//

Không có sự thuần hậu, tử tế thì Hội An không còn là Hội An nữa

Thứ bảy - 27/10/2018 08:16

Sau nhiều trì hoãn, bàn thảo, đề án 'Hội An - Nhân tình thuần hậu' đã được UBND TP Hội An (Quảng Nam) chính thức ban hành.

hoian 15405200399451783709591

Du khách nước ngoài đến Hội An nhiều lần vì sự thân thiện và nét đặc trưng riêng của nó - Ảnh: T.T.D.

Đề án đặt ra những chuẩn mực nhằm khơi dậy những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp, mang tính thuần hậu của mảnh đất và con người Hội An. Các thông điệp đặt ra được chia thành 3 nhóm là đạo đức, chấp hành luật giao thông và môi trường - buôn bán - xã hội.

Thông qua các kênh khác nhau, chính quyền vận động người dân sống hiếu thảo, biết nhường nhịn, giúp đỡ, thực hiện các quy định nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh môi trường, buôn bán và sinh hoạt văn minh, thân thiện.

Chúng tôi muốn khơi gợi, muốn làm những gì trong khả năng - đặc biệt là ngay ở thời điểm này để níu giữ nét riêng biệt cho Hội An. Nếu không làm bây giờ thì càng ngày sẽ càng khó hơn, không có sự thuần hậu, tử tế vốn có thì Hội An sẽ không còn là Hội An nữa.

Ông Võ Phùng (giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao TP Hội An)

Một Hội An rất khác

Thời gian gần đây nhiều du khách khi tới tham quan tại Hội An đã bày tỏ sự không hài lòng về môi trường du lịch phố cổ ngày càng ngột ngạt, chật chội... Có những chuyện vốn được xem là khó có ở Hội An nay đã xảy ra ở phố cổ: tình trạng xe ôm, taxi chèo kéo và cố tình moi tiền du khách.

Hội An hiện mỗi năm đón 3,2 triệu lượt du khách tham quan, doanh thu trên 3.000 tỉ đồng. Lượng khách du lịch tới quá đông đã gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống người dân lẫn hoạt động đón tiếp, phục vụ du khách.

Mới đây, một nhà xe đường dài có văn phòng tại Hội An đã buộc phải trả lại tiền vé thu lố của khách khi bị khách phát giác, khiếu nại.

Tuyến xe buýt Đà Nẵng - Hội An cũng liên tục bị hành khách, đa số là khách du lịch nước ngoài, tố việc nhân viên phục vụ lợi dụng vốn tiếng Việt ít ỏi của du khách để thu tiền cao hơn giá vé, tráo đổi tiền mệnh giá lớn để lừa gạt khách du lịch.

"Ở nơi khác chuyện chộp giật, xe ôm đánh khách Tây máu me bê bết thì có thể xảy ra nhưng với Hội An thì đó là điều hoàn toàn không chấp nhận được. Những cảnh như thế không chỉ làm xấu xí môi trường du lịch mà xúc phạm người dân Hội An bởi người Hội An không thể hành xử hung hãn như thế" - nhà báo Lê Đức Hùng (TP Đà Nẵng) bức xúc khi nói về câu chuyện một khách du lịch nước ngoài vì bất đồng chuyện tiền bạc với một tài xế xe ôm ở phố cổ Hội An mà bị tài xế này đánh đến nhập viện cấp cứu.

Khơi gợi lại những giá trị đẹp

Hội An hiện có 1.107 nhà cổ, khoảng 1/4 trong số này đang được người ở nơi khác tới thuê mướn hoặc mua lại để kinh doanh. Tuy nhiên, theo giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An Nguyễn Chí Trung thì đây không phải là nguyên nhân gây ra những hành vi buôn bán xấu xí mà Hội An vốn là đất dung nạp, du nhập, hòa tan được mọi vùng miền để biến thành "công dân Hội An".

Ông Nguyễn Văn Sơn - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cũng thừa nhận một thực tế rằng Hội An đang phát triển về du lịch bùng nổ, lượng khách đổ về hằng năm quá lớn trong khi lực lượng thực thi công vụ, bộ máy giám sát các hoạt động không thể có mặt ở mọi lúc mọi nơi.

Để giữ cho Hội An không mất đi sự thân thiện, thuần hậu đã được UBND TP Hội An đặt lên bàn và quyết tâm cho ra đời đề án "Hội An - Nhân tình thuần hậu".

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, TP Hội An là một đô thị đặc biệt, người Hội An cũng vốn thân thiện, cư dân chất phác, ý thức vì cộng đồng rất tốt đã tạo dựng ra được một Hội An như hiện nay.

"Chúng tôi tin chắc rằng khơi gợi lại những hành vi tốt đẹp, nói với bà con giá trị thiêng liêng của phố cổ, dần dần các ứng xử chuẩn mực như không nhấn còi xe trong phố cổ, không khạc nhổ bừa bãi, không mặc trang phục phản cảm ra đường phố... sẽ đi vào từng suy nghĩ và sẽ trở thành một thói quen được sử dụng thành thục. Đạo đức, ý thức sẽ là cái căn cơ, lâu dài hơn là điều chỉnh bằng pháp luật" - ông Sơn nói.

GS HOÀNG ĐẠO KÍNH: 3 thách thức lớn của Hội An

Về bản chất, những quy tắc tương tự cũng từng tồn tại ở nhiều địa phương trong khuôn khổ nếp sống văn minh.

Tất nhiên ở nơi này nơi kia, một số điều có thể được bổ sung, cụ thể hóa, địa phương hóa. Cũng vậy, những điều này cơ bản đi ra từ cuộc sống của dân cư phố cổ Hội An vốn hình thành từ lâu với tư cách là yếu tố cấu thành di sản đô thị, cho nên có khả năng thực tế để tiếp tục duy trì.

Hội An hiện nay, bên cạnh vấn đề bảo tồn, có ít nhất ba thách thức lớn. Thứ nhất là sức hút, dòng chảy dân cư từ nơi khác đến.

Thứ hai là công cuộc phát triển du lịch đang ồ ạt, quá tải, không dễ kiềm chế, điều tiết. Thứ ba, Hội An đang chuyển mình trong hình thái phát triển từ bản chất nó đã từng có, và đang tiến triển theo hướng có thể chưa tiên lượng hết được.

Tôi cho rằng tính chất phát triển vốn khá tự nhiên của Hội An hiện nay là khá phù hợp và khả thi để thực hiện những quy tắc này. Đây cũng là công cụ quản lý khá tốt, dễ bắt rễ vào cuộc sống. Tất nhiên cách quản lý, đưa vào cuộc sống như thế nào, để người dân tiếp nhận, tiếp thu lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Những quy tắc nói trên là công cụ quản lý mềm, đặc thù, cho nên tôi mong rằng việc vận hành nó phải thật mềm mại, thích hợp với thực tế cuộc sống, sao cho thấm vào từng người dân, chứ không nên biến nó thành công cụ cứng, mang tính chất danh nghĩa, hình thức, áp đặt để bình bầu, thi đua, trao giải thưởng như các nơi.

THÁI LỘC ghi

Nguồn tin: tuoitre.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn