//

Phát triển du lịch đô thị

Thứ hai - 19/09/2016 15:04

Tại Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tổ chức tại Hà Nội đầu năm nay, TP. Hội An được các đại biểu giới thiệu và đề xuất đưa vào chiến lược du lịch đô thị của Việt Nam. Đây là một trong 4 dòng sản phẩm chính của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 cần tập trung đầu tư, bên cạnh dòng sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Theo đó, trong thời gian tới dòng sản phẩm du lịch đô thị sẽ chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa gắn với lối sống thành phố như Hà Nội với các món ăn vỉa hè, Hội An với lối sống đô thị cổ. Các sản phẩm du lịch này phải được phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

*Thương hiệu uy tín:

Thực tiễn đã chứng minh rằng, sự phát triển của Hội An trong nhiều năm qua là từ chính trên nền tảng di sản văn hóa của cha ông để lại và được những chủ nhân đang sống giữa lòng di sản kế thừa, phát huy hiệu quả. Những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An như “Phố dành cho người đi bộ”, “Đêm phố cổ” hay các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật, các lễ hội, lễ lệ truyền thống... diễn ra thường xuyên đã được người dân hưởng ứng tích cực, tham gia hiệu quả. Những chợ ẩm thực đặc sản Hội An – Quảng Nam trên phố, “chợ đêm Nguyễn Hoàng” thực sự thu hút, níu kéo chân khách quay trở lại. Đặc biệt tập quán, lối sống, nếp ứng xử của người dân đã rút ngắn khoảng cách, xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ của hàng triệu người ở muôn phương khi đến với phố cổ, với Hội An...

700 DLDT T916 1

Vẻ đẹp bình yên, thân thiện tạo nên thương hiệu du lịch đô thị cổ- Ảnh: Đỗ Huấn

Sự phát triển nhanh về du lịch – dịch vụ và thương mại của thành phố nói chung, các phường trung tâm nói riêng xuất phát từ việc người dân biết khơi dậy, nhân lên các giá trị văn hóa truyền thống để làm giàu ngay trên đô thị quê hương, tạo nên thương hiệu đầy uy tín đối với du khách gần xa, trở thành địa danh nổi tiếng thế giới. Công tác quản lý đô thị, quản lý khu di sản phố cổ được tăng cường, bảo đảm nguyên tắc không để di tích bị xâm hại, bị biến dạng. Những không gian thiêng gắn với từng di tích, những liễn đối, hoành phi được trân trọng giữ gìn.

*Vẻ đẹp riêng:

Tuy vậy, thời gian gần đây trật tự kinh doanh buôn bán, mỹ quan đô thị có lúc có nơi bị buông lơi gây phiền hà cho du khách, sự phát triển các dịch vụ có dấu hiệu quá tải dẫn đến lấn át những công năng truyền thống của khu phố cổ và từng di tích cấu thành nên khu di sản. Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Chủ tịch HĐND thành phố nói: “Trong giá trị di sản văn hóa Hội An không chỉ những bờ hồi, bờ nóc, những vẻ đẹp kiến trúc không trùng lắp mà còn có cả nét đẹp cái nghĩa, cái tình, lòng hiếu khách, sự cố kết giềng mối, cung cách, thái độ ứng xử của người Hội An. Thế mà hiện nay vẫn còn có một số người buôn bán chụp giựt nhất thời, giá cả chặt chém, lấn chiếm vỉa hè, trưng bày hàng hóa kinh doanh, xả rác ra đường phố, khu vực công cộng. Vậy những nét nổi trội văn hóa Hội An ở đâu mà để những hạt sạn đó nổi lên. Sức mạnh cộng đồng, văn hóa Hội An phải dằn mạnh để đủ lấn át, xóa nhòa, nhận chìm những hạt sạn làm cợm chườm, nhói lòng những người yêu mến Hội An”

700 DLDT T916 2

Phút thả hồn, hòa mình trên đường phố cổ của du khách- Ảnh: Đỗ Huấn

Là “bảo tàng sống”, di sản phố cổ không chỉ có diện mạo mà còn có “hồn cốt” riêng làm nên “vẻ đẹp không trùng lặp” với bất cứ di sản nào trong và ngoài nước: “Hội An đất chật người đông. Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu”. Không chỉ “chung sống” hài hòa với di tích để vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên tai, người dân Hội An còn phải “tự đấu tranh” với chính mình trước những tiện ích mới của nhu cầu cuộc sống hiện đại để giữ gìn nét đẹp của từng mái nhà, góc phố; phải đồng cam gánh vác để tạo ra và nâng lên những giá trị đặc sắc độc đáo của những ngõ hẻm, con đường trong lòng di sản. Việc bày bán kinh doanh, việc lưu thông đi lại, việc thắp sáng đèn lồng, việc ăn vận, đồng hành diễn xướng cùng cả cộng đồng những dịp hội hè, lễ tết… là những hoạt động riêng có mà chỉ có người dân nơi đây chứ không nơi nào khác có thể làm được.

*Sáng tạo thêm:

Cùng với “bảo tàng sống” trong lòng phố, trong từng ngôi nhà cổ… mà ở đó người dân và du khách thập phương có thể tìm gặp tiếng nói của “ngày xưa vọng lại” hay sự đồng điệu, giao hoà trong nếp sống thị dân của một “đô thị thương cảng truyền thống Châu Á” thời mở cửa hội nhập mới, người dân Hội An cũng cần sáng tạo thêm những giá trị văn hoá mới, phong phú. Việc thực hiện nếp sống văn hoá của đông đảo các tầng lớp nhân dân, không kể dân tộc, tôn giáo, thành phần, độ tuổi cần được chú trọng tăng cường thường xuyên; sự hoà nhập, tiếp thu và thích nghi về lối sống, phong tục của những người dân từ nơi khác đến sinh sống, kinh doanh tại phố cổ phải chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần tạo môi trường văn minh thân thiện với du khách... “Huy động tối đa các nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng văn hóa, con người với phát triển kinh tế xã hội. Phát huy các giá trị đạo đức văn hóa của các tôn giáo, đồng bào các dân tộc, người nước ngoài sinh sống tại Hội An. Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, củng cố và phát triển các mô hình văn hóa. Tạo bước chuyển biến căn bản về chất của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn kết với các chương trình phát triển nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Ánh xác định.

Bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa khu phố cổ, khu đô thị thương cảng xưa, trong đó nếp sống, cách sống, nếp ứng xử của con người là khâu quan trọng nhất, bảo đảm để Hội An trở thành điểm du lịch đô thị của quốc gia và  sự phát triển bền vững của ngành kinh tế du lịch Hội An trong tương lai.

Đỗ Huấn

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn