Bước chân vào ngôi nhà cổ của ông Diệp GiaTùng, ở số 80, đường Nguyễn Thái Học, phường Minh An, nhiều du khách chăm chú nhìn kỹ từng cổ vật được đặt trong các tủ kê sát bờ tường. Với những người đam mê đồ cổ, họ săm soi từng chi tiết, họa tiết để biết thông tin về niên đại và nguồn gốc cổ vật. Tầng trệt của ngôi nhà chủ yếu trưng bày những chén bát, đồ sành sứ. Cùng với đó là những cổ vật đồ gốm rất đa dạng về chủng loại và niên đại, do các thế hệ trước của gia đình sưu tầm. Những diảnh tiền nhân trong các trang phục cổ xưa, được sắp xếp trang trọng ở chính diện ngôi nhà. Đặc biệt, trong ngôi nhà cổ này còn lưu giữ rất nhiều những bức ảnh trắng đen, tư liệu quý về vùng đất và người Hội An được chụp từ nhiều thập niên trước đây. Phía trong là nơi trưng bày bộ sưu tập tiền cổ, với tương đối đầy đủ các loại tiền của một số triều đại phong kiến ở Việt Nam và Trung Hoa, Nhật Bản. Tất cả được sắp xếp và phân loại theo biên niên lịch sử để người xem dễ hiểu, dễ thấy. Bước qua cầu thang gỗ nhỏ lên tầng 2 của ngôi nhà, những đồ cổ quý giá, có thể nói là hiếm gặp, được gia chủ cất đặt ở đây.
Được xem các cổ vật đặc biệt này, ông Peter Pregman, một du khách đến từ Anh cho biết, ông rất vui vì được thỏa mãn sở thích chiêm ngưỡng những cổ vật giá trị, đang được lưu giữ ở nhà cổ này. Ông đã đến nhiều viện bảo tàng và các công trình kiến trúc, di tích bên trong còn giữ gìn đồ cổ nhưng đối với ông, nhà cổ Diệp Đồng Nguyên là một kho tàng đồ cổ quý giá mà không phải người chơi cổ vật nào cũng có thể sưu tầm được một cách đa dạng, nhiều chủng loại và niên đại đến như vậy.
Mỗi ngày từ sáng đến tối, ngôi nhà ông Tùng luôn mở cửa miễn phí đón khách vào tham quan đồ cổ- Ảnh: Lê Hiền
Ngoài các hiện vật bằng gốm, sành, sứ, trong ngôi nhà cổ Diệp Đồng Nguyên còn lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn những ấn chương của các quan lại địa phương như tri huyện, chánh tổng, lý trưởng, quan tri phủ, cùng nhiều ấn triện của các nhà buôn tại Hội An, những hiện vật chứng minh sự phồn vinh về thương mại của thương cảng Hội An xưa. Đó là chưa kể những bức tranh thư pháp, tranh thủy mặc như “Phước tinh cao chiếu”, “Bách điểu triều phượng”; “Thập nhị kim thoa”, “Tam đa”, “Bồ đào”… Ngoài ra, gia chủ cũng đã sưu tập được những vật trang sức của những mỹ nữ thời xưa như vòng đeo tay bằng đá mã não, trâm cài tóc, gương soi…
Theo lời kể của gia chủ, những năm sau giải phóng, thời điểm kinh tế còn khó khăn, một số người Hội An đã không đủ kiên nhẫn để gìn giữ cổ vật cho sau này. Chính lúc đó, gia đình ông Tùng đã mua hoặc đổi được các món đồ cổ, bổ sung vào kho cổ vật của gia đình. Vì vậy, cổ vật của vùng đất Hội An ít lạc vào tay chơi cổ vật ở nơi khác. Nhà Diệp Đồng Nguyên chơi đồ cổ, chỉ mua vào hoặc hoán đổi, chứ không bao giờ bán buôn. Nhiều khách du lịch tới đây đã ngỏ ý muốn mua đồ cổ với giá cao nhưng gia đình không bán. Ông Tùng cho biết: “Giữ gìn gia sản này là trách nhiệm của mỗi thế hệ con cháu sau này. Được kế thừa những món đồ cổ này, chúng tôi nghĩ đó là cái phước rất lớn. Nhìn vào cổ vật không quên người xưa, không quên ông bà cha mẹ tổ tiên mình, những người đã có công sưu tầm, gìn giữ, cho dù cuộc sống có nhiều biến thiên, khó khăn”
Với tấm lòng hiếu khách, gia đình ông Tùng sẵn sàng giới thiệu du khách những cổ vật của gia đình. Chiều đến, những người thân trong gia đình ông thường ngồi hóng mát trước hiên nhà và du khách cứ tự nhiên ra vào. Ai hỏi đến vật gì, gia chủ trả lời đầy đủ, với mong muốn mọi người đều có thêm kiến thức về cổ vật, cùng hiểu sâu hơn những giá trị văn hóa, những thành quả lao động của các thế hệ tiền nhân trong các thời đại lịch sử. Du khách ghé vào ngôi nhà ai cũng có cảm giác thân quen. Cảnh cửa luôn rộng mở, mọi người không phải mua vé tham quan và cổ vật cũng không có người canh chừng bảo vệ. Ấy vậy mà cũng chưa hề xảy ra chuyện mất mát, thất lạc, hư hại. Đó cũng là một nét đẹp làm nên sự hấp dẫn của Hội An. Với địa chỉ tham quan này, các ban ngành của thành phố và chính quyền địa phương cũng đã ghi nhận, đó là sự đóng góp của gia chủ đối với việc xây dựng hình ảnh Hội An hiền hòa, thuần hậu trong mắt du khách. Ông Đặng Xuân Cảnh, Chủ tịch UBMTTQ phường Minh An chia sẻ: “Về phía địa phương, chúng tôi thấy rằng gia đình ông Tùng gìn giữ được những cổ vật này rất là giá trị đối với bản thân gia đình và đặc biệt là đối với phố cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới. Cổ vật đó cũng chính là những di sản văn hóa vật thể. Và việc gia đình sẵn lòng mở cửa cho du khách vào thăm quan miễn phí rất là đáng quý. Phố cổ có những người dân hiếu khách như vậy thì hình ảnh du lịch Hội An sẽ đẹp hơn trong mắt du khách”
Có lẽ, theo dòng lịch sử, câu chuyện về ngôi nhà cổ chứa đầy cổ vật này và tấm lòng rộng mở của gia chủ sẽ còn mãi ở phố cổ Hội An. Và điều đó sẽ để lại những tình cảm đẹp cho du khách sau mỗi chuyến đi.
Lê Hiền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn