//

Tiện ích công cộng ở Hội An

Thứ tư - 11/03/2015 21:13

Là thành phố du lịch, thời gian qua, Hội An đã đầu tư nhiều tiện ích công cộng, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.

images1139077 DSC08927

Du khách tham quan phố cổ Hội An.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bước ra từ Trung tâm thông tin du khách số 10, đường Nguyễn Huệ, vợ chồng du khách Ray Davison (người Úc) tỏ ra rất phấn khởi khi vừa đến Hội An lần đầu đã được nhân viên hướng dẫn và cung cấp tờ rơi miễn phí, giới thiệu các chương trình tham quan trong khu phố cổ. Vậy là, không cần thuê thêm hướng dẫn viên đi cùng, dựa vào tấm vé và sơ đồ tham quan tại các ngã tư, vợ chồng ông Davison tự khởi đầu chuyến đi bộ vào phố, tìm đến các điểm di tích trong sự an tâm, tự tin về đường sá. Ông nói: “Chúng tôi được biết qua nhiều thông tin rằng Hội An rất đẹp. Chúng tôi rất thích tự mình khám phá, cảm giác đó rất thích thú. Chỉ cần tấm vé và tờ giới thiệu này, chúng tôi có thể tham quan mà không sợ nhầm đường”.

Đến Hội An, chỉ cần chú ý một chút, du khách có thể thấy các biển chỉ dẫn lắp đặt tại các vị trí dễ quan sát. Ở tất cả trục đường đều có sơ đồ hướng dẫn, ghi rõ khoảng cách đến các di tích, quầy vé hoặc các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật cổ truyền. Các tiện ích liên quan đến công nghệ như hệ thống âm thanh báo giờ thực hiện phố dành cho người đi bộ, mạng Wifi cũng đã được thành phố trang bị, lắp đặt. Tại các điểm dừng chân, ngoài trưng bày, trang trí đẹp mắt, ấn tượng, thành phố còn đầu tư lắp đặt ghế ngồi, nhà vệ sinh để du khách sử dụng. Ngay cả việc nhỏ nhất như tạo nơi bỏ rác, ngành chức năng của thành phố cũng đã tính toán vị trí đặt thùng rác với các kiểu dáng tiện dụng, phù hợp với không gian phố cổ. Hiện tại, 11 điểm bán vé có nhân viên trực tiếp hướng dẫn, giới thiệu du khách nắm bắt thông tin cũng được xem là “tiện ích công” đặc biệt ở Hội An.

Không chỉ trong khu vực phố cổ, thời gian qua, TP.Hội An đã tính toán bố trí các tiện ích công cộng tới các xã vùng ven. Trong khi đó, một số địa phương cũng đã có chủ trương đầu tư thêm các cơ sở hạ tầng mang “lợi ích kép”, vừa tạo nơi sinh hoạt cho người dân địa phương, vừa phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Khu công viên cây xanh tại khối phố Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu là một điển hình. Nằm sát đường Cửa Đại, hàng ngày, ngoài người dân địa phương, nhiều du khách đã chọn công viên này làm điểm dừng chân tạm thời để chờ đón bạn đồng hành hoặc nghỉ ngơi sau thời gian dài rong ruổi bằng xe đạp quanh thành phố. Mới đây nhất, phường Cẩm An cũng đã đầu tư gần 900 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh và nhà tắm nước ngọt tại bãi biển An Bàng, hướng đến phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Trong khi đó, tại xã đảo Tân Hiệp, các khu đón tiếp, trạm kiểm soát, cứu hộ, y tế, an ninh, trạm thu gom rác thải dọc đường đi, hệ thống biển hiệu, sơ đồ tham quan, các quầy cung cấp thông tin, bản đồ, biển chỉ dẫn đường bộ… cũng được bố trí phù hợp, thuận lợi cho du khách.

Tuy nhiên, hiện tại Tân Hiệp cũng cần được bổ sung thêm các địa điểm cung cấp thông tin; chỉnh trang, nâng cao chất lượng hoặc đầu tư mới một số tiện ích công cộng, nhất là các cầu cảng ra vào bãi tắm để du khách thuận tiện khi lên xuống ca nô, tàu chở khách. Riêng ở các xã như Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, các biển chỉ dẫn bằng các ngôn ngữ thông dụng cũng chưa được phân bố rộng, dày đến các thôn. Trong khi thời gian gần đây, lượng khách du lịch đến thành phố thường tự mở rộng địa bàn tham quan bằng cách thuê xe đạp,  xe máy đến các xóm làng, khu dân cư để tìm hiểu đời sống người dân. Và trên thực tế, đã có nhiều du khách rất khó tìm đường ra khỏi các thôn do cảnh quan miền quê tương đối giống nhau, khó phân biệt. Ông Thái Tâm, một người dân thôn Bến Trễ (xã Cẩm Hà) nói: “Địa phương thuộc vùng ven, nhiều đường xương cá. Du khách nước ngoài khi vô thôn Bến Trễ gặp nhiều đường rất khó đi. Nhiều khi họ tự đi từ Điện Dương, khi qua tới đây, muốn xuống Hội An là phải hỏi đường. Mình cũng hiểu nôm na ý của họ, mặc dù tiếng Tây mình không hiểu lắm nhưng vị trí họ muốn đến thì mình nghe được nên chỉ đường. Có nhiều khách sợ bị lạc nên rất cẩn thận đưa viết và giấy mình vẽ đường cho họ ra. Tôi nghĩ ở vùng thôn quê cần có các biển chỉ dẫn cho người ta biết hướng đi”.

Như vậy có thể thấy, dù các tiện ích công cộng tại Hội An đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan nhưng trong chừng mực nào đó, tại các xã vùng ven nông thôn và xã đảo Tân Hiệp cũng đang rất cần được đầu tư hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tác giả bài viết: LÊ HIỀN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật