//

Phát triển Cù Lao Chàm trên cơ sở bảo tồn

Thứ tư - 08/06/2016 22:46

Có thể khẳng định rằng, việc đạt được danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế xã hội của đảo Cù Lao Chàm và cả TP.Hội An.

Nếu năm 2009 Cù Lao Chàm chỉ đón hơn 35.000 lượt khách thì đến năm 2015 lượng du khách đến đảo tăng cao không ngờ với hơn 400 ngàn lượt, trong đó lượt khách lưu trú đạt hơn 10.900 lượt. Doanh thu bán vé tham quan đạt hơn 12 tỷ 117 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu du lịch từng bước đã được chuyển dịch theo đúng định hướng, giải quyết cơ bản việc làm tại chỗ cho người lao động. Cơ sở hạ tầng các khu du lịch ở Bãi Ông, Bãi Chồng được tăng cường đầu tư, chất lượng dịch vụ du lịch được cải thiện, một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác. Việc quảng bá hình ảnh du lịch Cù Lao Chàm được tăng cường. Chính vì vậy, thu nhập của nhân dân từ dịch vụ du lịch đạt hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn như doanh thu từ khách lưu trú của 29 hộ với 78 phòng homestay đạt khoảng 700 triệu đồng, tăng 24%, của 17 thuyền tham gia vận chuyển khách du lịch đạt hơn 160 triệu đồng, tăng 44%. Đời sống nhân dân nhìn chung được cải thện đáng kể. Bức tranh du lịch của xã đảo ngày càng tươi sáng hơn với những chỉ số lạc quan và hứa hẹn triển vọng. Chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề vì vậy cũng đang diễn ra sinh động, tạo nhiều việc làm, đem lại cơ hội, tạo sinh kế mới cho cộng đồng, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố nhận định:“Chúng ta dễ dàng nhận biết hiện nay Cù Lao Chàm đang có những tăng trưởng có thể được cho là nóng so với tình hình chung của toàn thành phố. Khách đến Cù Lao Chàm tăng gần 200%/năm 2015 và có thể nói lần đầu tiên ngân sách xã Tân Hiệp tăng gần 8 tỷ. Đây là một con số mà có thể nói từ lâu nay lãnh đạo thành phố chưa nghĩ đến. Cùng với việc phát triển chung thì có thể nói tình hình nhân dân Tân Hiệp thông qua vận động từ các cơ quan, các đơn vị như Bảo tồn biển, Khu sinh quyển, một số tổ chức về việc hỗ trợ các sinh kế liên quan đến cộng đồng khi Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển, khi là khu sinh quyển trong 5 năm qua có thể nói là kết quả rất tốt”.

700 CL1

Gắn kết sự phát triển Cù Lao Chàm với bảo tồn giá trị sinh thái, nhân văn Khu dự trữ sinh quyển thế giới-Ảnh: Đỗ Huấn

Những năm qua, với sự tập trung đúng mức của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An, Cù Lao Chàm đã nhận được sự đầu tư đáng kể trên các lĩnh vực, tạo điều kiện phát triển nhanh chóng. Kinh tế đạt mức tăng trưởng rất cao, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 40 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2014 (khoảng 33%). Thu ngân sách trên địa bàn cũng đạt kết quả cao. Các nguồn thu trên địa bàn đều đạt và vượt chỉ tiêu, đáp ứng kịp thời các hoạt động của địa phương. Tổng thu đạt hơn 12,7 tỷ đồng, vượt 93% kế hoạch, trong đó thu trên địa bàn đạt hơn 7,5 tỷ đồng, vượt 170% kế hoạch, chủ yếu là thu từ du lịch và dịch vụ, chiếm hơn 70%. Dấu mốc quan trọng trong tiến trình của xã còn chính là bằng nội lực, năm 2015 Tân Hiệp đã xóa hết hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới của quốc gia. Sự nghiệp văn hóa – giáo dục – y tế có nhiều chuyển biến, an sinh xã hội luôn đảm bảo... Công tác an ninh quốc phòng luôn được giữ vững, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc, góp phần để Cù Lao Chàm trở thành điểm đến an toàn thân thiện của du khách thích khám phá và trải nghiệm.      

Tuy vậy, quá trình phát triển kinh tế xã hội của xã đảo Tân Hiệp vẫn còn bộc lộ những dấu hiệu đáng lo ngại: công tác quản lý chưa thật chặt chẽ, tư duy lãnh đạo chưa theo kịp yêu cầu, công tác quy hoạch thiếu qui củ, sự thay đổi về lối sống, nếp ứng xử của người dân do những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và kiểu làm “ăn xổi ở thì”... Điều kiện cơ sở vật chất hiện có tại Cù Lao Chàm cơ bản đáp ứng được nhu cầu và phục vụ khoảng 3000 lượt khách/ngày. Tuy nhiên, số lượng cơ sở và chất lượng dịch vụ phục vụ vẫn còn thiếu và quy mô khá khiêm tốn so với tốc độ phát triển, chủ yếu tập trung tại Bãi Ông, Bãi Chồng và Bãi Làng, gây áp lực và ảnh hưởng đến sự phát triển cân bằng của nguồn tài nguyên sinh thái tại khu vực.

Kinh tế dich vụ - du lịch – thương mại tuy tăng trưởng cao, mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng nhưng sự phát triển nhanh và ồ ạt đã gây nhiều khó khăn trong quá trình điều hành quản lý. Tình trạng bu bám, tranh giành khách, nâng ép giá bán buôn còn xảy ra khá phổ biến, sản phẩm du lịch còn nghèo, chưa phát huy được bản sắc riêng có... Vừa qua, HĐND thành phố khóa X đã sơ kết việc thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch xã đảo Tân Hiệp đến năm 2015 và quyết nghị đưa vào chương trình công tác năm 2016 việc bàn thảo, xây dựng kế hoạch giải pháp thực hiện phát triển toàn diện xã đảo Tân Hiệp đến năm 2020. Vì vậy, cùng với định hướng phát triển du lịch Cù Lao Chàm mà BCH Đảng bộ thành phố đã và đang triển khai thì đây là thời cơ, là điều kiện thuận lợi để Tân Hiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Dù vậy nhưng theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng, Cù Lao Chàm phải phát triển dựa trên nền tảng của sự bảo tồn: “Hiện nay, quy hoạch Cù Lao Chàm đã được UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ kinh phí để thuê các đơn vị tư vấn giỏi lập quy hoạch phát triển kinh tế cho Cù Lao Chàm. Sở Xây dựng đang giao cho Viện quy hoạch đô thị - nông thôn Quảng Nam chọn nhà tư vấn giỏi để giúp Cù Lao Chàm bởi vì với Cù Lao Chàm khác hẳn với một số địa phương trong đất liền của Hội An. Đây là xã đảo vừa là quân sự vừa là tiền tiêu vừa là trọng điểm phát triển kinh tế. Do vậy chủ trương của thành phố, trước mắt Cù Lao Chàm vẫn là xã nhưng trong điều kiện phát triển chấp nhận cho Cù Lao Chàm phát triển hiện đại ở điều kiện có sự điều tiết bằng quy chế của thành phố, bằng điều lệ quy hoạch của Cù Lao Chàm. Làm như thế nào đó để rồi nó không mâu thuẫn giữa phát triển với bảo tồn mà chúng ta đang làm để giữ gìn khu sinh quyển, giữ gìn khu bảo tồn biển. Nếu chúng ta đánh mất đi công nhận của UNESCO về danh hiệu Khu sinh quyển thì ở đây sẽ không là động lực để chúng ta phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch”.

700 CL2

Bãi Ông là điểm thu hút khách khi đến Cù Lao Chàm hiện nay- Ảnh: Đỗ Huấn

Từ cơ sở định hướng đó, Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp Trần Tấn Dũng nhấn mạnh về những việc cần tập trung trong thời gian tới:“Những vấn đề mà chúng tôi tập trung phát triển kinh tế trong những năm đến là tập trung vào mũi nhọn kinh tế du lịch. Đi kèm với đó là nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ, phải được đào tạo, phải được nâng cao. Trình độ quản lý về du lịch của cán bộ cũng phải được nâng tầm. Vấn đề thứ hai là hạ tầng du lịch cũng đã và đang tập trung đầu tư các yêu cầu cần thiết để phục vụ. Các sản phẩm du lịch phải được tăng cường, mở ra nhiều sản phẩm mới để thu hút, níu chân du khách nhiều hơn. Vấn đề nữa là không gian du lịch phải được mở rộng trên toàn hòn đảo để du khách có nhiều trải nghiệm hơn. Và đặc biệt là ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường và cả du khách trong xây dựng một điểm du lịch gắn kết với thiên nhiên, sạch đẹp luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”

Sau 7 năm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm – Hội An đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới để tiếp tục phát triển. Để  xứng đáng là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới và trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thân thiện, an toàn đối với du khách trong nước cũng như quốc tế khi đến với di sản văn hóa thế giới Hội An nhất thiết phải chú tâm và thống nhất trong hành động, gắn kết sự phát triển bền vững với bảo tồn hữu hiệu những giá trị của Khu sinh quyển.

Đỗ Huấn

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn