Từng là một thương cảng trong quá khứ, Hội An từ sớm đã giao thương, tiếp biến về văn hóa, kinh tế với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày nay, khi du lịch phát triển, con đường đối ngoại của Hội An ngày càng rộng mở, đa diện, đa phương hơn. Bắt đầu từ sự giao lưu văn hóa, đối ngoại trên lĩnh vực kinh tế cũng dần nhen nhóm và song hành. Cho đến nay, thông qua con đường đối ngoại, Hội An nhận được sự quan tâm, yêu mến của nhiều tổ chức, cá nhân, sẵn sàng tài trợ, hỗ trợ cho Hội An nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thành phố. Mới đây nhất có thể kể đến là dự án điện năng lượng mặt trời do Chính phủ Đức tài trợ, bàn giao, đưa vào sử dụng nhân dịp Hội An và thành phố Wernigerode kỷ niệm 5 năm kết nghĩa. Dự án này có tổng kinh phí 170.934 EUR, trong đó Chính phủ Đức tài trợ đến 90%, số còn lại do thành phố Hội An góp sức. Đây là dự án năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Hội An, góp phần mang lại một nguồn năng lượng điện tái tạo phục vụ các hoạt động của phố cổ và hình thành chothói quen sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, xây dựng thành phố sinh thái. Không chỉ dừng lại ở dự án này, ông Uwe-Friedrich Albrecht, Chủ tịch Hội đồng thành phố Wernigerode cho biết, trong tương lai, mối quan hệ của Hội An và Wernigerode sẽ mở rộng thêm một số lĩnh vực như đầu tư hỗ trợ về giáo dục, du lịch, dịch vụ. Điều này sẽ tạo những kết nối về kinh tế giữa hai thành phố. Ngoài những mối quan hệ trong kế hoạch hợp tác dài lâu, trong những trường hợp đột xuất, khi có thông tin, dù khoảng cách xa xôi, những người bạn của thành phố Wernigerode vẫn sẵn lòng quan tâm và tìm cách hỗ trợ, động viên tinh thần người anh em Hội An kết nghĩa. Ông Uwe-Friedrich Albrecht nói: “Qua các phương tiện truyền thông, ở đất nước chúng tôi đã tiếp nhận được thông tin Hội An hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều người muốn tìm cách giúp đỡ, họ đã hỏi chúng tôi và chúng tôi đã tiếp nhận sự giúp đỡ đầy tình cảm đó. Trong đợt này chúng tôi trân trọng trao lại nguồn kinh phí mà các bạn Đức hỗ trợ cho nhân dân Hội An. Tôi nghĩ đó là sự chia sẻ hết sức tốt đẹp và nhân văn.”
Lãnh đạo TP và các quan khách cùng thắp sáng thiết bị biểu tượng khi bàn giao dự án Điện năng lượng mặt trời- Ảnh: Lê Hiền
Nổi bật trong công tác đối ngoại, giao lưu về văn hóa – kinh tế phải kể đến mối quan hệ thịnh tình giữa Hội An và Nhật Bản. Hội An không chỉ duy trì các hoạt động lễ hội với phía bạn theo lịch trình, hình thành và duy trì “không gian văn hóa Nhật Bản” tại quê hương của mình mà còn nhận nhiều sự quan tâm đầu tư các dự án kinh tế quy mô, trở thành những công trình lịch sử minh chứng mối quan hệ lâu bền của hai bên. Điển hình nhất là dự án Cải thiện chất lượng nước thải chùa Cầu, đang được xây dựng tại phường Cẩm Phô. Công trình này có tổng mức đầu tư là 243 tỷ 345 triệu đồng, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản hơn 219 tỷ VN đồng, cùng vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước hơn 23 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2019, dự án Cải thiện chất lượng nước thải chùa Cầu sẽ xử lý nước thải với công suất 2.000 m3 trong một ngày đêm. Nói về ý nghĩa của công trình này cũng như mối quan hệ với phía bạn Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sơn nhận định:“Hiện nay chúng ta đang thiết lập với nhiều thành phố của Nhật Bản. Thông qua đó họ cũng đã giúp đỡ chúng ta rất là nhiều. Ví dụ như dự án phân loại rác tại nguồn, kinh phí mấy chục tỷ. Rồi dự án giải quyết sinh kế cho người dân Cù Lao Chàm khoảng một trăm rưỡi ngàn đô thì hiện nay đang thực hiện rất hiệu quả và một dự án lớn nữa đó là dự án nước thải chùa Cầu.”
Ngày hội bia đức góp phần kích cầu du lịch, dịch vụ tại Hội An- Ảnh: Lê Hiền
Không chỉ nhận được sự quan tâm tài trợ, viện trợ chính thức của Chính phủ và các thành phố kết nghĩa ở các nước, thông qua con đường đối ngoại, thời gian qua đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức phi chính phủ đã chủ động đặt vấn đề xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhân dân và chính quyền thành phố Hội An. Thông qua các hoạt động từ thiện nhân đạo, các dự án kinh tế xanh, bền vững hoặc các chương trình phát triển sinh kế ở Khu Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã hợp tác tích cực, có nhiều việc làm ý nghĩa, tình nguyện giúp thành phố trên nhiều phương diện, từ kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm đến tài trợ, hỗ trợ về vật chất, kinh phí. Mới đây nhất, thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, vợ chồng ông bà Chris (quốc tịch Bỉ) đã trao chuyển 5.233 euro, tương đương 139 triệu đồng cho thường trực thành hội để hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 3 nạn nhân ở Cẩm Thanh, Cửa Đại. Tính từ năm 2015, kể từ lần đầu đến với Hội An đến nay, vợ chồng bà đã chuyển trao hơn 18 ngàn euro, tương đương với 447 triệu đồng để thành hội sửa chữa 9 ngôi nhà và giúp 11 hộ hội viện nuôi gà, cải thiện kinh tế. Đáng quý là số tiền này do vợ chồng bà Chris vận động các mạnh thường quân từ đất nước Bỉ xa xôi ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam dioxin của thành phố. Bà trải lòng:“Chúng tôi đã đến Hội An và tận mắt chứng kiến nỗi đau da cam mà các nạn nhân đang phải chịu đựng. Chúng tôi muốn được được chia sẻ, mang chút tình yêu thương giữa con người với con người đến xoa dịu nổi đau của các nạn nhân. Rất may là có rất nhiều người bạn Bỉ khi biết thông tin về hoạt động này nên họ tình nguyện góp sức, cùng chúng tôi thực hiện việc làm ý nghĩa này.”.
Như vậy có thể thấy, bằng nhiều con đường, bằng nhiều hình thức khác nhau, công tác đối ngoại ở Hội An ngày càng rộng mở, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức cá nhân nước ngoài. Điều đó không chỉ làm “đa sắc màu” những giá trị văn hóa mà còn góp phần cho kinh tế xã hội địa phương ngày càng phát triển, thắt chặt mối quan hệ cộng đồng quốc tế trong xu hướng đối thoại bình đẳng và hợp tác sâu rộng toàn diện trong giai đoạn hiện nay.
Lê Hiền
Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn