Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm được hình thành với sự tham gia của 42/44 doanh nghiệp có gần 140 phương tiện tàu thuyền với sức vận chuyển hơn 4000 khách, đã chứng minh rõ nét về sự phát triển cả về số lượng và quy mô với những đóng góp tích cực của khối doanh nghiệp hoạt động du lịch trong khu vực cho sự tăng trưởng kinh tế của vùng biển đảo Cù Lao Chàm – Hội An nói chung và ngành kinh tế du lịch mũi nhọn nói riêng. Đồng hành với hành trình xây dựng, phát triển của “Đảo xanh huyền thoại” – Cù Lao Chàm, các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp đáng kể, triển khai được nhiều hoạt động thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan đảo, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông đường thủy cho du khách, tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu vẻ đẹp của biển đảo quê hương…Hiện tại các doanh nghiệp trong chi hội đang tạo việc làm ổn định cho 550 lao động. Tính trong 3 năm gần đây, các doanh nghiệp đã phục vụ hơn 1 triệu 256 ngàn lượt khách tham quan đảo Cù Lao Chàm và thực hiện nghĩa vụ thuế khoảng 37 tỷ đồng, đóng góp hơn 113 triệu đồng tiền vé tham quan và phí vệ sinh môi trường. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đã hiệp thương cam kết những việc làm cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hình ảnh du lịch Cù Lao Chàm đối với du khách trong nước và quốc tế. Bà Lê Thị Mỹ Phụng – đại diện Ban chấp hành chi hội cho biết những nội dung chính như: xóa bỏ nạn chèo kéo, cò mồi; xây dựng giá cả hợp lý, tất cả dịch vụ phải được niêm yết công khai, không để xảy ra tình trạng chặt chém du khách; không vận chuyển khách quá tải, tất cả các phương tiện đều được trang bị ghế ngồi, áo phao, máy móc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách; vận động du khách thực hiện tốt nghĩa vụ mua vé tham quan, vé môi trường, bảo vệ môi trường, không xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên trên rừng, dưới biển…
Những cam kết đó là yếu tố mang tính sống còn, đảm bảo sự thành bại của hoạt động Chi hội trong thời gian lâu dài và sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp. Bởi thời gian gần đây, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tùy tiện hạ giá, đón khách ngoài luồng, thông qua cò mồi… đã xảy ra, để lại những hình ảnh xấu và bị dư luận phản đối gay gắt, làm giảm sút uy tín doanh nghiệp và ảnh hưởng thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm – Hội An. Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng, điều quan trọng là chi hội phải biết đoàn kết. “Đoàn kết sẽ cho anh chị em chúng ta sức mạnh, một đối trọng quan trọng để làm việc với các hãng lữ hành, các đơn vị đưa khách đến. Không có ai khác, chỉ có chi hội cung cấp sản phẩm duy nhất. Tại sao chúng ta không đồng nhất mà tạo kẽ hở để người ta hạ thấp giá cả, vòi vĩnh làm bất lợi cho số đông doanh nghiệp?”, ông Sơn nói.
Các doanh nghiệp đưa khách đến tham quan nghỉ mát ở Bãi Chồng (Cù Lao Chàm)- Ảnh: Đỗ Huấn
Sự phát triển của ngành du lịch Cù Lao Chàm trong những năm qua có thể nói không tách rời với thương hiệu của Khu sinh quyển mang tầm quốc tế và đã mang lại lợi ích cho cả cộng đồng dân cư, trong đó nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi lớn. Phát triển Cù Lao Chàm, phát huy giá trị thương hiệu Khu sinh quyển luôn phải gắn liền chặt chẽ và đồng bộ với việc bảo tồn những giá trị sinh thái, nhân văn vùng biển đảo. Rạn san hô đặc thù, thảm thực vật quý hiếm, rừng nguyên sinh đa dạng, di chỉ - di tích văn hóa lịch sử phong phú… là những giá trị trân quý cần được cộng đồng doanh nghiệp ý thức thường xuyên, chung tay cùng với nhân dân bảo vệ hiệu quả. Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Khi Cù Lao Chàm được bảo tồn thì hoạt động của chi hội và ngành du lịch phát triển được. Nếu ở Cù Lao Chàm môi trường không tốt, bị ô nhiễm về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội không ổn định thì chắc chắn du lịch sẽ bị ảnh hưởng, hoạt động bị cản trở. Cho nên vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội phải được ưu tiên hàng đầu”.
Nói như vậy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cũng không quên đề nghị các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp và tạo điều kiện để duy trì, nâng cao hiệu quả những phong trào hay, việc làm tốt của cộng đồng cư dân địa phương, tạo sự đa dạng, khác biệt, độc đáo trong các sản phẩm du lịch ở Cù Lao Chàm như: “nói không với túi nilon” rồi “nói không với ống hút nhựa”, “cua đá dán nhãn sinh thái”, bảo vệ chăm sóc rừng, cải tạo cảnh quan môi trường và hiện đang phát động hưởng ứng “nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần” …
Phát huy những lợi thế, tiềm năng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cộng đồng các doanh nghiệp trong Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm cũng như các doanh nghiệp có liên quan phải đồng hành và trách nhiệm để không ngừng nâng cao năng lực khởi nghiệp, khơi dậy nguồn tài nguyên nhân văn, sinh thái vùng biển đảo, phấn đấu đưa Cù Lao Chàm đến năm 2020 trở thành Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển du lịch sinh thái bền vững. “Thực ra, xu hướng du lịch của thế giới hiện nay là xu hướng du lịch bền vững. Không chọn con đường bền vững thì sẽ không bao giờ phát triển du lịch một cách bài bản được. Đó là con đường duy nhất, con đường cuối cùng để phát triển. Bền vững ở đây là sự dung hòa tất cả các yếu tố, trong đó có môi trường, có cộng đồng, có tự nhiên, có lợi ích của doanh nghiệp. Nếu chúng ta không dung hòa mà chỉ nghĩ đến lợi ích của doanh nghiệp không thì hoạt động của chi hội sớm muộn gì cũng đi vào con đường bế tắc. Chúng ta làm cái gì cũng phải đoàn kết lại, sáng tạo hơn, đổi mới hơn và đặc biệt là phát triển bền vững hơn”, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh lưu ý.
Phát triển du lịch Cù Lao Chàm, nâng cao giá trị thương hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là nhu cầu bức thiết không chỉ của riêng ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó có cộng đồng các nhà doanh nghiệp…
Đỗ Huấn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn