//

Hướng đến ngày doanh nhân Việt Nam 13.10 Góp phần tạo tiếng vang cho Hội An

Thứ tư - 09/10/2019 15:07

Nhiều năm nay, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Hội An đã nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế tư nhân và luôn đồng hành cùng chính quyền thành phố trong nhiều hoạt động. Ở nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp doanh nhân đã góp phần tạo thêm tiếng vang cho Hội An.

DN810191

 Những không gian ẩm thực trong phố cổ Hội An- Ảnh: Lê Hiền

Dựa trên những giá trị vốn có

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An nói chung đã ra sức giữ gìn, tôn tạo các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan sinh thái, xây dựng môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế xã hội, trong đó du lịch dịch vụ đang trở thành ngành mũi nhọn, mang lại cơ hội phát triển kinh tế tư nhân cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng như cư dân địa phương. Với cơ chế thuận lợi, Hội An đã tạo đà cho nhiều doanh nhân lập nghiệp, khởi nghiệp, tạo dựng thương hiệu và ngành nghề, khẳng định vị thế trên thương trường. Nhiều doanh nghiệp cũng luôn sáng tạo những ý tưởng, chiến lược mới, độc đáo, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận, tạo dựng hình ảnh, tên tuổi, các dòng sản phẩm đặc trưng cho đơn vị, đồng thời tạo tiếng vang, giúp Hội An ngày càng hội nhập sâu rộng. Những sản phẩm đặc trưng của Hội An cũng theo đó có cơ hội đến với cộng đồng quốc tế, được cộng đồng quốc tế chấp nhận và tôn vinh, thể hiện bằng những danh hiệu, những giải thưởng vượt khỏi phạm vi của một vùng miền. Đơn cử như danh hiệu Hội An - Thủ phủ ẩm thực của Việt Nam, Thiên đường ẩm thực thế giới hay những danh xưng khác tôn vinh phố Hội. Là một doanh nhân góp công lớn trong việc đưa ẩm thực Hội An ra quốc tế, bà Trịnh Diễm Vy, Giám đốc công ty tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An, một chuyên gia ẩm thực của phố Hội khiêm tốn nói:

“Có những đồng nghiệp của tôi ở 2 miền đất nước hỏi rằng, vì sao Hội An lại được công nhận là Thủ phủ ẩm thực Việt Nam. Phải chăng Hội An đang được quốc tế thiên vị? Tôi cho rằng tất cả đều có căn nguyên. Các chuyên gia thế giới đều có căn cứ hết, không phải mình nói gì họ cũng gật đầu đồng ý đâu. Tôi nghĩ ẩm thực Hội An cũng trên nền tảng của ẩm thực Việt Nam, một nền ẩm thực vô cùng phong phú về gia vị, nguyên liệu, lâu đời. Nhưng ẩm thực Hội An lại may mắn có một tầm cao hơn nữa. Bởi vì lịch sử Hội An có thương cảng, có sự giao thoa, đem lại cho ẩm thực Hội An sự ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới. Đặc biệt với vị trí địa lý của Hội An lại cho mình kế thừa, giao thoa hai nền văn hóa ẩm thực rất gạo cội của thế giới. Đó là ẩm thực châu Á (có Trung Hoa và Ấn Độ). Ẩm thực phương tây gồm có Pháp và Bồ Đào Nha. Tất cả đều ảnh hưởng đến ẩm thực Hội An. Đó là lý do vì sao món ăn của Hội An lại chiếm được tình cảm của khách phương tây cũng như châu Á. Bởi vì mỗi nền văn hóa của mỗi nước cũng có sự ảnh hưởng đâu đó trong ẩm thực Hội An. Đó là lý do vì sao người Châu Á cũng tìm thấy một phần văn hóa ẩm thực của họ ở đây, người phương tây cũng tìm thấy một phần quen thuộc trong ẩm thực của họ ở đây. Đó là một lợi thế của ẩm thực Hội An. Bản chất của ẩm thực Hội An là đã tự giới thiệu mình. Tôi chỉ nhìn thấy điểm mạnh, bằng tất cả niềm đam mê của mình, tôi làm cái cầu nối thôi, để cho biết đây là người Hội An, là ẩm thực, là món ăn của Hội An. Chỉ cần ăn một tô mỳ, một miếng gỏi hoặc một bữa cơm của chính người Hội An nấu theo đúng chất lượng cũng như gia vị của người Hội An thì tôi nghĩ người khó tính nhất cũng phải mềm lòng. Thì vì vậy tôi cũng dựa trên tất cả những gì Hội An có, mang đi xa hơn để thế giới biết được rằng sản vật, sản phẩm của Hội An là như thế nào”.

DN810192

 Các đầu bếp quốc tế cùng bà Trịnh Diễm Vy tại sự kiện Thách thức cao lầu Hội An

- Ảnh: Lê Hiền

Cũng là một trong những doanh nhân góp phần đưa Hội An hội nhập sâu rộng hơn thông qua nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, nhiều năm nay, ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cũng đã tham gia tổ chức nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Các festival Tơ lụa do đơn vị phối hợp với UBND TP tổ chức đã góp phần làm sống dậy nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa từ lâu đời của xứ Quảng, mang lại cơ hội hồi sinh cho nghề dệt thổ cẩm của một số dân tộc trong nước, góp phần phục hưng giai thoại về con đường tơ lụa trên biển của vùng đất Hội An. Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tơ lụa Quảng Nam cho rằng: “Nói đến Hội An người ta thường nhắc đến Hội An là điểm trung chuyển của con đường tơ lụa trên biển, du khách về đây, qua Làng Lụa Hội An biết thêm về  lịch sử của thương cảng Hội An trong quá khứ. Thông qua việc giới thiệu về nghề trồng dâu nuôi tằm, lịch sử phát triển nghề tơ lụa và 5 kỳ festival tơ lụa Việt Nam và thế giới mà chúng tôi đã tổ chức, điều đó đã cho quốc tế biết đến một Hội An Quảng Nam với nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống nổi tiếng”.

DN810193
  • Không gian một homestay ở làng biển An Bàng được du khách nước ngoài yêu thích- Ảnh: Lê Hiền

Tâm huyết dẫn dắt du lịch Hội An

Với những doanh nhân dành tâm huyết cho Hội An, hoạt động sản xuất kinh doanh ở vùng đất này không chỉ trong phạm vi của riêng doanh nghiệp. Tính cộng đồng bền vững đã được các doanh nhân chủ động xây dựng và kết nối, nhằm tạo nên những sản phẩm phù hợp với xu hướng chung, được cộng đồng quốc tế hướng đến lựa chọn. Điều đó cũng góp phần dẫn dắt du lịch Hội An đi đúng định hướng của thành phố, nhất là khi Hội An đang hướng đến xây dựng thành phố sinh thái. Những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp về du lịch bền vững, gắn với định hướng du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, được thể hiện trong chiến lược phát triển cơ sở lưu trú, homestay xanh, giữ bản sắc văn hóa vùng nông thôn, các miền quê sinh thái đặc thù, giữ đảo ngọc Cù Lao Chàm… Hướng đi của cộng đồng doanh nghiệp trong việc mở rộng không gian du lịch xanh, hòa cùng thiên nhiên ở Hội An được thể hiện ngày càng rõ nét, nhất là khi xuất hiện những doanh nhân có ý thức bảo tồn sinh cảnh làng quê, làng nghề và phát huy vốn văn hóa truyền thống của địa phương. Mô hình homestay xanh của anh Lê Ngọc Thuận, ở An Bàng, phường Cẩm An là một điển hình. Thành công nhờ cách làm độc đáo của cá nhân, mấy năm vừa qua, anh Thuận đã tư vấn và thiết kế, hỗ trợ quản lý vận hành cho cả chục hộ làm homstay xanh ở làng biển. Năm 2017, Tổng cục Du lịch trao giải thưởng “Khách sạn xanh ASEAN” giai đoạn 2016 - 2018 cho cụm homestay ven biển Cẩm An. Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của anh Thuận, ở khu vực ven biển An Bàng đã có khoảng 50 homestay theo mô thức xanh, dựa vào văn hóa đời sống của làng chài ven biển. Với vai trò là Chủ tịch Hội homestay Quảng Nam, hiện nay, anh đang tiếp tục phát triển xu hướng du lịch xanh tại Cẩm Kim và Triêm Tây, phù hợp với định hướng giữ gìn làng quê làng nghề sinh thái, giúp cộng đồng cư dân địa phương làm du lịch theo hướng xanh, bền vững, đúng xu hướng quốc tế. Anh Thuận chia sẻ: “Với vai trò là Chủ tịch Hội homestay Quảng Nam, mình đã nhìn thấy được cơ hội để các vùng ven phát triển, thì trách nhiệm của tôi rất là lớn, làm sao để cộng đồng phát triển bền vững, giữ được những giá trị nguyên bản của thiên nhiên, vẫn phát triển được du lịch và người dân vẫn có được kinh tế, không phải dùng đến quá nhiều bê tông, dẫn đến làng quê khó bền vững, đó là xu hướng trên thế giới người ta mong muốn tới được những điểm như vậy. Đi gần với thiên nhiên, ăn sạch, uống sạch và rác thải ra môi trường cũng giảm rất nhiều, thanh lọc được cơ thế, trải nghiệm được cuộc sống của người dân. Xu hướng này thế giới rất mong muốn. Mình đã nhìn thấy vấn đề nên làm sao cho người dân, cho cộng đồng được hưởng lợi trên mảnh đất của người ta theo hướng Eco, bền vững cho cộng đồng”.

Còn rất nhiều những cách làm hay của doanh nhân trên địa bàn thành phố đã khởi nghiệp sáng tạo, gặt hái thành công, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần đồng hành cùng thành phố trong chương trình phát triển kinh tế xã hội. Đó là những điển hình tiêu biểu đã cùng với cộng đồng cư dân Hội An tạo tiếng vang cho phố Hội, giúp địa phương khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Lê Hiền


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn