//

Du lịch Hội An: Tạo thế cạnh tranh mới

Chủ nhật - 18/01/2015 21:49

Là ngành kinh tế “nhạy cảm”, ngay từ đầu năm 2015 ngành du lịch Hội An phải đối mặt với những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của tình hình xung đột, khủng bố, tai nạn, dịch bệnh diễn ra trên thế giới. Vì vậy, chính quyền thành phố đang tích cực tạo thế cạnh tranh mới để giữ vững vai trò chủ đạo của ngành kinh tế này.

Một giám đốc điều hành khách sạn kinh qua công tác quản lý nhiều năm cho rằng, những năm trước đây vào mùa cao điểm này lượng khách đến Hội An rất đông và thường kín phòng nhưng năm nay cỏ vẻ không bằng. Tâm sự của du khách trong những cuộc hàn huyên, tiệc nhẹ tại khách sạn cũng bộc lộ âu lo về những điều đã xảy ra ở đất nước họ. Trong khi đó, lãnh đạo thành phố cũng dự báo là du lịch Hội An đang rơi vào thế cạnh tranh khốc liệt.

images1120307 TAO THE CANH TRANH

Phố đi bộ là một trong những sản phẩm du lịch cần tiếp tục nâng cao chất lượng. Ảnh: Đ.H

Chỉ trong thời gian ngắn Hội An còn mất đi nguồn tài nguyên quý giá của du lịch, đó là bãi biển Cửa Đại – nơi từng được bạn bè quốc tế bầu chọn là một trong những bãi biển đẹp của châu Á. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An – ông Nguyễn Sự khẳng định: “Thách thức trước mắt, kể cả lâu dài là bãi biển của chúng ta bị lở, bị xâm thực hằng ngày, mất lần đất. Điều quan trọng ở đây không chỉ mất đất, ảnh hưởng đời sống của nhân dân, cơ sở hạ tầng của khu vực phát triển mà lớn hơn, lâu dài là mất đi tài nguyên rất lớn cho du lịch Hội An. Do đó chúng ta phải tính, phải “trở bộ”, phải chuyển đổi phương hướng mới, cách thức mới để tạo ra thế cạnh tranh mới, giữ vững sự ổn định và phát triển, bảo đảm du lịch luôn là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò chủ đạo của thành phố”.

Xây dựng kế hoạch quản lý di sản Hội An
Thực hiện theo yêu cầu của UNESCO, TP.Hội An vừa phối hợp cùng Công ty CP Tư vấn bảo tồn di sản Toàn Cầu lập kế hoạch quản lý khu Di sản văn hóa thế giới Hội An.
Nội dung chủ yếu của kế hoạch là tập trung đánh giá, phân tích những yếu tố tác động đến khu di sản như nguy cơ từ quá trình phát triển, các yếu tố về môi trường, về cơ chế chính sách... Đặc biệt, tập trung xây dựng chương trình hành động bảo tồn và phát huy khu di sản Hội An cho giai đoạn 2016 - 2020 và những định hướng 2020 - 2025. Trong đó nêu rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, ban ngành, tổ chức... từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã hoạch định. Dự kiến kế hoạch sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2015 để trình UNESCO và các cơ quan trung ương thẩm định, phê duyệt.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hội An cũng đang tiến hành đầu tư tu bổ khu tam quan chùa Bà Mụ với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng từ nguồn kinh phí thuộc vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Dự kiến công tác tu bổ sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Ất Mùi 2015. Chùa Bà Mụ là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt trong quần thể di tích ở Hội An. Chính vì vậy cùng với Chùa Cầu, chùa Âm Bổn, chùa Bà Mụ được Viện Viễn Đông Bác Cổ xếp hạng là di tích kiến trúc đặc biệt của quốc gia. Do “tuổi thọ quá cao” và bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nên các cấu kiện của chùa bị sụp đổ, cổng tam quan cũng xuống cấp, hư hỏng nặng.(QUỐC HẢI)

Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, năm nay UBND thành phố có kế hoạch ưu tiên huy động các nguồn lực để thực hiện nhanh, có hiệu quả chương trình phát triển du lịch xã đảo Tân Hiệp, nhất là chớp cơ hội khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo; xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cảng du lịch Cửa Đại; quản lý khai thác tốt các bãi tắm, bãi biển Cẩm An, Cửa Đại; phát triển du lịch vùng sinh thái làng quê, rừng dừa Cẩm Thanh. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, nhất là sản phẩm “Đêm phố cổ”, “Phố không có tiếng động cơ”, các tour du lịch làng quê – sinh thái – làng nghề, du lịch trải nghiệm, văn hóa ẩm thực trong cộng đồng. Nhiều người dân đề nghị, bên cạnh việc mở rộng không gian và các loại hình dịch vụ du lịch ngoài khu phố cổ, Hội An nên đặc biệt quan tâm chăm chút, nâng chất lượng những sản phẩm nổi tiếng lâu nay. Trong đó, “Đêm phố cổ”, “Phố không động cơ”, “Phố đi bộ” cần phải được đầu tư trau chuốt tốt hơn, nghiên cứu những đúc kết từ các hội nghị tổng kết về hoạt động này để điều chỉnh về hình thức, nội dung, có thể mở rộng không gian, kéo dài thời gian, tăng tần suất tổ chức các chương trình phù hợp để giữ chân du khách về đêm.

Mới đây, UBND thành phố đã có chủ trương làm thử nghiệm và từng bước nâng dần số lần tổ chức “Đêm phố cổ” để đáp ứng nhu cầu của du khách và đang thu thập ý kiến nhân dân về thời gian thực hiện “Phố không có tiếng động cơ”. Ngoài ra, năm nay chính quyền thành phố sẽ có cơ chế khuyến khích, kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch mới, đặc trưng như du lịch nông nghiệp, sông nước, làng nghề, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ ngoài lưu trú, chú trọng các hoạt động về đêm để giữ chân du khách. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch để giữ vững thị trường khách truyền thống và vươn ra các thị trường tiềm năng khác cũng được chú trọng để nâng cao hiệu quả, đồng thời có giải pháp tích cực để đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa. Đây cũng là bài học thành công từ thực tiễn ứng phó, chuyển hướng của chính quyền thành phố trước những biến động bất ngờ trong năm qua. Ông Nguyễn Sự nói: “Phát triển ngành kinh tế du lịch theo dạng mở rộng không gian, đa dạng hóa loại hình và đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng như không lệ thuộc bất cứ thị trường du lịch nào, thực tiễn đã cho thấy thành công!”.

Tác giả bài viết: ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam


 

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn