Lượng du khách tham quan đông đúc tạo ra rất nhiều áp lực đối với phố cổ- Ảnh: Đỗ Huấn
Sau 20 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (kể từ ngày 4.12.1999), thương hiệu du lịch Hội An ngày càng được vang tiếng muôn phương,chỉ cần vào mục tìm kiếm trong Google đã có hơn 13,6 triệu thông tin liên quan. Hội An thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn và yêu thích của du khách.Năm 2019, thành phố Hội An đã đón được 5.350.000 lượt khách, tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng tăng hơn so với năm trước 5,24%, trong đó khách quốc tế là 4 triệu lượt, tăng 5,16%. Tổng lượt khách mua vé tham quan khu phố cổ đạt gần 2,5 triệu lượt.
Lượng khách đến đông đảo là điều đáng mừng vì nguồn thu từ bán vé tham quan và các dịch vụ trong cộng đồng dân cư tăng cao nhưng kéo theo đó là những âu lo về môi trường, về xã hội. Theo nhận định của UBND thành phố, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Môi trường du lịch, trật tự đô thị, trật tự kinh doanh, văn hóa tại các điểm đến còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục chấn chỉnh nhằm giữ gìn uy tín, thương hiệu du lịch Hội An. Những áp lực do lượng du khách đông đúc đối với vệ sinh môi trường, giao thông vận tải, tình hình an ninh trật tự… không hề nhỏ và đơn giản chút nào. Trong khi đó, mục tiêu du lịch năm 2020 mà HĐND thành phố đề ra là tăng lượng khách đến lên 5.700.000 lượt, trong đó khách mua vé tham quan phải gần 4,5 triệu lượt. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh rất quan ngại về những áp lực của du lịch Hội An hiện nay. Chủ tịch Lê Trí Thanh nói: “Trong thời gian gần sắp tới đây thôi, khi vùng đông của Quảng Nam phát triển mạnh lên, rất nhiều khu du lịch, trong đó có khu nam Hội An bắt đầu đón khách và nhiều khu du lịch khác nữa. Lượng khách mà trước đây quy hoạch từ 8 triệu đến 10 triệu lượt khách vào năm 2020, bây giờ không phải như vậy nữa. Con số này sẽ có sự gia tăng đột biến với sự phát triển của vùng đông Quảng Nam sắp tới, với sự hình thành các quan điểm mới về khai thác du lịch trọng tâm của TP.Đà Nẵng, các cơ sở hạ tầng về đường không, đường bộ, đường biển phục vụ cho du lịch ngày càng hoàn thiện hơn. Đó là điều làm nên áp lực vô cùng lớn, sức chịu tải của Hội An cả về phố cổ, cả về văn hóa, cả về phong tục tập quán truyền thống của con người nơi đây đang bị thử thách một cách nghiêm trọng. Chưa nói vấn đề môi trường sinh thái nữa. Rất nhiều, rất nhiều vấn đề!”.
Cũng sau 20 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới, đô thị cổ Hội An còn đối diện với một thực tế đáng quan ngại nữa là sự biến động dân cư trong khu phố trung tâm của thành phố - điểm tham quan chính của du khách khi đến Hội An. Người dân từ nhiều nơi khác nhập cư về Hội An khá đông, có cả người trong nước lẫn ngoài nước nhưng chủ yếu là các nhà chuyên kinh doanh, buôn bán hoặc có nhu cầu đầu tư các dự án. “Hội An đang bị quá tải du lịch do sự gia tăng đột biến lượng du khách. Với trào lưu du lịch mang tính toàn cầu, đòi hỏi có cơ chế cùng tồn tại và phát triển giữa khách du lịch và người dân địa phương, trong khi đó dân số trong khu phố cổ bị giảm đi. Tại Hội An tồn tại vấn đề dân cư di dời xa khỏi khu phố cổ do các khu phố bị thương mại hóa, dân số càng ngày càng giảm, từ đây phát sinh thách thức làm thế nào để duy trì sinh hoạt và lối sống vốn có tại khu phố cổ Hội An”, Tiến sĩ Ando Katsuhiro –Trường Đại học Yamanashi – Nhật Bản chia sẻ.
Phát triển du lịch nhưng phải bảo tồn giá trị kiến trúc và nếp sống văn hóa của cộng đồng cư dân ở đô thị cổ Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn
Sự thay đổi chủ sở hữu nhà ở, biến động dân số, chuyển đổi cơ cấu dân cư trong khu phố cổ đã làm tình trạng sửa chữa, cải tạo nhà ở, địa điểm kinh doanh, nhất là trong khu phố cổ diễn ra với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với trước đây, làm thay đổi về cảnh quan, biến dạng di tích, nhà ở trong khu phố cổ. Biến dạng di tích với rất nhiều yếu tố trầm ẩn, đáng lo lắng thông qua các nhu cầu kinh doanh buôn bán, phục vụ cho đời sống hiện đại của cư dân phố cổ! Từ kết quả kiểm tra, khảo sát của đơn vị những năm qua, ThS, KS Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết: “Đến bây giờ, chúng tôi được biết là hầu như không có ngôi nhà nào trong khu phố cổ mà không dùng để kinh doanh, chỉ còn lại 1 – 2 cái, rất ít. Những năm trước đây việc kết hợp vừa kinh doanh vừa ở trong các ngôi nhà, các di tích rất phổ biến. Nhưng từ những năm 2014 đến 2017 và đến bây giờ thì tỷ lệ gia tăng rất nhiều, một số ngôi nhà chỉ dùng để kinh doanh, không có người ở. Đây là vấn đề hết sức quan ngại, chúng ta hay dùng từ là biến dạng trong di tích”
Năm 2020, lãnh đạo thành phố có kế hoạch chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, chỉ đạo mở rộng không gian phát triển du lịch gắn với khai thác các tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Tích cực triển khai thực hiện các chương trình, phương án phương án phục hồi và phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Trà Quế và làng mộc Kim Bồng, tổ chức các tuyến tham quan nội vùng và liên vùng xã Cẩm Kim, đầu tư phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch tại các vùng ven, làng quê, làng nghề, hải đảo… để thu hút du khách đến tham quan, lưu trú ngày càng tăng.
Với nhiều giải thưởng du lịch quốc tế uy tín đã được bình chọn, hy vọng rằng Hội An sẽ đạt được mục tiêu đón lượng du khách đến tăng cao nhưng đó chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ mà thành phố đã đề ra là vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để thu hút thị trường khách có chi tiêu cao. Nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Sự cho rằng: “Một điều quan trọng mà tôi cho là lớn nhất, nếu chúng ta không tỉnh táo và chúng ta không có tư duy trở lại mà cứ nghĩ đón khách một cách bất kể, và tư duy kiểu đón khách càng đông càng tốt thì sẽ có nguy cơ phá vỡ đi tất cả nếp sống tốt đẹp của người dân Hội An”.
Phát triển du lịch đã tác động tích cực, mang lại nhiều đổi thay lớn lao đối với vùng đất và con người phố cổ và thành phố Hội An nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức khó lường, để lại nguy cơ tiềm tàng đối với công tác bảo tồn di sản. Nhất thiết phải có những điều chỉnh thích hợp để Hội An phát triển bền vững, trở thành điểm đến mang bản sắc độc đáo, được du khách năm châu yêu thích. Phát triển phải bảo tồn, bảo tồn để phát triển!
Đỗ Huấn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn