Cứ mỗi dịp tết Nguyên tiêu, đông đảo người dân và du khách thập phương lại lần lượt đến dâng hương, hoa, xin lộc đầu năm tại Chùa Ông. Đây là ngôi chùa xây dựng cách đây gần 400 năm và có tiếng là linh nghiệm, tôn nghiêm. Người đến chùa thường thắp hương, gửi gắm, nguyện cầu những ước mong sâu kín hoặc giải tỏa lòng mình cho tinh thần thư thái, nhẹ nhàng. Từ 2 – 3 giờ sáng, nhiều du khách từ Bắc tới Nam đã xếp hàng, chờ đợi dâng hương hoa, xin tờ « Xuân Liêng » để cầu phúc cho gia đình. Theo ông Lê Huyễn, Thủ từ Chùa Ông, từ chỗ «hữu cầu tất ứng », nhiều người đã trở lại Chùa để trả lễ cho các vị tiền hiền. Bằng sự thành tâm của mình, nhiều Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài, làm ăn thuận lợi cũng sẵn lòng tri ân công đức, gửi điện hoa thơm, quả ngọt thắp hương Chùa Ông. Ông Lê Huyễn cho biết: « Nói chung Chùa Ông đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng của người dân Quảng Nam xưa và Hội An nay, có tiếng là nơi linh thiêng nhất. Từ chỗ linh thiêng đó, người ta mới hiểu ra rằng, muốn cầu một điều gì đó thì cũng là «hữu cầu tất ứng». Ví dụ như ốm đau bênh tật ni khác ni kia hoặc mọi người còn đến đây để cầubình an, mạnh khỏe, rồi cầu tài cầu lộc. Tới Hội An để mà xin một tờ Tết nhà dán để dán ở nhà, nói chung là nó cũng có những cái hiệu nghiệm. Do đó người ta đổ xô về, trước là để thắp hương tạ ân công, sau là xin lộc phát về làm ăn. Do đó nơi tâm linh này đã trở thành điểm nhấn của văn hóa, tâm linh ởHội An».
Trong khi đó, lượng du khách vào ra tham quan vãn cảnh và hương khói tại Chùa Cầu, Hội quán Phúc Kiến và Tụy tiên đường Minh Hương cũng đông đúc không kém. Đặc biệt, trong lễ cúng tế tiền hiền ở các hội quán Triều Châu, Quảng Đông, du khách và bang dân làm ăn ở xa cũng đã trở về, hội tụ, thành tâm cúng kiếng, càng tạo nên không khí tôn nghiêm và linh thiêng tại các điểm di tích này.
Du khách tham quan, vãn cảnh tại đình chùa, hội quán Hội An- Ảnh: Phan Sơn
Trên thực tế, ở Hội An, mật độ các di tích dày đặc. Ngoài các công trình ở vùng ven, trong khuôn viên phố cổ, vị trí các đình chùa, hội quán gần nhau nên không gian thờ tự cũng tập trung hơn. Vì vậy, cùng trong một chuyến đi, du khách có thể đến được nhiều địa điểm có khoảng cách gần như Đình Cẩm Phô, Chùa Cầu, các Hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Tụy tiên đường Minh Hương hoặc các phật tự xa hơn như Chùa Nam Tông, Vạn Đức. Theo mô típ «Tiền Thánh hậu Phật », chỉ trong một lộ trình ngắn, những người có sở thích du lịch tâm linh có thể cầu mong về sức khỏe, tài lộc, con cái... tại từng đình chùa, hội quán. Chẳng hạn, đến Chùa Ông trong dịp đầu xuân mới này, du khách có thể thắp hương xin tờ «Tết Nhà» để biết vận mệnh ngẫu nhiên của gia đình trong năm, với những nội dung như: Sinh ý hưng long; Tân xuân đại cát, Nghinh xuân tiếp phước hoặc Khai trương hồng phát... Du khách cũng có thể đến cầu tự (cầu về con cái) tại điện thờ Bà Chúa sanh thai ở hội quán Phúc Kiến hoặc cầu sức khỏe tại điện thờ Bảo Sanh Đại Đế... Chị Hồng Mận, một du khách đến từ thành phố Đà Nẵng thắp hương tại Chùa Ông nói:« Đầu năm mình cũng tới đây để cầu cho gia đình được bình an, mạnh khỏe và làm ăn gặp nhiều may mắn. Dù chưa biết sẽ đạt như ý nguyện không nhưng đến Chùa rồi thì mình cảm thấy an lòng, yên tâmvà thanh thảnhơn.»
Khác với hình thức du lịch tâm linh khi đi lễ chùa có quy mô lớn theo mùa lễ hội trong năm tại Chùa Hương, Đền Hùng, chùa Yên TửhayChùa Bái Đính, lượng khách đến viếng hương, cầu an tại các đình chùa, hội quán ở Hội An thường xuyên hơn và cũng tập trung nhiều hơn vào dịp Tết hoặc các ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng. Chị Nguyễn Thị Kim Loan, du khách Hà Nội vừa đến Hội An vào đầutháng Giêngnày chia sẻ:«Đây là lần đầu tiên đến Hội An. Tại các đình chùa, có rất nhiều người đến thắp hương cầu an. Mình cũng đã gửi gắm điều mình cầu nguyện tại điện thờ Thánh mẫu, với hy vọng con cái học hành đỗ đạt, khỏe mạnh, bình an.Ngoài ra, khi dạo ven sông Hoài, ý niệm ấy còn được gửi gắm qua việc thả những chiếc hoa đăng. Hy vọng rằng ước nguyện về một năm mới vạn sự như ý sẽ thành hiện thực với gia đình mình.»
Trên thực tế, ngoài việc cầu an, cầu phúc, mỗi ngày, các đình chùa miếu mạo, hội quán ở Hội An nói chung đã thu hút nhiều du khách đến vãn cảnh, khám phá phong cách kiến trúc độc đáo, nhất là du khách phương Tây. Họ đến đây quan sát, tìm hiểu phong tục tập quán và những sáng kiến khác lạ khi xây dựng đình, chùa, hội quán của người Á Đông. Hiện nay, thành phố cũng đã đưa một số một số địa điểm thờ tự vào tuyến tham quan phố cổ để phục vụ việc quảng bá, giới thiệu cho du khách.
Ông Tống Quốc Hưng, Phó trưởng Phòng VHTT thành phố nhận định: «Thực ra, du lịch tâm linh là sự lựa chọn của nhiều du khách khi đến với Hội An. Bởi sự kết hợp giữa hoạt động tham quan thưởng lãm với việc đến các đình chùa cầu an, hương khói đã làm thõa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa và giao tiếp tâm linh, gắn với yêu tố «linh thiên » theo quan niệm, cách cầu mong, hy vọng riêng của mỗi người. Và du lịch tâm linh ở Hội An cũng là xu hướng tất yếu bởi Hội An là vùng đất có tín ngưỡng đa thần. Trong Đình Làng, người Hội An thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị, trong Hội quán đình chùa thờ Bạch mã Thái giám, Thánh Nương, Tiên hậu Thánh mẫu, Bà mụ, Thần Tài, 108 vị Chiêu ứng... Vì vậy, du khách có thể cầu sức khỏe, giải oan, cầu tài, cầu tự hoặc cầu phòng tránh thiên tai, bảo vệ sự bình yên cho mình và mọi người. Sự phong phú, đa dạng này đã góp phần đáp ứng được nhu cầu tâm linh của du khách khi đến du lich tại thành phố Hội An». Chính quyền thành phố Hội An luôn quan tâm đảm bảo an ninh trật tự trị an, không để diễn ra tình trạng ăn xin, mua bán nhếch nhác giúp du khách an lòng. Từ đó, dù lượng khách đông, xếp hàng chờ đợi nhưng ai cũng trật tự, phấn khởi càng làm cho nét du lịch này ở Hội An thêm hấp dẫn du khách gần xa.
Lê Hiền
Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn