//

Hội An, nơi cả thế giới dừng chân

Thứ sáu - 13/03/2015 23:20

Tôi đã rời khỏi những điều thân thuộc để tìm tới giữa lòng thế giới. Rồi khi trở về, thấy nhà mình là nơi cả thế giới muốn được cùng “nghỉ lại và ăn sáng”(*).

Nếu hỏi đâu là thời điểm tuyệt nhất để đến Hội An, câu trả lời có thể sẽ rơi vào bất kì 11 tháng còn lại trong năm, nhưng kiểu gì cũng không thể là tháng cuối cùng! Có gì hấp dẫn trên những con phố vốn đã trầm mặc nay càng nặng nỗi ưu tư vì không khí lạnh? Biển Cửa Đại của những cơn sóng xám xịt làm sao sánh được với những ngày “nắng vàng, biển xanh và em”?

DSC 0613(Copy) JPG 8
 
Thế mà, tháng 12 nhà tôi lại đông khách “airbnb” (bed&breakfast) nhất. Tôi vẫn tức cười khi so sánh những vị khách này với hình ảnh làn gió ùa vào nhà, chẳng cần biết từ đâu và bao giờ thì rời đi. Tất nhiên là giữa đến và đi là những mẩu chuyện cười đến rung cả bàn ăn, còn bàn ăn những ngày có họ cũng tung tóe hơn. Bởi chẳng ai đủ từ tốn và kiên nhẫn dùng chiếc kềm bóc vỏ cua một cách bài bản như ở khách sạn có gắn sao. Nghỉ lại nhà chúng tôi khiến họ có cảm giác thân tình như đây là nhà họ, nhà ở một nơi thật xa.
 
axxiivxupw3bbtcnorqb(Copy) jpg 0
 
(*) “Airbnb” hay “Bed & Breakfast” từ tiếng Anh (tạm dịch: “Nghỉ lại và ăn sáng”) là một thuật ngữ đương đại, xuất hiện trong khoảng 8 năm trở lại đây, chỉ hình thức lưu trú độc đáo ngay tại nhà người dân địa phương. Theo đó, khách du lịch bụi (hay khách du lịch cá nhân) đến ở nhờ hoặc thuê với giá rẻ và hưởng những tiện nghi tối thiểu, đúng như nghĩa đen của từ này, gồm lưu trú và bữa sáng.
 
DSC 0571(Copy) JPG 5
 
Chúng tôi không phải là người Hội An. Thiết tha một cuộc sống xa khỏi tiếng còi xe và không gian chật chội nơi đô thị, gia đình tôi quyết định dời về một xã nhỏ, cách phố cổ chừng 10 phút chạy xe. Người bố họa sĩ gốc gác miền Nam nước Pháp của tôi gần như ngay lập tức si mê mảnh đất có góc nhìn xuống cánh đồng hợp tác xã. Ông nhất định phải cất nhà trên mảnh đất ấy để sáng sáng được chạy bộ dạo quanh không gian ngát mùi lúa chín. 
 
15412013693 e847472433 o(Copy) jpg 2
 
Hội An từ định nghĩa một đô thị cổ tấp nập hàng hiệu may đo, nhà hàng cà phê sầm uất bỗng dưng trở thành một Hội An thôn quê, nơi mà vợ chồng Rebecca người Úc đến trải qua kỳ trăng mật. Họ chia sẻ rằng mình quá yêu những buổi sáng cưỡi xe đạp băng qua đám gà, vịt (thỉnh thoảng còn có cả bò) rồi sau đó dừng chân trong chốc lát tại quán cà phê đầu hẻm, trước khi bắt đầu một ngày khám phá. Tôi đã chẳng bao giờ nghĩ được rằng “nhà ba mẹ” cũng là một phương án điểm đến trăng mật, nếu không có những người như Rebecca. 
 
caolauhoian(Copy) jpg 4
 
Hội An đã dắt chúng tôi đến với những gắn bó mới lạ. Cách trung tâm phố cổ chưa tới 20 phút chạy xe máy là nơi sinh sống của một gia đình có nghề đi thuyền. Cả bảy con người ta mà chỉ chui rúc trong một căn nhà cấp 4. Nghèo nhưng hết cỡ hào phóng. Hồi mới tới Hội An, ba tôi tình cờ gặp một chàng lái đò tự giới thiệu tên Dũng và được anh chàng mời đi thuyền. Trong lúc chèo, đám bạn thuyền bên hỏi “Mày lấy ông Tây bao nhiêu?”, anh chàng đáp chỉ chở đi chơi miễn phí và sẽ không đòi ông ta đồng nào. Tất cả diễn ra bằng tiếng Việt và mọi người nghĩ rằng ông không hiểu. Phải rồi, ông chẳng tỏ ra là ông hiểu, chỉ nín thinh động lòng. Sau này, chúng tôi phát hiện rằng hôm đó Dũng không phải đang chèo thuyền của nhà anh, mà đó là thuyền đi mượn.
 
hoianbykhanhhmong(Copy) jpg 12
 
Trở về nhà, cùng với tổ chức từ thiện Giọt nước, các tình nguyện viên sắm ngay cho Dũng một cái thuyền để anh ngày ngày ngao du khu rừng dừa Bảy Mẫu quen thuộc của mình. Có thuyền rồi, Dũng có thêm công việc chở khách mà đa số đều là những “làn gió” được nhà tôi dẫn đến. Cũng may là thành phố đang rầm rộ đầu tư phát triển du lịch ở các làng nghề ven đô nhằm giảm tải sức tập trung của du khách trong khu phố cổ. Thế là anh Dũng không sợ thất nghiệp!
 
Hội An và những “làn gió” muôn phương
Nói về đám bạn mới bước ra từ Airbnb thì nhiều vô kể. Có cô nàng Ally người Hàn Quốc chỉn chu tác phong người làm truyền thông ở một ngân hàng bên Singapore thì cũng có hai cô người Mỹ “lông bông” thế giới để khám phá về văn hóa “rượu chè”, dự tính sẽ cho ra đời một công ty nhập khẩu rượu vào Mỹ. 
Hôm nay tôi có thể ăn tối cùng anh chàng Vivek gốc Ấn đang đi vòng quanh thế giới “để nghiệm lại xem bản thân có thực sự muốn lấy vợ hay không, trước khi quay về “chui đầu vào rọ”. Tối hôm sau đã thấy mình đi bar với hai cô gái Đức thánh thót như sáo sậu. Rồi đầu óc của tôi có phong phú tới đâu cũng chẳng đủ để tưởng tượng là có ngày mình chuẩn bị món điểm tâm Cao Lầu cho một anh chàng từng (cùng đồng nghiệp) làm ra Google Drive. Hôm trước rõ ràng trong “profile” (hồ sơ) hiển thị thông tin khách là đầu bếp, trò chuyện mới hay anh chàng Pierre-Hugo đã chuyển hệ sang làm “nhân viên nhân sự của một hãng sản xuất máy bay”! Đơn giản vì “airbnb chưa cập nhật được công việc hiện tại, nó chỉ lưu lại công việc ở thời điểm tôi tạo tài khoản thôi”. Từ đầu bếp đến nhân sự một hãng máy bay có lẽ chỉ cách nhau một gang tay thật. 
 
DSC 0738(Copy) JPG 1
 
Nếu cảng thị Hội An đã từng in dấu chân của các thương nhân người Nhật, người Hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp đến giao thương từ thế kỷ 15, thì ngày nay cũng vậy. Đây là nơi mà những trái tim ngoại quốc “tìm về, khóa trái cánh cửa lòng mình lại rồi vứt chìa khóa đi” (lối so sánh của đài VTV tại Đà Nẵng). Điểm chung của những con người này không chỉ là việc họ té vào tình yêu và sống lại Hội An mà còn vì họ đều đã đến đây và dưỡng bồi những giấc mơ đời mình. Ban đầu họ đến chơi hai tuần, sau đó kỳ nghỉ được kéo dài thêm ra, sau cùng họ quay về nước dọn đồ sang đây ở hẳn. Họ có thể là bà kiến trúc sư mê ý tưởng mở một cửa hàng “brocante” (cửa hàng chuyên bán đồ cũ), có khi là tác giả văn học có tên trong sách giáo khoa, có lúc lại là nhà thiết kế mê mệt thứ lụa ở xứ sở nào xa lắc. Nhưng cuối cùng họ lại chọn Việt Nam để hiện thực ước muốn tạo lập thương hiệu cho riêng mình. 
 
Trong số những người bạn xa xứ ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với Reiko của quán U café Hội An. Cái tên U có thể hiểu thành hai nghĩa, hoặc là Ứ trong Ứ đọng – bởi quán hay bị lụt khi mùa mưa về, hoặc là “Ừ” như cách nói “Vâng” của người Quảng. Quán café nằm bên bờ sông Hoài này không chỉ nổi bật với trường phái ẩm thực fusion (kết hợp truyền thống Việt Nam – Nhật Bản), dự án mở lớp đào tạo dịch vụ làm du lịch và ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Esperantô) cho các bạn nhỏ khó khăn, mà còn nung nấu trong mình ước ao nhân rộng thứ cà phê hữu cơ mà mọi người lăn lội tìm được trên Đăk Lak. Điều tôi quý nhất ở U nằm ở hệ thống lọc nước thân thiện môi trường, có lẽ là duy nhất tại Việt Nam, nhờ được trang bị một hệ thống cống sinh thái học (eco-biological). Trong khi tất cả mọi người đều đang bận tâm đến việc giải quyết hậu quả của những cơn lũ nơi phố cổ, một người bạn Nhật lại loay hoay tìm cách lọc sạch những “cơn lũ” của quán café mình thải ra, để nó không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. 
 
bd5feebe749046210a5c3c2a4291e7b3 d30dn7a(Copy) jpg 3
 
Người Nhật quan tâm đến Hội An cũng như cách mà người Việt tri ân bạn bè tứ xứ. Bất cứ ai đến Hội An cũng ghé thăm chùa Cầu, một công trình do các thương gia Nhật Bản gom góp xây dựng vào khoảng thế kỉ 17 với mục đích ban đầu là để “yểm” con thủy quái Mamazu ngoài khơi xa, không cho nó quẫy mình làm động đất, cũng nhằm mang lại sự yên ổn làm ăn cho cư dân phố Hội. Nhân chuyến ghé thăm Hội An năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đặt tên “Lai Viễn Kiều” cho chiếc cầu, mang ý nghĩa “bạn đến từ phương xa”. Dù có thể là vô tình, ý nghĩa cái tên của cây cầu biểu tượng vẫn tồn tại trong thực tế hiện tại. 
 
Và biết đâu đấy, chính bạn cũng sẽ là một người “bạn từ phương xa” đến đây, té vào tình yêu và quyết định ở lại với người dân phố Hội.

Nguồn tin: www.vntravellive.com


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật