Thành phố giàu tiềm năng
Thực hiện những quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hoá, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã chủ trương phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thiện thị trường văn hóa, gắn liền với các sản phẩm du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân; góp phần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Quảng Nam nói chung và của Hội An nói riêng.
Hội An được thí điểm xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa
Hội An là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm bên bờ Bắc hạ lưu sông Thu Bồn, có diện tích tự nhiên là 6.354 ha; dân số trên 100.500 người; có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 09 phường và 04 xã. Hội An có xã đảo Tân Hiệp (Cù lao Chàm), cách đất liền 15 km là gồm nhiều đảo lớn nhỏ với diện tích 1.654 ha, đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới có nhiều giá trị hệ sinh thái thiên nhiên. Lịch sử hình thành và phát triển của đô thị - thương cảng Hội An có ý nghĩa quyết định đến diện mạo di sản văn hóa đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc đặc trưng. Chính nền tảng văn hóa mà Hội An có được kết hợp với điều kiện tự nhiên, con người là tiền đề để phát triển du lịch bền vững.
Khu phố cổ Hội An là di tích đặc biệt của quốc gia, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999; là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế và là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo. Những năm gần đây, Hội An được chọn là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống, đương đại, các sự kiện chính trị, văn hóa - du lịch mang tầm khu vực, quốc gia, quốc tế, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo cộng đồng dân cư và du khách. Với những giá trị nổi bật về di sản văn hóa, Hội An là một trong những địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Có thể thấy rằng, chiều sâu lịch sử và nền tảng văn hóa đã góp phần làm cho Hội An có những giá trị độc đáo về văn hóa, làm cơ sở cho phát triển công nghiệp văn hóa. Di sản văn hóa thế giới Hội An có lợi thế là nơi hội tụ của hơn 50 nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề được đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia như: Nghề gốm Thanh Hà, nghề mộc Kim Bồng, nghề trồng rau Trà Quế, nghề khai thác yến sào Thanh Châu. Hội An còn có nhiều loại hình diễn xướng dân gian độc đáo như hát Bả trạo, hò khoan, sắc bùa, hô hát bài chòi, dân ca, nghệ thuật tuồng. Ngoài 2 khu trưng bày lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng, Hội An còn thành lập mới 4 bảo tàng chuyên đề như: Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa sa huỳnh, Bảo tàng Văn hóa dân gian và Bảo tàng Y học cổ truyền.
Trong năm qua, Hội An cũng đã chú trọng kết hợp hài hòa các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, các làng nghề, văn hóa nghệ thuật truyền thống như dân ca, hát bả trạo, hát tuồng và đương đại như thơ, ca nhạc, họa... làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng ở nơi "hội thủy hội nhân" này. Trong đó việc kết nối di sản phố cổ với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An-Cù Lao Chàm và không gian văn hóa làng quê, làng nghề đã tạo thêm sản phẩm độc đáo, hấp dẫn.
Cù lao Chàm- một điểm đến hấp dẫn cách Hội An 15km
Hội An đã thực hiện có hiệu quả việc trao truyền nghệ thuật dân gian, đưa vào biểu diễn phục vụ du khách; mở các lớp dân ca, nhạc cụ dân tộc, thành lập nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền. Đây là những nét nổi bật đầu tư cho việc sáng tạo và xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch bản địa có "tố chất văn hóa", vừa bảo tồn, vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế du lịch, tiêu biểu là chương trình "Đêm phố cổ", "Phố đi bộ", "Lễ hội đèn lồng", "Sắc màu Lụa", "Liên hoan âm nhạc Asian"...
Công nghiệp văn hóa đã có những đóng góp quan trọng trong việc mở ra những mối quan hệ hợp tác giao lưu giữa Hội An với các cá nhân, tổ chức, địa phương, quốc gia trên thế giới. Hội An đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các thành phố Wernigerode (CHLB Đức); Andong, Osan (Hàn Quốc); Sakai, Nagasaki, Matsusaka, Niihama (Nhật Bản), Szentendre (Hungary), … và đoàn đại biểu, nghệ sĩ, nghệ nhân Hội An đã nhiều lần được mời tham gia lưu diễn, giới thiệu văn hóa Hội An, Quảng Nam tại Đức, Pháp, Italia, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, …
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đã được triển khai tốt ở Hội An thời gian qua là nhờ vào sự thay đổi trong nhận thức của chính quyền thành phố Hội An. Chính quyền thành phố có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường, liên kết và khơi thông các nguồn lực, ưu đãi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và người dân thông qua các chính sách phù hợp. Nhờ đó, Hội An đang trở thành địa phương đi đầu của tỉnh Quảng Nam trong việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa cho quá trình phát triển đô thị bền vững.
Ngày 31/10/2023 vừa qua, Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện tiếp theo của Việt Nam chính thức là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian càng khẳng định tiềm năng và cơ hội phát triển công nghiệp văn hóa ở địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, Hội An cũng như các địa phương có nhiều thách thức về sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa. Qua học tập kinh nghiệm một số thành phố, địa phương có sự phát triển mạnh về công nghiệp văn hóa trong cả nước, Quảng Nam xác định chọn Hội An là thành phố thí điểm theo hướng đặt công nghiệp văn hóa là một trong những điểm nhấn để phát triển bền vững.
Trong đó, trọng tâm là quan tâm để thực hiện xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng và phát triển thành phố Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân.
Di sản văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo ở Hội An
Đồng thời, làm thế nào để Hội An tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại, là thành phố sự kiện - lễ hội của tỉnh Quảng Nam; xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Kết nối "hệ sinh thái di sản" đa dạng và lan tỏa; bảo tồn, phát triển đô thị theo kiểu mẫu cấu trúc "Phố - Làng"; đảm bảo các giá trị lâu dài đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước. Hội An đã chính thức tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, như vậy cần phải nổ lực hơn nữa để xây dựng điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu của thế giới, phấn đấu theo mô hình đô thị kiểu mẫu "thịnh vượng, hấp dẫn, sống tốt". Cùng đó là xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trở thành khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và khu du lịch quốc gia.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, để thực hiện có kết quả tốt những định hướng trên, cần có nhiều giải pháp cụ thể về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển, đổi mới tư duy… nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tranh thủ huy động nguồn lực để bảo tồn, phát huy môi trường sinh thái, các giá trị di sản văn hóa của Hội An, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII đề ra và bảo đảm sự phát triển bền vững của Hội An trong những năm tới./.
toquoc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn