Bến cảng Bãi Làng (Cù Lao Chàm). Ảnh: M.Hải |
Đa dạng sinh học
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có diện tích 45.297ha, gắn liền với cuộc sống, văn hóa của hơn 90 nghìn người và được phân chia thành 3 vùng chức năng cơ bản là vùng lõi (diện tích 11.560ha), gồm toàn bộ đảo nổi và các vùng chức năng (vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng phát triển, vùng khai thác hợp lý). Đây là nơi thực hiện chủ yếu chức năng bảo tồn của khu sinh quyển thông qua hoạt động của khu bảo tồn biển và lực lượng bảo tồn rừng đặc dụng Cù Lao Chàm. Vùng đệm (diện tích 32.220ha), gồm phần biển bao xung quanh vùng lõi cùng với toàn bộ diện tích hệ thống sông, kênh rạch, ao hồ tự nhiên, vùng đất ngập nước tự nhiên, bãi biển thuộc TP.Hội An. Nơi đây tập trung các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng như biển, sông, đất, ngập nước, rừng ngập mặn, bãi triều, bãi biển, doi cát, cửa sông. Vùng chuyển tiếp (diện tích 1.517ha), là phần diện tích tự nhiên còn lại của Hội An, trong đó nổi bật là khu phố cổ và các làng nghề truyền thống đặc trưng thể hiện sự giao thoa, tương tác giữa con người với thiên nhiên.
Đến nay, dù chưa có một nghiên cứu toàn diện về đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, tuy nhiên các nghiên cứu chi tiết về đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển đã cơ bản phản ánh được mức độ đa dạng sinh học biển tương đối phong phú và đa dạng của toàn bộ vùng biển khu dự trữ sinh quyển. Hiện đã có hơn 736 loài thuộc 263 giống thuộc các nhóm sinh vật chủ yếu trong hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển đã được ghi nhận. Cụ thể, có 5 loài cỏ biển thuộc 3 giống; rong biển kích thước lớn có 76 loài thuộc 46 giống; san hô tạo rạn có 277 loài thuộc 40 giống; cá rạn san hô có 270 loài thuộc 105 giống; thân mềm có 97 loài thuộc 61 giống và da gai có 11 loài thuộc 8 giống. Đặc biệt, rừng đặc dụng Cù Lao Chàm (diện tích 1.490ha) cũng phát triển khá đa dạng. Thống kê cho thấy, riêng hệ thực vật Cù Lao Chàm đã có 499 loài, thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, chiếm 5 trong tổng số 6 ngành thực vật bậc cao của hệ thực vật Việt Nam. Nhiều loài thuộc nhóm cây gỗ và thuốc quý như gõ mật, lim xanh, dầu lông, chò nâu, huỷnh, bời lời, sến mật, mây nép, ngũ gia bì, sâm nam… đã được bảo tồn và phát triển tốt. Ngoài ra, nhiều loài động vật đặc trưng như yến, cua đá, khỉ đuôi dài, bìm bịp, diều hâu, gà rừng, tắc kè, trăn… cùng hàng chục loài động thực vật tại lưu vực hạ lưu sông Thu Bồn (Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Cẩm Hà…) như dừa nước, đước đôi, vẹt dù, thảm cỏ biển, rong câu chỉ cùng các loại động vật thân mềm và giáp xác khác như hàu, chem chép, ngao, cua, ghẹ… cũng đã được gìn giữ bảo vệ ổn định.
Bảo tồn để phát triển
Có thể khẳng định, qua 7 năm kể từ khi trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, việc bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái, động thực vật và các tài nguyên nhân văn nơi đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thành công nhất chính là đã bảo vệ nguyên dạng sinh thái và hệ sinh học trong tất cả khu vực vùng lõi và vùng đệm của khu sinh quyển. Trên cơ sở bảo tồn này đã giúp hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng cư dân sống trong khu dự trữ phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo được đa dạng sinh học và tính sinh thái, không phá vỡ môi trường, cảnh quan xung quanh đảo. “Cái mà chúng tôi phát triển rất mạnh trong thời gian vừa qua chính là liên kết được 4 nhà gồm nhà khoa học (trong và ngoài nước), nhà quản lý, nhà nông (cộng đồng) và nhà doanh nghiệp nhằm tạo thành sức mạnh và sự đồng thuận để khu sinh quyển Cù Lao Chàm phát triển bền vững” - bà Thúy nói.
Tuy vậy, không phủ nhận thực tế là khu dự trữ sinh quyển vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Ngoài việc khách du lịch quá đông kích thích người dân khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, tự nhiên thì quá trình phát triển cũng tác động vào thiên nhiên và môi trường ngày càng nghiêm trọng. Bà Thúy cho rằng, để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn với phát triển, ban quản lý đã có những kế hoạch quản lý và đề án phát triển bằng cách phân vùng cụ thể khu vực được khai thác và khu vực không được khai thác nhằm bảo tồn nguyên trạng những khu vực nhạy cảm, nhất là những khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm. “Trong khu vực vùng lõi chỉ cho phát triển những hoạt động du lịch mang tính sinh thái như tắm biển, xem lặn biển và các hoạt động không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, những hoạt động mang tính chất ô nhiễm, ồn ào sẽ không được tổ chức trong khu vực này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tham mưu với thành phố và các cơ quan chức năng để có những đánh giá về tác động môi trường gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Đặc biệt, đề xuất thành phố trong việc đánh giá tác động môi trường với những đề án trong khu vùng lõi như xây dựng resort ở Bãi Bìm hay những khu vui chơi tại những cồn bãi các vùng cửa sông Cẩm Thanh, Cẩm An và trong phố cổ Hội An…” - bà Thúy cho biết.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An kiêm Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, qua 7 năm được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, bên cạnh sự thay đổi về kinh tế - xã hội xã đảo thì cuộc sống của người dân cũng tốt hơn. Tuy vậy, việc giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển cũng khá nan giải, đòi hỏi trách nhiệm không chỉ của hệ thống chính trị thành phố mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kể cả du khách. Vì vậy, bên cạnh khoanh vùng, cắm phao những khu vực được và không được khai thác thì việc tăng cường công tác truyền thông giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng cũng luôn được chú trọng. “Quan điểm của thành phố là bảo tồn để phát triển chứ không phải vì phát triển mà bỏ qua những yêu cầu, nguyên tắc cơ bản trong ứng xử với tự nhiên. Với khu dự trữ Cù Lao Chàm thì càng quan trọng vì nơi đây có rừng đặc dụng và hệ sinh thái của rạn san hô và khu vực biển xung quanh đảo nên mọi chủ trương cũng như mọi vấn đề doanh nghiệp, tổ chức thực hiện trong khu sinh quyển nói chung và khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói riêng đều phải tuân thủ những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt” - ông Hùng khẳng định.
VĨNH LỘC
Nguồn tin: baoquangnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn