//

Hợp tác đối ngoại để bảo tồn di sản

Thứ sáu - 05/08/2016 14:05

Cùng với những kinh nghiệm, tri thức bản địa, thời gian gần đây, thành phố Hội An đã tăng cường công tác hợp tác đối ngoại để tranh thủ ý kiến góp ý, tư vấn của các chuyên gia nước ngoài trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích.

Tranh thủ kinh nghiệm từ chuyên gia...

Cũng như các tình nguyện viên cao cấp đến từ các tổ chức hỗ trợ phát triển của Đức, Úc, UNESCO... chị Chikara Wakako - thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học được Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cử đến Hội An theo đề xuất nhu cầu hỗ trợ nhân lực tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (TT QLBTDSVH Hội An). Trong giai đoạn mới tiếp cận địa bàn, chị cùng cán bộ Trung tâm thực hiện các công việc cần thiết như thiết kế sơ đồ bảo tàng Lịch sử văn hóa, xây dựng nội dung và phương thức trình bày các tờ gấp quảng bá di sản, phác thảo ý tưởng hình thành điểm dừng chân tại bảo tàng Gốm sứ Mậu Dịch (số 80, đường Trần Phú) và Chùa Ông... Tiếp đó, trong 2 năm ở lại Hội An, chị Wakako tham gia với TT QLBTDSVH Hội An các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản như khảo sát và đóng góp các ý tưởng, giải pháp kỹ thuật trùng tu di tích, sao cho công trình đảm bảo tính chân xác, vẹn nguyên những giá trị văn hóa đặc trưng, nhất là đối với các công trình kiến trúc của người Nhật tại phố cổ Hội An. Về phía đơn vị chủ nhà – TT QLBTDSVH Hội An chỉ cần phối hợp tốt để có thể «tranh thủ» tối đa kiến thức, kinh nghiệm và các ý tưởng của tình nguyện viên, ứng dụng vào công tác trùng tu di tích. Thạc sĩ khảo cổ học Chikara Wakako chia sẻ: «Từ lâu, chúng tôi biết đến Hội An và xem Hội An như một người bạn. Và cũng chỉ có Hội An là nơi đang lưu giữ nhiều nhất những công trình mang dấu ấn kiến trúc của các quốc gia, trong đó có đất nước Nhật Bản chúng tôi. Tôi nghĩ rằng «duyên tình » Hội An – Nhật Bản trong mấy trăm năm nay cần được tiếp tục gìn giữ để phát triển. Vì vậy, khi đến làm việc tại đây, tôi thấy mình phải có trách nhiệm, làm sao đó để các công trình của ông cha chúng tôi tiếp tục được tồn tại, lưu truyền trên vùng đất đa văn hóa này. Như vậy, khách đến Hội An hiểu được văn hóa Hội An và đồng thời sẽ hiểu được con đường giao lưu văn hóa, kinh tế sâu rộng của đất nước chúng tôi từ mấy trăm năm trước. Chúng tôi rất tự hào về điều đó.».

700 HOP TAC BTDS 2016 2

Hội An thường xuyên tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm của các chuyên gia, tình nguyện viên nước ngoài khi tu bổ di tích hoặc sửa chữa hạ tầng phố cổ- Ảnh: Lê Hiền

Tiếp nhận sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế...

Từng là nơi giao thương với các nước trên thế giới trong quá khứ và nay là nơi hội tụ của du khách gần xa, chính quyền thành phố Hội An luôn xem trọng việc giao lưu, trao đổi hợp tác với các cá nhân, tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt tình hình và hòa nhập cùng thế giới trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Mười sáu năm nay, Hội An đã đón tiếp và làm việc với hàng trăm lượt đoàn khách quốc tế đến hợp tác, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn di sản; hợp tác tổ chức lễ hội, đầu tư dịch vụ, kinh doanh. Quan hệ hợp tác ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu với các quốc gia có sự tương đồng về di sản văn hóa. Qua đây, địa phương đã cử hơn 50 lượt cán bộ đi công tác nước ngoài để tham gia các hội thảo, tham quan nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ nước bạn. Về phía mình, thành phố đã tiếp nhận hàng chục chuyên gia và các tình nguyện viên (của UNESCO, Nhật Bản, Đức, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc...) đến giúp đỡ các hoạt động quản lý, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Những năm gần đây, Hội An còn ký kết hợp tác, kết nghĩa, giao lưu với các thành phố di sản trên thế giới; phối hợp tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tập huấn quốc tế về quản lý bảo tồn, tu bổ di tích gỗ trong khu di sản, khảo cổ học dưới nước ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm... Đặc biệt là sự hỗ trợ, hợp tác thường xuyên, hiệu quả của tổ chức UNESCO và của chính phủ Nhật Bản, các tổ chức quốc tế của Nhật Bản trong việc quảng bá và nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý bảo tồn, phát huy di sản cho cán bộ địa phương... Thông qua giao lưu hợp tác quốc tế, uy tín của Hội An ngày càng vươn xa, được bạn bè yêu mến, vinh danh bằng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý. Đây cũng là cơ hội để Hội An rút ra những bài học hay, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của quốc tế về cả vật chất lẫn tinh thần, tiếp nhận những công nghệ mới trong công tác trùng tu như công nghệ diệt mối trong nhà cổ, phân loại xử lý rác thải, cải thiện nước thảixung quanh khu vực chùa Cầu...

700 HOP TAC BTDS 2016 1

Chị Chikara Wakako - thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học được Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) làm việc với cán bộTrung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An- Ảnh: Lê Hiền

Ngoài kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm bảo tồn, những năm qua, từ mối quan hệ hợp tác đối ngoại, thành phố cũng nhận được sự trợ giúp vật chất đắc lực của bạn bè quốc tế, với hàng chục tỷ đồng. Có thể kể đến như việc tu bổ tiền đình, hậu thẩm Khổng tử miếu và Miếu Hy Hòa do Quỹ Đại sứ Canada và Quỹ Đại sứ Hoa kỳ tài trợ. Quỹ Công Chúa Hà Lan cũng đã tu bổ nhà 14 Nguyễn Thái Học, lăng Bà Bạch (Cù Lao Chàm); Quỹ JICA Nhật Bản đã tài trợ tu bổ gần 10 ngôi nhà cổ và hiện đang tham gia dự án cải thiện chất lượng nước thải Chùa Cầu... Nói về công tác đối ngoại hợp tác để bảo tồn di sản, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An nhận định: « Có thể nói, công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hội An đạt được những kết quả như chúng ta biết luôncó vai trò rất lớn của hoạt động hợp tác đối ngoại quốc tế, đặc biệt là trên lĩnh vực tu bổ di tích, phải nói là hợp tác rất hiệu quả. Vì thực ra việc tu bổ di tích của chúng ta còn rất hạn chế về kinh nghiệm. Thông qua hợp tác quốc tế, đặc biệt là các tổ chức như JICA Nhật Bản, NARA, chúng ta học được họ rất nhiều kinh nghiệm bảo tồn các công trình kiến trúc gỗ cho Hội An. Thông qua việc làm của họ, chúng ta đào tạo được rất nhiều chuyên viên, đặc biệt là các thế hệ trẻ có thể hiểu được công tác bảo tồn di tích như thế nào, mang tính khoa học ra sao. Trên tinh thần đó cũng động viên quần chúng nhân dân ý thức tại sao phải bảo tồn di sản văn hóa. Từ những hoạt động đó, Hội An đã trực tiếp hợp tác không chỉ về kinh phí mà còn cả kinh nghiệm, kỹ thuật, giúp cho công tác trùng tu, tu bổ đạt kết quả».

Như vậy, rõ ràng, việc hợp tác đối ngoại đã giúp Hội An hội nhập sâu, rộng hơn, có nhiều cơ hội hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đây cũng là kênh thông tin trực tiếp giúp bạn bè thế giới biết và đến với Hội An ngày càng nhiều hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội địa phương.

Lê Hiền

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật