//

Chiến lược phát triển du lịch Hội An

Thứ sáu - 06/03/2015 02:01

Xây dựng điểm đến hấp dẫn, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, giữ vững sự phát triển… là những kế hoạch mang tính chiến lược mà ngành du lịch Hội An đang hướng đến.

Xây dựng lộ trình

Trong vài năm trở lại đây, du lịch Hội An được du khách biết đến như là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất miền Trung và cả nước. Con số 1,7 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan thành phố năm 2014 là minh chứng cho sức hấp dẫn của thương hiệu du lịch này. Không gian du lịch Hội An không chỉ là phố cổ mà còn được mở rộng đến các vùng quê, làng nghề, biển đảo… Điều này đã đáp đứng được nhu cầu đa dạng của mọi đối tượng khách từ nghỉ dưỡng, khám phá đến trải nghiệm, vui chơi… Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường cũng như những tác động nội tại và bên ngoài như hiện nay (suy giảm thị trường khách châu Âu, châu Mỹ do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, chính trị, sắc tộc; xu hướng sụt giảm khách nội địa; sạt lở biển Cửa Đại…) đã trở thành những thách thức đòi hỏi thành phố có sự chuyển hướng phù hợp để giữ vững thương hiệu và tốc độ tăng trưởng khách.

Du lịch cộng đồng được ngành du lịch của Hội An ưu tiên trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020. Ảnh: V.L

Du lịch cộng đồng được ngành du lịch của Hội An ưu tiên trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020. Ảnh: V.L

Thực tế, những năm qua Hội An đã có nhiều giải pháp và hướng đi phù hợp nhằm đa dạng hóa điểm đến cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An, để hướng đến sự phát triển bền vững, thời gian tới thành phố cần tập trung vào 5 vấn đề cụ thể. Trước mắt là từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm; thứ hai là tiếp tục đầu tư những sản phẩm mới, trong đó chú trọng các sản phẩm mang tính cộng đồng, trải nghiệm văn hóa sinh thái, nhất là những điểm đến ngoại vi có lợi thế du lịch như các làng nghề, rừng dừa Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm, làng rau An Mỹ (Cẩm Châu)… Đặc biệt, sẽ xúc tiến, kêu gọi đầu tư cho những sản phẩm du lịch dịch vụ sông nước như thuyền ăn uống, nhà hàng nổi cũng như phát triển loại hình du lịch lưu trú trên thuyền. Ngoài ra, phát triển các điểm vui chơi giải trí, các khu giải trí đêm để tạo thêm điểm vui chơi cho khách lưu trú. Thứ tư, tiếp tục nâng cao tiện ích lưu trú theo hướng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách từ thu nhập thấp đến thu nhập cao, vì hiện tại thành phố rất thiếu các nhà hàng dành cho đối tượng khách cao cấp. Và cuối cùng là phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm. “Phố cổ Hội An sẽ đóng vai trò là trung tâm thu hút khách còn điểm lan tỏa là các vùng ven phục vụ cho đối tượng khách nghỉ dưỡng. Đồng thời sẽ phát huy các mô hình du lịch cộng đồng theo đúng định hướng của thành phố để người dân được hưởng lợi bền vững” - bà Thủy cho biết.

Phân vùng phát triển

Phân vùng, xây dựng 6 cụm phát triển du lịch
Theo định hướng, du lịch Hội An sẽ được phân vùng thành 6 cụm phát triển với các chương trình cụ thể gồm cụm du lịch di sản thế giới phố cổ Hội An; cụm du lịch biển Cửa Đại - Cẩm An; cụm du lịch biển Cù Lao Chàm; hệ thống chuỗi du lịch sinh thái sông nước Thu Bồn, Cổ Cò, Đế Võng và rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh; hệ thống chuỗi du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, làng quê. Tương ứng với mỗi cụm du lịch trên là những sản phẩm tham quan, trải nghiệm độc đáo. Ngoài ra, Hội An cũng sẽ phát triển mạng lưới sản phẩm lưu trú có sức cạnh tranh khu vực để đến năm 2020 sẽ bổ sung thêm 2.000 phòng cho cả 3 loại hình lưu trú: khách sạn, biệt thự du lịch và homestay. Đặc biệt, ưu tiên khuyến khích phát triển loại hình biệt thự nhà vườn, nhà có sân vườn, các cụm homestay để giữ gìn cảnh quan làng quê sinh thái, tập trung đầu tư hình thành các cụm du lịch Cửa Đại, Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Châu, Cẩm Phô; cho phép xây dựng mô hình khách sạn với số lượng và quy mô vừa đạt tiêu chuẩn 2 - 3 sao, dưới 50 phòng/khách sạn tại một số tuyến nhằm thúc đẩy sự phát triển khu vực…

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, để đảm bảo du lịch Hội An phát triển bền vững, từ nay đến năm 2020 thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung mở rộng không gian du lịch ra những vùng xung quanh nhằm giảm áp lực phố cổ cũng như tạo sinh kế, việc làm cho người dân tại các vùng ven có lợi thế phát triển du lịch. Đặc biệt, chú trọng phát triển đa dạng đồng bộ du lịch văn hóa, du lịch biển và du lịch sinh thái, làng nghề làng quê sông nước, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa môi trường sinh thái, tự nhiên, nhân văn, xã hội, phấn đấu đến năm 2020 thu hút được 3,09 triệu lượt khách (trong đó 1,58 triệu lượt khách quốc tế); phục vụ 1,47 triệu lượt khách lưu trú (gồm 1,18 triệu lượt khách quốc tế). Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế giai đoạn 2015 - 2020 đạt 13 - 17%/năm và khách nội địa đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 13 - 17%/năm. Ngày lưu trú trung bình của khách quốc tế đạt 3 - 3,5 ngày, tạo việc cho hơn 26.000 lao động trực tiếp và hơn 53.000 lao động gián tiếp. “Bên cạnh du lịch phố cổ vẫn là trọng tâm, thành phố cũng sẽ quan tâm phát triển các loại hình du lịch khác mà Hội An có tiềm năng như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch khoa học - nghiên cứu… Đây là sự phân vùng phát triển không gian du lịch Hội An theo hướng mở, có trọng điểm và mang tính chuyên đề, góp phần bổ trợ để tạo nên các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú nhằm kéo dài thời gian lưu trú  và tăng mức  chi tiêu của khách cũng như giảm tải cho khu phố cổ” - ông Sơn phân tích.

Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, theo ông Sơn, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên theo hướng chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát huy giá trị nổi trội của tài nguyên du lịch đặc thù của từng địa phương trên địa bàn; giữ gìn và bảo vệ tốt giá trị văn hóa, tự nhiên, môi trường. Phát triển những sản phẩm du lịch có tính cạnh trạnh cao, phù hợp với thị trường, nhất là chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày… Khi đó, mục tiêu xây dựng Hội An trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của miền Trung, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 mới có thể trở thành hiện thực được.

Tác giả bài viết: VĨNH LỘC

Nguồn tin: Báo Quảng Nam


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật