//

Nghệ nhân giữ lửa nghề mộc truyền thống xứ Quảng

Thứ năm - 07/11/2019 10:31

Làng mộc Kim Bồng từ lâu trở thành thương hiệu nổi tiếng đi cùng với phố cổ Hội An (Quảng Nam). Hơn 600 năm tuổi với nhiều thăng trầm, những truyền nhân của làng đã nỗ lực để nghề không bị mai một. Và một trong những người đóng góp nỗ lực để làm nên tên tuổi Mộc Kim Bồng ngày nay phải kể đến doanh nhân, nghệ nhân Huỳnh Sướng (53 tuổi).


0 cvqs
Ông Huỳnh Sướng sáng tạo các sản phẩm để đa dạng mẫu mã trong kinh doanh.

Thăng trầm nghề mộc

Làng mộc Kim Bồng toạ lạc ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển, thuộc xã Cẩm Kim. Mất một lúc ngồi nghe sóng vỗ mạn thuyền, làng mộc Kim Bồng hiện ra trước mắt với tiếng búa đục lách cách vọng ra sau rặng tre làng thật yên bình.

Mộc Kim Bồng ghi dấu nhiều công trình nghệ thuật và những giá trị văn hoá đặc sắc còn lưu lại đến ngay nay, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế ghé tới thăm.

Không khó để tìm nhà ông Huỳnh Sướng, truyền nhân đời thứ 13 của họ Huỳnh ở làng Kim Bồng. Ông lập Công ty, gắn biển giới thiệu, vạch chiến lược bài bản để đưa sản phẩm ra thị trường, nên nhiều người gọi ông là doanh nhân thành đạt cũng không ngoa.

Ông Sướng vui vẻ chào khách bằng chất giọng Quảng nằng nặng mà gần gũi: “Nghề mộc Kim Bồng có từ thế kỉ 16. Vượt qua bao thăng trầm lịch sử, cũng có lúc người thợ đành buông đục búa để mưu sinh bằng nghề khác nhưng ngọn lửa yêu nghề trong họ chưa bao giờ tắt. Nhờ đó, nghề mộc và sản phẩm mộc Kim Bồng vẫn sống cho tới bây giờ”. 

Trong kí ức của những người con nơi đây, nghề mộc Kim Bồng với những bàn tay nghệ nhân tài hoa một thuở vàng son, từng có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc với những công trình nhà rường, đình chùa, miếu mạo được chạm khắc tài hoa.

Nhiều nghệ nhân được tuyển chọn xây dựng những công trình thời triều Nguyễn ở kinh đô Huế. Và hẳn nhiên, đội thợ Kim Bồng không thể vắng mặt trong các công trình kiến trúc ở phố cổ Hội An thời thương cảng này mở cửa đón khách giao dịch hàng hóa.

Đến khi chiến tranh ly lạc, người làng mộc cũng tứ tán khắp nơi, nghề mộc mai một. Trở về gầy dựng làng sau chiến tranh, cả làng Kim Bồng gần như chỉ còn vài nghệ nhân, hai cha con cụ Huỳnh Ry (78 tuổi) và Huỳnh Sướng nằm trong số đó. Ông Huỳnh Sướng bảo, cũng có thời ông phải tạm gác nghề, bất bạt làm ăn tận miền Nam, dù lửa nghề vẫn âm ỉ trong lòng. 

Trầm ngâm giây lát, gương mặt ông Sướng như giãn ra: “Tính đến đời tôi là truyền nhân đời thứ 13 của nghề mộc họ Huỳnh. Niềm say mê nghề ăn sâu vào huyết quản, thấm trong máu thịt khó mà rời bỏ. Nhiều năm bất bạt làm ăn, tui quyết định trở về cùng cha gầy dựng lại thương hiệu một thời. Tới nay cũng đã ngót ba chục năm rồi, tôi thành gắn bó và thành công”. 

Ông Huỳnh Sướng chia sẻ, một thời cả làng chỉ còn cha ông là truyền nhân. Quan niệm của nghề xưa vẫn giữ nếp truyền nghề cho con cháu của mình. Thế nhưng, ông Sướng nghĩ, nếu như vậy thì nghề truyền thống sẽ mai một. Đó là lý do sau này, ông Huỳnh Ry quyết định đào tạo, truyền nghề cho hàng trăm tay thợ trong làng.

Người nghệ nhân chia sẻ, kỷ niệm vui nhất đối với nghề là vào năm 1996, mộc Kim Bồng được UNESCO giúp sức gầy dựng lại, nghệ nhân Huỳnh Ry đã dũng cảm bước ra khỏi ý niệm truyền nghề gia tộc để cùng với con trai Huỳnh Sướng truyền dạy nghề cho thanh niên trai tráng trong làng. Ba mươi tay thợ trẻ được học nghề mộc để duy trì làng mộc Kim Bồng nhờ đó.

Tiếp đến năm 1999, phố cổ Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới, nghề mộc Kim Bồng thực sự hồi sinh. Những nghệ nhân làng nghề có thêm cơ hội học hỏi các nghệ nhân Nhật Bản về bảo tồn, duy tu nhà cổ, phố cổ…

Ông Sướng chia sẻ thêm, để công việc kinh doanh, giới thiệu sản phẩm phát triển hơn, những người làm nghề phải tính đường dài. Trải qua nhiều nỗ lực, nhãn hiệu tập thể mộc Kim Bồng mới được xác lập. 

a2 3 1 bbtl  Khách du lịch đến mở ra một hướng mới để nghề mộc Kim Bồng hồi sinh.

Ông Sướng cũng như nhiều hộ ở làng mộc trăn trở trong việc “tái đầu tư” kinh doanh. Cụ thể, các làng nghề đều nằm trong chuỗi văn hóa du lịch, nên cần có một chính sách phù hợp để hỗ trợ. Bên cạnh đó, mỗi cơ sở cần đầu tư ứng dụng KHCN để sản xuất, chuyển các dòng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phục vụ thị hiếu du lịch nhưng vẫn mang tính văn hóa của sản phẩm. Các cơ sở phải hỗ trợ, liên kết với nhau trong sản xuất và cả tiêu thụ, gắn thương hiệu chung của làng nghề trong mỗi sản phẩm làm ra…

Vừa kinh doanh, vừa lưu giữ truyền thống cha ông!

Ghi nhận những thành quả có được, tháng 6/2016, nghề mộc Kim Bồng đã được Bộ VHTT&DL chính thức công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Huỳnh Sướng bấm đốt ngón tay, từ đó đến nay, cả làng mộc Kim Bồng bây giờ có trên dưới 200 tay thợ làm việc trong khoảng 20 cơ sở mộc. 

Những con số thống kê tưởng chừng khô khan nhưng lại minh chứng sống động nhất cho sự hồi sinh một làng nghề. Ngày nay, cứ đến mùng 6 tháng Giêng hằng năm, người dân làng mộc Kim Bồng thường tổ chức giỗ Tổ làng nghề. Hoạt động ngoài tri ân công đức tiền nhân, những người có công khai sinh, lưu giữ làng nghề, còn xem như một hoạt động văn hóa du lịch hấp dẫn.

Nằm trên tuyến đường sông với điểm đến du lịch sinh thái Triêm Tây, làng mộc Kim Bồng vài năm trở lại đây ngày càng nhộn nhịp du khách thập phương, đặc biệt khách nước ngoài ghé thăm, nhiều gia đình thức thời còn mở các gian hàng trưng bày, bán quà.

Ông Huỳnh Sướng nói, muốn du khách dừng chân, người thợ Kim Bồng bây giờ không chỉ chăm chăm theo chạm trổ làm ra các ngôi nhà cổ, miếu mạo… mà còn cần kỹ năng, kỹ xảo, phải tìm tòi, sáng tạo để đa dạng hóa sản phẩm, có thể đáp ứng được cả nhu cầu sử dụng lẫn làm quà lưu niệm như: đũa, tượng gỗ, chuỗi hạt… Không có độ rung cảm, cái hồn của tác phẩm mỹ nghệ sẽ khó thành công. Vì thế, ông Sướng ví von gọi họ là “những doanh nhân đầy chất nghệ sĩ”. 

Bản thân ông Huỳnh Sướng nuôi khát vọng tiếp nối cha ông để giữ nghề, giữ lửa, giữ âm thanh sống của làng mộc, ông không chỉ chăm chú kinh doanh mà còn đang là chủ nhân nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong đó có tác phẩm “Cội nguồn” được giải Ba trong cuộc thi Sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII năm 2010 cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật làng quê Việt Nam độc đáo khác…

Trời về chiều dịu mát và những chuyến đò đầy khách du lịch nối đuôi nhau cập bến cũng nhiều hơn. Trên hành trình ra thăm làng mộc, một vị khách đến từ nước Pháp phấn khởi chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Hội An. Ngoài vẻ đẹp quyến rũ của phố cổ, tôi rất thích khung cảnh làng mộc Kim Bồng với nhiều sản phẩm nghề bắt mắt được tạo ra từ những bàn tay tài hoa”.

Vũ Vân Anh
baophapluat.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn