//

Mở rộng không gian “Phố đi bộ”: Khó khăn trước mắt, lợi ích lâu bền

Thứ hai - 17/10/2016 21:26

Hiện nay, chính quyền thành phố và các ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền phường Minh An và Ban quản lý chợ Hội An đang tiến hành thăm dò và thu thập ý kiến của các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện chủ trương mở rộng không gian “Phố đi bộ” trong thời gian tới.

Không gian mở rộng “Phố đi bộ và xe không động cơ” (tên gọi đầy đủ của chủ trương) có thêm các tuyến đường: Nguyễn Huệ, Trần Quý Cáp, Tiểu La, Bạch Đằng, Trần Phú, đặc biệt là đưa Chợ Hội An vào không gian hoạt động nối giáp với đường Hoàng Diệu cùng với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật dân gian. Mục đích là tạo thêm không gian cảnh quan Khu phố cổ, giảm thiểu ô nhiễm về tiếng ồn, môi trường, du lịch, thu hút thêm đông lượng khách tham quan về khu phía đông đường Lê Lợi đến đường Hoàng Diệu mà hiện nay đang còn thưa thớt, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân và tăng khả năng phục vụ du khách tham quan.

700 MO RONG KGPDB T1016 2

Du khách tản bộ trên đường phố cổ- Ảnh: Đỗ Huấn

Nội dung thu thập được từ ý kiến của người dân là cơ sở quan trọng để thành phố vận dụng, tổ chức thực hiện. Sự đồng thuận cao hay thấp sẽ được tổng hợp, báo cáo cụ thể sau đợt triển khai nhưng khó khăn chắc chắn là không tránh khỏi. Những thói quen sinh hoạt, cuộc sống thường ngày của một bộ phận dân cư khu vực này chắc chắn bị thay đổi, sẽ có ảnh hưởng, vấp phải sự không đồng tình. Nguồn thu nhập của những hộ kinh doanh, buôn bán hàng tiêu dùng thông thường (vốn không gắn nhiều với du lịch) bị sụt giảm, cũng sẽ làm cho người dân khó lòng chấp nhận được. Một vài hộ giữ xe nằm trong không gian mở rộng cũng được đưa ra khỏi khu vực, liệu có chỗ mới để thuận tiện “hành nghề”. Không chỉ thế, nhiều người dân từ các khu vực khác của thành phố vào ra buôn bán, giao dịch tại chợ bao lâu nay cũng không khỏi bị ảnh hưởng, chằng hạn như các hộ buôn bán hàng nông sản, tự sản tự tiêu (rau Trà Quế, hoa Cẩm Hà, cây trái ở Cẩm Châu, Cẩm Nam, cá, tôm, hải sản tươi sống ở Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Thanh…)

Nhớ lại, trước đây vào năm 2004 khi triển khai thực hiện “Phố đi bộ” tại khu di sản phố cổ Hội An và đến ngày 4/12/2015 mở rộng sang đường Nguyễn Phúc Chu, rồi lộ trình kéo dài thời gian thực hiện cũng gặp phải nhiều khó khăn và không đơn giản chút nào nhưng bằng những nỗ lực hết lòng vì sự phát triển của thành phố, trong đó lợi ích của người dân được chú trọng hài hòa nên mọi việc cũng nhanh chóng qua đi. Trong quá trình thực hiện, chính quyền luôn lắng nghe và có hướng điều chỉnh hợp lý để bảo đảm tính hiêu quả, vừa phục vụ sinh hoạt đời sống của nhân dân vừa đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. “Phố đi bộ” Hội An bây giờ đã trở thành thương hiệu du lịch độc đáo, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

700 MO RONG KGPDB T1016 1

Bình yên trên đường phố cổ- Ảnh: Đỗ Huấn

Hiện nay, không gian thực hiện đề án tại các trục đường chính, đặc biệt là khu vực từ đường Lê Lợi kéo lên hướng Tây đang tạo áp lực lớn cho các phương tiện thô sơ đi lại và sinh hoạt của người dân, du khách. Trong khi đó, khu vực phía Đông đường Lê Lợi lại vắng khách, nhất là vào ban đêm. Thực trạng này là do phía Đông thiếu bãi đỗ xe ô-tô cùng với việc chưa có các hoạt động văn hóa nghệ thuật, dịch vụ mua sắm hấp dẫn. Thực tại là 2 bến xe tại 2 đầu cầu Quảng trường, kể cả Quảng trường Sông Hoài và 1 số tuyến đường gần kề đã quá tải, thường  ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho việc lưu thông trên các tuyến đường chính vào phố cổ. Việc giữ xe dọc lề đường Nguyễn Huệ, các bãi giữ xe tự phát trong chợ cùng với việc tùy tiện lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán của một số người dân đã làm mất trật tự đô thị, thẩm mỹ cảnh quan, gây ảnh hưởng đến lưu thông cho người đi bộ và du khách.

Du lịch Hội An những năm qua không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày càng thu hút đông đảo du khách quốc tế nhờ uy tín và chất lượng du lịch văn hóa, nhân văn, sinh thái… Thực tế cho thấy, hầu hết khách du lịch đều có nhu cầu mua sắm, nhất là tại chợ địa phương. Trong khi đó, chợ Hội An vừa là 1 di tích vừa là 1 chợ có nhiều mặt hàng đặc sản đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng lại đang nằm ngoài không gian “Phố đi bộ”. Đưa chợ vào không gian Phố đi bộ kết hợp với nhiều chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, ẩm thực, thăm thú… về đêm phải chăng cũng là hướng mở ra dịch vụ mới của thành phố, mang lại lợi ích lâu bền cho người dân!

Tất nhiên, chính quyền thành phố cũng cần quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng phụ trợ, sắp xếp bố trí cơ sở vật chất phù hợp, lưu ý những vấn đề có liên quan mật thiết tới đời sống người dân để có hướng giải quyết thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân không chỉ ở phố cổ mà cả những vùng xung quanh. Sự thay đổi nào cũng mang lại cảm giác khó chịu ban đầu và ảnh hưởng nhất định đến lề thói sinh hoạt nhưng dần dà rồi cũng sẽ quen. Lợi ích gia đình, sự phát triển giàu mạnh của thành phố là động lực chính, tạo nên mối quan hệ “ích nước lợi nhà”

Đỗ Huấn

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn