//

Xây dựng nông thôn mới: Phát triển mô hình kinh tế mới

Thứ năm - 09/06/2016 09:49

Đề án hỗ trợ sản xuất rau sạch tại thôn Thanh Đông được chính quyền xã Cẩm Thanh triển khai thực hiện từ năm 2013với sự tham gia theo hình thức Tổ hợp tác của cộng đồng dân cư, kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau.

Mô hình bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, diện tích sản xuất từ 6 sào lúc ban đầu nay đã tăng lên gần 10 sào rưỡi, năng suất đạt gần 1,3 tấn/sào, không tinh từ nguồn thu từ bán vé tham quan, bình quân thu nhập đạt 800 ngàn đồng/sào/tháng. Ông Phạm Mèo ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh cho biết:“Năm 2014 khi vừa học vừa làm sản lượng và thu nhập trung bình, mức độ không cao không thấp. Đến năm 2015 – 2016 thì sản lượng các bác thu cao dần lên. Từ đó sản phẩm hữu cơ này được khách hàng yêu mến vì rau sạch không dùng thuốc hóa học, không dùng thuốc chi cả, chỉ dùng phân ủ nóng, dùng các loại chế biến bằng chế phẩm rượu, đường, tỏi, gừng, ớt để xua đuổi những côn trùng. Bởi vì người ta thấy cái rau này đem lại sức khỏe cho con người và cân bằng hệ sinh thái môi trường nên khách hàng lăn lộn đến đây, theo dõi và mua. So ra hiện nay, các bác thu tăng lên, mỗi lô đất từ 1 triệu rưỡi, anh nào làm tốt thì 2 triệu nhưng hiện nay thì được 2 triệu rưỡi đến 3 triệu. Lượng rau hiện nay thu hút khách hàng đến khô vườn vì người ta mua quá nhiều, các bác ở đây sản xuất ra không kịp”.

Trong chương trình thực hiện xây dựng Nông thôn mới, Cẩm Thanh không chỉ xây dựng mới mô hình sản xuất rau sạch mà còn phát triển nhanh ngành dịch vụ du lịch – thương mại nhờ gắn kết với tiềm năng sinh thái vùng sông nước và nghề tranh – tre dừa nước truyền thống. Hoạt động du lịch cộng đồng nhất là ở rừng dừa Bảy mẫu chuyển biến mạnh, đã tổ chức được tour du lịch khám phá Cẩm Thanh bằng xe đạp. Hiện toàn xã có 30 cơ sở dịch vụ du lịch đang hoạt động gồm 3 khách sạn, 9 biệt thự, 10 homestay, 8 khu dịch vụ - du lịch – nhà hàng. Ngoài ra còn có 1 khách sạn, 19 cơ sở biệt thự và 14 homestay đang đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm nay để phục vụ lượng khách lưu trú ngày càng tăng. Tổng số lượt khách lưu trú tại các cơ sở đạt khoảng 60.000 lượt người. Doanh thu trên lĩnh vực này đạt 64 tỷ đồng. Đời sống nhân dân tiếp tục được ổn định và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng hằng năm, đạt khoảng 25,8 triệu đồng trong năm 2015. Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh Lê Thanh trao đổi:“Trên lợi thế của địa phương, chùng tôi đã tổ chức hình thức sản xuất dựa trên nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch để nâng thêm giá trị tăng thêm đối với lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Thứ hai, đối với Cẩm Thanh là một vùng quê sông nước sinh thái, một đặc điểm tự nhiên hiếm có đối với Hội An đã tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn của xã. Chúng tôi chọn thêm một hướng đi nữa, ngoài kêu gọi các nhà đầu tư về đầu tư tại Cẩm Thanh thì phát triển thêm loại hình du lịch là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trong nhân dân và các mô hình vi-la, biệt thự nhà vườn, các loại dịch vụ lưu trú trong dân như homestay. Đó là 2 trong nhiều mô hình điển hình của địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó đem lại bộ mặt mới cho địa phương trong đời sống KTXH và góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo nên hướng đi mới cho Cẩm Thanh trong giai đoạn 2015 – 2020 là dịch chuyển định hướng kinh tế Cẩm Thanh theo hướng du lịch – dịch vụ sinh thái, nông – ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”.

700 M1

Du lịch sinh thái, sông nước ở Cẩm Thanh ngày càng thu hút khách- Ảnh: Đỗ Huấn

Cùng với Cẩm Thanh, xã Cẩm Hà cũng được thành phố chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Từ nguồn vốn phát triển sản xuất Cẩm Hà cũng đã đầu tư 553 triệu đồng để thực hiện dự án áp dụng giống lúa mới trung và ngắn ngày, hỗ trợ quật giống cho hộ nông dân có thu nhập thấp, hỗ trợ giống rau cho nông dân Trà Quế. Cùng với việc hỗ trợ các giống lúa, nông sản chất lượng cao, cho năng suất và hiệu quả trong sản xuất, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng đến các hoạt động khuyến nông cho nghề trồng hoa cây cảnh và làng rau truyền thống Trà Quế kết hợp với phát triển du lịch thương mại để nâng cao thu nhập cho người dân. Được xem là nơi xuất xứ nghề trồng quật ở miền Trung trong gần 100 năm qua, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 455 hộ trồng quật và hoa cây cảnh với hơn 65ha, trong đó có khoảng 50.000 cây quật chậu cùng hơn 155.000 cây quật đất,  hàng năm mang lại cho người dân nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng. Riêng doanh thu từ nghề mang tính đặc thù này trong dịp tết Bính Thân vừa qua đạt khoảng 25 tỷ 750 triệu đồng. Thu thêm từ các loại nông sản và chăn nuôi khác cũng đạt gần 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Kim Sáu – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hà xác định: “Lĩnh vực đột phá nhất của Cẩm Hà vẫn là thế mạnh của hoa, cây cảnh mà đặc biệt là quật cảnh. Chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất cây quật, rồi hỗ trợ về vốn, về cây giống và từng bước phục tráng cây quật để tạo điều kiện cho người nông dân Cẩm Hà sản xuất cây quật mà đặc biệt là cây quật cảnh phát triển một cách mạnh nhất. Mô hình thứ hai mà hiện nay Cẩm Hà chúng tôi cũng có một thương hiệu rất là thuyết phục, đó là mô hình làng rau Trà Quế - rau sạch, rau du lịch. Đây là mô hình giúp cho nông dân Trà Quế phát triển thương hiệu mà hiện nay thương hiệu làng rau Trà Quế được bạn bè gần xa rất là ngưỡng mộ. Chúng tôi đã đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng để quy hoạch làng rau. Thứ hai chúng tôi đã hỗ trợ về giống, tập huấn chương trình sản xuất IPM, chương trình sản xuất rau hữu cơ và một số chương trình khác để giúp nông dân Cẩm Hà tạo đột phá và gắn mạnh thương hiệu làng rau Trà Quế với sản phẩm du lịch của  địa phương. Nhìn chung lĩnh vực kinh tế trong 5 năm qua đã góp phần cho đời sống của người dân Cẩm Hà phát triển tốt, đặc biệt thu nhập bình quân từ đầu năm 2011 chỉ 11 triệu, đến cuối năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của Cẩm Hà đã lên 26 triệu 900 ngàn đồng”.

700 M2

Du khách trải nghiệm đời sống người nông dân làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà- Ảnh: Đỗ Huấn

Không chỉ riêng ở 2 xã Cẩm Thanh và Cẩm Hà mà trong chương trình xây dựng nông thôn mới, hằng năm Phòng Kinh tế thành phố cũng đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân, ngư dân ở các xã thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Phòng Kinh tế thành phố triển khai cácmô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hỗ trợsản xuấtcho nông dân, ngư dân. Đáng chú ý làmô hình nuôi tu hài ở Tân Hiệp, nuôi tôm thẻ chân trắng theo qui trình mới sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi cua biển ở Cẩm Thanh, xây dựng mô hình nuôi nhím tại xã Cẩm Hà, nuôi heo rừng ở Tân Hiệp. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện mô hình chuyển đối cơ cấu cây trồng ở một số diện tích đất lúa không chủ động nước tưới, năng suất thấp chuyển sang sản xuất cây màu như bắp nếp, đậu hayphát triển các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như: tần ô, cải… ở Cẩm Kim, tăng cường trồngcây xanh tại xã Tân Hiệp, trồng rừng ngập mặn ở Cẩm Thanh.

Từ những mô hình sản xuất mới, chính quyền thành phố đã khuyến khích và tạo điều kiện cho người nông dân liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp tham gia khai thác các tour – tuyến phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm sản xuất, làm nghề, khám phá cảnh quan sinh thái, đời sống văn hóa làng quê, tổ chức chợ quê, ẩm thực làng nghề... Hoa, cây cảnh Hội An không chỉ là sản phẩm phục vụ trang trí, thú chơi mỗi khi tết đến xuân về mà còn được người trồng cung cấp quanh năm để phục vụ trưng bày, sắp đặt trong các không gian sân vườn, nhà thờ, nội thất gia đình, cơ quan, công sở... Lúa ở Hội An còn mang lại giá trị là tạo cảnh quan, làm “xanh hóa”, “đồng ruộng hóa” cho du khách trải nghiệm đời sống người nông dân. Rau Trà Quế, rau hữu cơ Cẩm Thanh, khoai lang, đậu phụng ở các vườn nhà; tôm, các loài thủy sản nước lợ nuôi trong các hồ, ao... dần dà đã trở thành những món ẩm thực được nhiều du khách ưa chuộng. Bắp nếp Cẩm Nam vốn nổi tiếng ở giá trị thực phẩm tươi được chế biến thành các món ăn độc đáo càng được nâng cao giá trị hơn và ngày càng khẳng định thương hiệu. Ý nghĩa mang lại từ những mô hình sản xuất mới, phát triển kinh tế vùng nông thôn Hội An những năm qua được Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh: “Những mô hình đó bên cạnh mục đích lớn nhất là làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay, trong đó về mặt đời sống, về cơ sở vật chất, về điều kiện sinh hoạt của bà con nông dân ở các xã ngày càng tốt hơn thì nó còn những ý nghĩa tích cực khác. Đó là nếu đi theo con đường phát triển đô thị sinh thái, làm du lịch sinh thái thì những ngành nghề, những lĩnh vực mà chúng ta chọn đã đi theo con đường bảo vệ bền vững môi trường, tức là không đi ngược lại quy luật của tự nhiên và ứng xử một cách có văn hóa đối với tự nhiên, đối với con người”.

Mục tiêu trong những năm tới, Hội An tiếp tục xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tập trung phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái có hiệu quả, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, làng nghề; hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.

Đỗ Huấn

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn