//

Một thoáng Hội An

Thứ bảy - 14/09/2013 14:42

Ngày nay, ít ai còn nhớ đến cái tên Faifoo của một thời hoàng kim, khi mà Hội An còn là một trong những thương cảng thịnh vượng nhất vùng Viễn Đông, ngày ngày đón thuyền bè tấp lập chở hàng hóa và các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia…

Trải qua gần bốn thế kỷ, Faifoo để lại một Hội An dịu dàng và tĩnh lặng. Nơi đây, thời gian và không gian như ngừng lại, và cho dù những bước chân của du khách có tấp nập cả ngày lẫn đêm vẫn không hề khiến cái vẻ dịu dàng kia bớt đi, trái lại càng phản chiếu thêm phần quyến rũ và lãng mạn.

 

Khu phố cổ Hội An chủ yếu bày bán các đồ dệt may và thủ công mỹ nghệ, cổ kính với những dãy nhà hình ống mái ngói phủ rêu và những cột gỗ quý vẫn sáng bóng lên như thể ba trăm năm mới chỉ là hôm qua. Đây từng là nơi mà người Chăm, người Kinh, Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha chung sống, tạo nên nét giao thoa văn hóa rất độc đáo. Cách đây năm thế kỷ, nước Đại Việt tiến về phương Nam mở mang bờ cõi đã để lại một dấu ấn văn hóa vô cùng đặc sắc trên vùng đất này, và sau đó ba trăm năm, các chiến thuyền và thương thuyền phương Tây lại thực hiện một cục diện giao thoa văn hóa thứ hai thông qua những ý đồ truyền bá và thôn tính.

Nếu ai đã từng một lần tới Hội An vào đúng ngày cận rằm (14 âm lịch hàng tháng), sẽ thấy chẳng nơi nào trên thế giới lặp lại những giây phút này. Từ năm 1998, phố cổ Hội An quay ngược vòng thời gian 300 năm trước, treo đèn lồng trước hiên nhà và không sử dụng một thiết bị điện thông thường nào. Hàng ngàn chiếc đèn lồng giấy lung linh trên sông Thu Bồn hòa cùng ánh sáng rực rỡ của từng con phố cổ, khiến Hội An như sống lại thời khắc xa xưa. Những ngôi nhà cổ với các cột gỗ chạm trổ tinh vi sáng lên trong ánh đèn lồng. Du khách ngỡ mình đang dự một lễ hội của một thành phố thế kỷ thứ 17. Các cửa tiệm tạp hóa, hiệu thời trang vẫn mở cửa hoạt động bình thường, nhộn nhịp khách vào ra.

Có lẽ, không gian và kiến trúc cổ kính Hội An giống như con người nơi đây. Cũng giống như những ngôi nhà cổ, người Hội An lịch lãm, nồng nhiệt, nhưng không kiểu cách, và đặc biệt, nếu gặp họ lần đầu, ta có cảm giác như đã quen thuộc, gần gũi từ lâu lắm rồi. Mặc dù hầu hết các gia đình nơi phố cổ đều có cửa hiệu kinh doanh, hàng ngày tiếp xúc thông thương như từ thời cha ông họ cách đây vài thế kỷ, nhưng du khách sẽ ngạc nhiên trước cách ứng xử chân thành và đầy tính văn hóa của họ. Đến bất kỳ một cửa hiệu nào ở Hội An, du khách có thể ướm thử, hỏi giá, và sau khi mặc cả thoải mái nhưng vẫn không chọn được món đồ gì, du khách vẫn nhận được những nụ cười thân thiện của người bán. Bạn có thể nửa đêm bấm chuông một cổng chùa để xin mua chỉ một gói trầm hương, hay thuê hẳn một chiếc xe máy mà chỉ cần để lại tấm chứng minh thư… Tất cả những điều đó làm nên một Hội An đã và đang hấp dẫn khách du lịch.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật