//

Tạo nguồn sức mạnh nội sinh

Thứ tư - 09/10/2019 15:04

Trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm nay TP.Hội An tập trung tổ chức nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ - thể dục thể thao theo hướng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Hội An đáp ứng yêu cầu xây dựng Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch”.

VHHA910191

Giữ gìn và phát huy giá trị di tích văn hóa để phát triển Hội An một cách bền vững- Ảnh: Đỗ Huấn

Đối với vùng đất và con người Hội An vốn có chiều sâu và bề dày về các giá trị di sản văn hóa, nơi “hội nhân, hội thủy, hội văn”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các ban ngành, đoàn thể luôn nhận thức sâu sắc rằng xây dựng và phát triển văn hóa có vị thế, vai trò rất quan trọng. Cùng với tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện “Đề án xây dựng làng quê – làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim giai đoạn 2017 – 2025”, “Đề án phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An giai đoạn 2017 – 2025”, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, các mô hình văn hóa theo tiêu chí Nông thôn mới tại các xã Cẩm Kim, Tân Hiệp, Cẩm Thanh, Cẩm Hà; ngành VH-TT đã và đang phối hợp triển khai các dự án văn hóa có ý nghĩa tạo động lực phát triển. Ông Nguyễn Văn Lanh – Trưởng Phòng VH-TT thành phố cho biết trong tâm là: phối hợp triển khai các dự án đầu tư Công viên Đài tưởng niệm xã Cẩm Thanh, Công viên Hội An; hoàn thiện phương án lắp đặt các biểu tượng, công trình mỹ thuật để cải thiện cảnh quan, tạo không gian nghệ thuật tại Cảng du lịch Cửa Đại, Cù Lao Chàm, bãi tắm An Bàng, bãi tắm Cửa Đại; phương án kiến trúc Đài tưởng niệm phường Cẩm Châu; tập trung kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm VH-TT xã phường, nhà văn hóa – khu thể thao thôn, khối phố.

Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, đạt được những tiến bộ trên các lĩnh vực của đời sống văn hóa – xã hội; đảm bảo cho mọi người không chỉ có cuộc sống vật chất ngày càng no đủ, khá giả, sung túc mà còn nhất thiết phải có đời sống tinh thần lành mạnh, có tâm hồn trong sáng. Công tác bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa được chú trọng tăng cường để tạo hiệu ứng lan tỏa cả về nhận thức và trách nhiệm cụ thể của từng người dân và cả cộng đồng dân cư. Từ nguồn ngân sách, nguồn thu từ tiền bán vé tham quan phố cổ, thành phố chú trọng đầu tư tu bổ khẩn cấp, chống xuống cấp và trùng tu tôn tạo các di tích tư nhân, tập thể, tăng cường quản lý hoạt động tu bổ di tích tư nhân, tập thể đảm bảo không gian, cảnh quan khu di sản. Các di tích văn hóa – lịch sử cách mạng, các danh thắng, cảnh quan vùng ngoại vi di sản phố cổ cũng được cải tạo, nâng cấp, gắn kết với hoạt động dịch vụ, mở rộng không gian du lịch.

VHHA910192

Quan tâm đào tạo đội ngũ thợ trẻ, góp phần bảo tồn các làng nghề truyền thống- Ảnh: Đỗ Huấn

Song song với việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, các ngành quản lý và bảo tồn cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư, giá trị các làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như dân ca, bài chòi và đương đại như ca nhạc, thơ, văn, hội họa… Trong đó cần chú ý đến thực trạng đáng lo về nguồn nhân lực hiện tại. Ông Phạm Phú Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An đề nghị: “Anh em trong ngành DSVH được bồi dưỡng đào tạo ra làm sao. Hay là ngay bên Trung tâm chúng tôi hiện nay hoạt động bảo tồn rất là nhiều nhưng đang rất là đau đầu về những người thợ, nghệ nhân. Bây giờ lớp thợ trẻ này không theo nữa mà những nghệ nhân này hầu như chưa có chính sách gì cả nên người ta mai một dần. Nếu không có những người này thì sau này hoạt động rất là khó. Kể cả các nghệ nhân văn hóa dân gian, bây giờ chúng ta phải có chính sách như thế nào, hỗ trợ ra làm sao? Chúng ta nên có quan tâm!”

Để phát huy tiềm năng nguồn lực con người và tài nguyên văn hóa, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, nghiên cứu, xuất bản ấn phẩm, hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao… Công tác tuyên truyền, vận động cũng được đẩy mạnh thông qua việc kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ chuyên ngành, đổi mới, đa dạng nội dung và hình thức truyền thông, phát triển và nâng cao hoạt động của hệ thống truyền thanh từ thành phố đến xã phường… Đặc biệt là nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình Gia đình văn hóa, Tộc họ văn hóa, Thôn-khối phố, xã phường, cơ quan văn hóa, xây dựng các chuẩn mực văn hóa học đường, văn hóa công sở, điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh một cách thiết thực, phù hợp… “Hội An theo định hướng vẫn tiếp tục phát huy, bảo tồn giá trị DSVH để phát triển kinh tế. Tôi nghĩ đây là một hằng số, đây là một lợi thế rất lớn mà không phải nơi nào cũng có như Hội An cho nên không có lý do gì mà chúng ta không theo định hướng này. Đó là niềm tự hào không chỉ của người Hội An mà là niềm tự hào chung của cả tỉnh và cả nước”. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Ánh nói.

Trải nghiệm từ thực tế nhiều năm qua đã cho thấy nhiều kinh nghiệm sâu sắc và những vốn liếng quý báu để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa của Hội An xứng tầm với di sản của ông cha, với trí tuệ và công sức của các bậc tiền nhân, đáp ứng yêu cầu văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh để Hội An hội nhập và phát triển trong tương lai.

 Đỗ Huấn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn