Hội An, hay tôi thích gọi nó với cái tên cổ kính là Faifo, chắc chắn là địa danh dành cho những kẻ lãng đãng và hoài cổ. Đó là thị thành của những điều kỳ lạ, xưa cũ mà ít nhất, ai đó sống trên đất nước này cũng nên đến đó ít nhất 2 lần.
Tại sao lại phải đến Hội An hai lần bởi lần đầu tiên bạn sẽ đi như một cái máy, chỉ cần lên mạng Internet tìm hiểu nên ở đâu, khách sạn nào, ăn món gì và chơi ở đâu. Bạn mang theo tâm lý của một người khám phá nửa vời đến phố Hội, rồi đôi khi cảm thấy sai lầm vì nơi chốn đó không giống như những gì bạn tưởng tượng.
Nhưng nếu bạn đến Faifo lần thứ 2, khi bạn đã không xem đó như một điểm du lịch. Bạn sẽ thấy rằng Hội An đúng như một người tình bí mật của mình, chỉ bạn mới biết cách khám phá.
Sự phát triển của Internet và mạng xã hội đã biến các chuyến du hí của bạn trở thành một mục tiêu nhiều hơn là một khoảng thời gian khám phá. Vì rốt cuộc chẳng có gì để khám phá hết khi mọi thứ đều đã có. Vì vậy, trước khi lên kế hoạch đến Hội An, bạn đừng tìm hiểu quá nhiều. Cứ thế, xách balo lên và đi.
Lần thứ 2 đến Hội An, khi đã biết kha khá về nó nhưng tôi vẫn không thể ngừng cái việc tự tìm tòi mảnh đất luôn ẩn giấu những bí mật riêng đó. Giống như bộ phim “1735 km”, chỉ khi mắt bạn nhìn thấy những chiếc đèn lồng được thắp sáng, khi làn gió từ sông Hoài thổi qua mặt, lùa mái tóc, bạn mới thấy được cái khoan khoái đang đứng giữa chốn đông nghẹt khách du lịch khắp cả thế giới đổ về, nhưng vẫn đủ không gian để bạn hít thở và có những cảm xúc cho riêng mình.
Ở Hội An không thiếu những homestay với những vật dụng xinh xắn thế này. Tôi đã chọn một homestay nhỏ ở cách xa trung tâm phố cổ. Chủ nhân của ngôi nhà là một cặp vợ chồng tốt bụng, chăm chút cho ngôi nhà mình từ chậu hoa bé xíu đến cách sắp đặt những vật dụng trang trí nhỏ nhặt: một chiếc máy ảnh cổ, một chú ngựa gỗ được tô vẽ bằng nước sơn mịn.
Hội An là thành phố ngủ trễ. Mọi nhịp sống gần như chỉ bắt đầu từ khoảng 10h sáng. Hàng quán bắt đầu mở, người bắt đầu đi… và trên những con phố, loa bắt đầu phát đi những bản tin yên bình. Dọc theo đường Phan Châu Trinh là một chuỗi những hàng quán vỉa hè với đồ ăn ngon. Không ai ăn cơm gà Bà Buội cả vì nó nơi chốn của khách du lịch phổ thông, thử cơm gà bà Thuận ở Hai Bà Trưng (giao với đường Phan Châu Trinh) là một gợi ý không tồi.
Nếu vẫn còn đói, bạn rẽ qua Phan Châu Trinh ăn thử cao lầu, mỳ Quảng, bánh canh cua quán vỉa hè… Khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, tôi sẽ ghé quán Café trên hẻm Nguyễn Thị Minh Khai hoặc trên đường Nguyễn Thái Học. Vừa ngồi hưởng mát, vừa nhìn phố phường vẫn thưa người và trò chuyện với những vị chủ quán.
Khoảng lặng cuộc sống bên cuốn sách tại những quán cafe xinh xắn ở Hội An Khi nắng tắt và lên đèn, Hội An giống như một thỏi nam châm hút tất cả mọi người. Có ngày, tôi chọn ngồi trên một chiếc thuyền du lịch, nhấm nháp bia lạnh và tiếng đàn acoustic mộc mạc giữa những cơn gió mát của sông Hoài. Và nếu thuê xe đạp, bạn có thể đạp thẳng từ phố Cổ ra bãi tắm biển Cửa Đại, thử ăn bất cứ đồ hải sản nào mà bạn thích với giá cả phải chăng.
Hội An lung linh trong ánh đèn lồng Dịp vừa rồi tôi đã ở Hội An nửa tháng và chưa bao giờ cảm thấy mình hiểu hết nơi đây. Người ta nói nhiều về Hội An, về sự cổ kính và xưa cũ của nó, về phố cổ sầm uất đông nghịt người mỗi tối nhưng luôn có những khoảng không nhỏ bé, đủ để kẻ mộng mơ hít thở không khí một mình. Hội An, với tôi là một bộ phim hấp dẫn, mà dù có thưởng thức bao nhiêu lần cũng không chán.
Nếu cần vỗ về tâm hồn hay chữa lành một vài “bệnh trạng” do cuộc sống hối hả đang bám riết từng ngày, chỉ cần đặt vé máy bay, đặt một phòng trọ homestay giá rẻ và cứ thế, bạn sẽ thấy cuộc sống mềm dịu hơn ở chốn cổ kính, mộc mạc và yên lành đó.
Phan Chung (emdep.vn)