Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố trao đổi: “Hiện nay, Cẩm Kim có thể nói là khó hơn rất nhiều so với các địa phương nằm bên nội thành. Trước đây, từ Cẩm Kim muốn qua Hội An là phải đi bằng thuyền. Hiện nay đã có cầu dân sinh, chúng ta có thể đi bằng các phương tiện như xe gắn máy, xe đạp nhưng với điều kiện cụ thể của Cẩm Kim hiện nay, để phát triển cho Cẩm Kim cũng khó hơn rất nhiều. Và Cẩm Kim đang cần có cơ chế riêng, cụ thể là một nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, tập trung đầu tư thì Cẩm Kim mới có cơ may phát triển kịp với các xã ở bên khu vực nội thành này”
Cẩm Kim là xã cù lao nằm bên bờ Nam hạ lưu sông Thu Bồn thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, có hệ động thực vật, hệ sinh thái phong phú. Hệ thống sông rạch, mặt tiếp xúc sông khá lớn, cộng với các đặc trưng của mô hình làng quê sông nước như cồn bãi, công trình kiến trúc cổ, đường làng, rặng tre, đồng lúa… còn tương đối nguyên vẹn – là giá trị tài nguyên vô cùng lớn để Cẩm Kim có thể khai thác, phát triển du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Đường làng ở Cẩm Kim- Ảnh: Đỗ Huấn
Đồng thời, Cẩm Kim còn có làng mộc truyền thống Kim Bồng vốn nổi tiếng từ xa xưa, tích hợp nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, Cẩm Kim nằm kề cận khu đô thị cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới, vừa là hành lang kết nối vừa là vành đai mở rộng không gian phát triển du lịch của Hội An. Đây là những lợi thế cơ bản để lựa chọn định hướng phát triển, khai thác mô hình du lịch làng nghề du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa…
Tiềm năng, lợi thế về không gian, cảnh quan, về vị thế phát triển và văn hóa nhân văn của Cẩm Kim khá dồi dào, có khả năng đáp ứng yêu cầu cho việc xây dựng làng quê, làng nghề sinh thái, phù hợp với định hướng xây dựng Hội An – thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay Cẩm Kim vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn nhất, kinh tế phát triển chậm, tiềm năng lợi thế chưa được khai thác, phát huy. Đời sống kinh tế xã hội ở mức thấp, thu nhập bình quân của nhân dân thấp hơn 30% mức chung của thành phố hiện nay. Hạ tầng kỹ thuật đầu chắp vá. Chưa mang tính chiến lược, có mặt tụt hậu so với yêu cầu phát triển.
Vì vậy việc tập trung quản lý, đầu tư phát triển theo hướng bền vững Cẩm Kim trong bối cảnh, điều kiện và xu hướng phát triển chung của thành phố hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Nghị quyết của HĐND thành phố xác định mục tiêu và hướng xây dựng, phát triển Cẩm Kim là một “xã nông thôn truyền thống, văn minh” trên cơ sở bảo tồn và phát huy các đặc trưng làng quê sông nước – làng nghề truyền thống và các giá trị tự nhiên cảnh quan, sinh thái. Phương châm thực hiện “giữ là chính”.
Chủ trương của lãnh đạo thành phố là cần chú trọng bảo vệ, cải tạo không gian cảnh quan đồng thời là không gian phát triển kinh tế trọng tâm, đó là cảnh quan nông nghiệp, cảnh quan nông thôn, cảnh quan làng nghề và cảnh quan sông nước, cồn bãi. “Duy nhất Cẩm Kim là một địa phương đến thời điểm hiện tại còn hội đủ những điều kiện cần thiết về nguồn dự dự trữ tài nguyên rất là quý về mặt không gian phát triển của Hội An. Nếu chúng ta giữ được những cái gì tốt đẹp nhất của Cẩm Kim thì sẽ đem lại sự đổi thay và lợi ích rất lớn không chỉ cho dân Cẩm Kim mà cho cả Hội An. Và du lịch Cẩm Kim chính là du lịch nông nghiệp chứ không có du lịch gì khác”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng nói.
Không gian đồng quê, nông nghiệp ở Cẩm Kim- Ảnh: Đỗ Huấn
Trong phát triển kinh tế, trong giai đoạn 2017 – 2020 nông nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ đạo của Cẩm Kim. Phát triển theo hướng tạo đa dạng sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao và là vùng cung cấp nguyên liệu để phục vụ các nghề thủ công truyền thống. Đối với ngành tiểu thủ công nghiệp cần phát huy thế mạnh của làng nghề mộc Kim Bồng và các cụm xưởng nghề truyền thống, đồng thời gắn kết với phục vụ du lịch. Đối với du lịch, chủ yếu phát triển du lịch cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, khai thác mạnh các sản phẩm du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề, giữ gìn môi trường sinh thái và các giá trị văn hóa đặc trưng.
Về với Cẩm Kim không thể bỏ qua những cuộc khám phá, trải nghiệm với các giá trị văn hóa đặc trưng của làng quê – làng nghề truyền thống, đặc biệt là giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – nghề mộc Kim Bồng, tạo sản phẩm du lịch văn hóa nghề hấp dẫn. Và cạnh đó là nếp sống mộc mạc, thuần hậu, bình dị và hiếu khách của người dân quê.
Theo bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng Phòng Kinh tế, đơn vị xây dựng đề án “Xây dựng Làng quê – Làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim”, mục tiêu đến năm 2025 là: xác lập mô hình làng sinh thái, văn hóa, du lịch Cẩm Kim phát triển bền vững theo định hướng “Làng quê – Làng nghề sinh thái”, là sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố Hội An. Kinh tế phát triển, trong đó du lịch – dịch vụ - thương mại đóng vai trò chủ đạo…
Bảo tồn và phát triển xã Cẩm Kim cũng chính là bảo tồn và phát triển Hội An. Đồng thời, trong chiến lược phát triển du lịch của Quảng Nam, TP.Hội An được xác định là trọng điểm của vùng Đông Bắc tỉnh, trong đó Cẩm Kim có vai trò là cầu nối giữa Di sản văn hóa đô thị cổ Hội An với các vùng phía Nam sông Thu Bồn như Bàn Thạch, Trà Nhiêu, di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn… Do vậy Cẩm Kim có sức hút và lan tỏa sâu rộng trong tương lai. Rồi sẽ có một làng quê – làng nghề sinh thái ven sông hiền hòa, thơ mộng và quyến rũ du khách gần xa.
Đỗ Huấn
Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn