Kết quả bước đầu
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hội An lần thứ XVI, đến nay, hạ tầng đô thị tại Hội An đã được đầu tư tương đối đồng bộ; công tác quản lý đô thị, tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến; vai trò của 5 tiểu vùng kinh tế xã hội thể hiện khá rõ.
Công tác quy hoạch, quản lý kiến trúc, cảnh quan, quản lý di tích được đặc biệt chú trọng thông qua việc ban hành và thực hiện các quy chế cụ thể. Đồ án “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025” đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện. Việc quản lý kiến trúc xây dựng, cảnh quan khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng; nhiều di tích lịch sử-văn hóa ngoài khu phố cổ cổ được tôn tạo, cộng đồng quản lý tốt. Quy mô, cấu trúc không gian và mỹ quan đô thị của Hội An được giữ gìn, tôn tạo và phát triển, góp phần đắc lực vào việc phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố cho biết,5 tiểu vùng kinh tế xã hộigồm Khu vực đô thị trung tâm, Khu vực đô thị cận trung tâm, Khu vực đô thị bờ biển - ven sông, Khu vực làng quê và Khu vực Cù Lao Chàmđược Đại hội XVI tiếp tục xác định và định hướng đầu tư đã có những bước chuyển tích cực. Tuy nhiên, hạ tầng kinh tế xã hội thành phố chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Một số công trình trọng điểm, mang tính chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XVI đề ra chưa được thực hiện; cơ sở hạ tầng một số khu vực thiếu đồng bộ, chậm được hoàn thiện; kết cấu hạ tầng đô thị có mặt còn bất cập; Quy hoạch chung về xây dựng đô thị Hội An đến năm 2030 chậm được phê duyệt để làm cơ sở thực hiện; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc xây dựng của thành phố nảy sinh một số bất cập nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Thêm vào đó, nhiều dự án chậm triển khai, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch tài nguyên môi trường trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố cho biết:
“Về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch tài nguyên môi trường, hiện thành phố đang trình tỉnh điều chỉnh Quy chế 777 liên quan đến vấn đề tách thửa. Cũng đang trình tỉnh quy hoạch kiến trúc, về đường biên, khoảng lùi trong xây dựng,...Nếu được điều chỉnh thì sẽ giải quyết căn bản nhu cầu tách thửa của người dân và quy hoạch phát triển thành phố“.
Định hướng tương lai
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong những năm tới là: Hoàn thành điều chỉnh và triển khai thực hiện, quản lý chặt chẽ quy hoạch chung về xây dựng đô thị Hội An đến năm 2030 theo định hướng “sinh thái -văn hoá - du lịch” - phát triển năng động, giàu bản sắc, hiện đại và bền vững. Xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị loại 2, vừa bảo tồn nguyên trạng Khu phố cổ - Di sản văn hoá thế giới, vừa chỉnh trang mở rộng liên hoàn các khu đô thị sinh thái mới, các đô thị biển, các khu vực cảnh quan sinh thái làng quê. Tiếp tục tạo bước đột phá về về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại.
Hội An quy hoạch phát triển trên cơ sở bảo tồn di sản- Ảnh: Quốc Hải
Thành phố điều chỉnh phân vùng phát triển thành 3 khu vực, đó là Đô thị, Biển đảo, Làng quê. Theo đó, khu vực Đô thị lấy khu phố cổ làm trung tâm, gồm các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Tân An, Cẩm Châu, Cẩm Nam, Thanh Hà. Khu vực này cần bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy tối ưu các giá trị của khu phố cổ, xác định khu phố cổ là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố; phát triển Tân An, Thanh Hà trở thành những khu đô thị, dịch vụ chất lượng, hiện đại; kết hợp các yếu tố đặc trưng về sản xuất nông nghiệp, sông nước, cồn bãi, xây dựng Cẩm Nam, Cẩm Châu phát triển theo hướng vừa đô thị vừa làng quê, tổ chức không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên và đảm bảo phát triển bền vững. Khu vực Biển đảo gồm các phường Cửa Đại, Cẩm An và xã đảo Tân Hiệp. Phát triển khu vực biển đảo theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự xâm thực biển ngày càng mạnh; tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch, giảm tỷ trọng nông-ngư nghiệp trong phát triển kinh tế trên cơ sở xác định, phát triển du lịch sinh thái biển đảo góp phần quan trọng làm tăng giá trị sản xuất kinh tế du lịch của thành phố.
Do vậy, thành phố cần tập trung đầu tư nâng cấp các bãi biển, bờ biển phục vụ du lịch; tranh thủ các nguồn lực, giải quyết căn bản hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhằm phát triển tuyến du lịch Cù Lao Chàm đảm bảo chất lượng, đặc biệt là điện, nước sạch Cù Lao Chàm, cảng du lịch Cửa Đại; hoàn thiện các khu dân cư, chỉnh trang đô thị ven biển, xây dựng khu dân cư sinh thái hải đảo Cù Lao Chàm và khai thác hợp lý tài nguyên biển, đảo để phát triển. Khu vực Làng quê gồm các xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim định hướng xây dựng các làng quê sông nước gắn với các ngành nghề truyền thống như sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làng nghề,... trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Đặc biệt, trong xu hướng hiện nay, Hội An cần quan tâm về mặt quy hoạch không gian phát triển, kiến trúc xây dựng đảm bảo phù hợp, không bị phá vỡ bởi tác động đô thị hóa; phát huy môi trường sinh thái nhân văn để xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống của Nhân dân. Trên cơ sở quy hoạch chung, thành phố triển khai lập quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư hiện có và quy hoạch thiết kế các khu đô thị mới ở các phường; quy hoạch chi tiết các điểm, cụm dân cư ở các xã; hạn chế tối đa việc giải tỏa, di dời quá nhiều hộ dân để hình thành đô thị mới; hoàn thành các dự án quy hoạch dân cư đô thị dang dở.
Tại Hội nghị BCH Đảng bộ thành phố lần thứ 4, khóa XVII (mở rộng) mới đây, đồng chí Kiều Cư - Bí thư Thành ủy đã yêu cầu các cơ quan, ban ngành chức năng phải rà soát, chuẩn bị mọi yêu cầu để quy hoạch đầu tư phát triển thành phố trong thời gian tới mang tầm quốc tế.
“Chúng ta phải rà soát lại quy hoạch của thành phố đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất. Muốn triển khai nhanh quy hoạch, chúng ta phải có ý tưởng quy hoạch thành phố như thế nào, tầm nhìn đến năm 2030 và đến năm 2050 để khi thông báo thì các nhà thầu sẽ đăng ký tham gia. Sau đó, khả năng là Sở Xây dựng sẽ đứng ra tổ chức thi chọn để quy hoạch thành phố chúng ta mang tầm cỡ quốc tế.” - Đồng chí Kiều Cư nói.
Cũng theo Bí thư Thành ủy, hiện đã có 3 tập đoàn của Pháp, Nhật, Singapore và một KTS Việt kiều người Mỹ đã gửi hồ sơ tham gia quy hoạch thành phố Hội An trong thời gian tới./.
Quốc Hải
Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn