ gia đình đã tự chèn chống nhà cửa cùng những chi tiết kiến trúc xuống cấp.

Đã hoàn tất công việc chèn chống ngôi nhà hơn nửa tháng qua, ông Hồ Phúc, chủ một ngôi nhà cổ trên đường Trần Phú nói:“Mùa mưa tới thì tất nhiên ai cũng có nỗi lo, lo nhà dột, cột xiêu nhưng được cái là có chi điện thoại bên di tích tới liền, họ giúp đỡ cho mình chèn chống, gia cố, cùng giúp nhau để bảo tồn phố cổ Hội An.”

Thực tế, trong bối cảnh di sản đang đứng trước nhiều thách thức mới như hiện nay, việc người dân phối hợp cùng các ngành chức năng bảo tồn di tích cho thấy công tác huy động sức mạnh của cộng đồng luôn là vấn đề đặt ra cho chính quyền và các ngành chức năng tại Hội An.              
700 TU BO DI TIC 1
        
Nhà nước và nhân dân cùng tu bổ, tôn tạo di tích- Ảnh: Quốc Hải

Theo báo cáo của Trung Tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, từ năm 1999 trở về trước, toàn thành phố chỉ có hơn 10 di tích được đầu tư tu bổ. Thế nhưng, trong 10 năm trở lại đây, đã có 167 di tích được tu bổ, tôn tạo, trùng tu với tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có 155 di tích được hỗ trợ tu bổ và 1.895 lượt chủ di tích tự tu bổ, sửa chữa nhỏ. Điều đó cho thấy nhận thức của cộng đồng, ý thức bảo tồn di sản trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao.

“Thành quả đó trước hết xuất phát từ quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ, ủng bộ nhiều mặt của tỉnh, Trung ương cùng sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời của các tổ chức quốc tế cũng như bạn bè gần xa. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của cộng đồng dân cư Hội An, những chủ nhân trực tiếp của di sản” – Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố nói.

Vai trò của người dân
Hiện nay, di sản văn hóa thế giới Hội An đang đứng trước những nguy cơ của sự còn mất do tác động của bão lụt, mối mọt và sự biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết. Những nguy cơ từ sự tác động của con người cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

“ Nổi lên là tình trạng tu bổ, sửa chữa di tích không đúng nguyên tắc trùng tu, vi phạm quy chế; sử dụng di tích sai chức năng, trưng bày hàng hóa không phù hợp, thiếu mỹ thật. Bên cạnh nguy cơ hỏa hoạn cao thì hoạt động buôn bán, áp lực dân số cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và sự xuống cấp của di tích. Sự phai nhạt, mất dần các tập quán, lối sống truyền thống, các không gian sinh hoạt gia đình, không gian linh thiêng trong các ngôi nhà cổ và sự thay đổi chủ sở hữu di tích nhà ở cũng đã tác động tiêu cực đến những giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể của Hội An” - Ông Nguyễn VĂn Đũng cho biết thêm.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ và chạy theo lợi nhuận đơn thuần, trước mắt của một bộ phận chủ di tích. Cũng không thể không nói đến sự thiếu đồng bộ và kiên quyết của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức trong việc xử lý, giải quyết các hiện tượng xâm hại di tích và các giá trị văn hóa truyền thống. Còn có một nguyên nhân khác là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn còn thiếu kinh nghiệm, hạn chế về chuyên môn. Thêm vào đó, sự phức tạp của một khu di sản có hơn 16 nghìn người đang sinh sống cũng đã làm nảy sinh nhiều nguy cơ đe dọa đến sự mất còn của di sản.

Từ đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa việc bảo tồn kiến trúc đô thị cổ cùng với giữ gìn lối sống truyền thống và đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Đây là bài toán hóc búa và lời giải cần có sự tham gia tích cực của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng dân cư Hội An.

Trao đổi về vai trò của người dân trong việc quản lý, bảo tồn di sản, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An nói:“Từ xưa đến nay, chúng ta bảo tồn và phát triển đúng hướng thì không thể không nói đến vai trò của người dân. Người dân đã nhận thức được việc bảo tồn đem lại nguồn lợi cho mình. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người cho nên chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân càng ngày càng nhận thức hơn, nhất là thế hệ trẻ”.

Cùng theo ông Trung, nếu không có nhận thức của người dân, không phát huy vai trò của người dân thì có hô hào, có đưa ra những biện pháp này khác cũng không bằng sự nhận thức trong nội tại của người dân. Với Hội An, trên 90% quần thể di tích thuộc sở hữu, quản lý của người dân. Cho nên hơn ai hết, việc quản lý tốt hay không tốt, lâu dài và bềnvững hay không chính là do người dân trong phố cổ.

Như vậy, việc huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại Hội An luôn là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Khi đang đối diện với nhiều nguy cơ thì sự nỗ lực của cộng đồng dân cư chính là yếu tố cơ bản, quyết định sự sống còn của di sản văn hóa thế giới Hội An./.
Quốc Hải

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn