Hình minh họa
"Thành phố sáng tạo" - căn cứ vững vàng để Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp văn hoá
Để phát triển được ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững và hiệu quả thì cần phải có các cơ sở hạ tầng vững chắc, đó chính là các không gian sáng tạo. Chính vì thế, trong những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới, hay Việt Nam đều mong muốn và hướng tới gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO để có thể phát triển nhiều không gian văn hóa sáng tạo tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có tác động rất tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước. Trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu "Thành phố sáng tạo" để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa giàu sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Hiện nay, đã có hơn 350 thành phố của hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Mạng lưới này và cùng hướng tới một mục tiêu chung: đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.
Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt đã mục tiêu là hình thành được 3 trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh và phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Từ đó đến nay, trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn nhưng cũng có rất nhiều chuyển biến tích cực, tính kết nối quốc tế đã có sự cởi mở hơn. Đặc biệt, thông qua quá trình hội nhập quốc tế, những người làm nghiên cứu, những người làm hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu và đề xuất đưa Hà Nội tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Năm 2019, chúng ta đã thành công khi đưa thành phố Hà Nội gia nhập Mạng lưới này. Từ đó, thành phố sáng tạo đã trở thành một từ khóa được mọi người tìm hiểu, được các địa phương quan tâm và nỗ lực nhiều hơn để vươn tới. Tháng 10/2023, hai thành phố Hội An và Đà Lạt đều cùng được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian.
"Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á" - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Không chỉ dừng lại ở việc đạt danh hiệu
Thực tiễn từ những kết quả bước đầu của thành phố Hà Nội trong việc cụ thể hóa thương hiệu "Thành phố sáng tạo" đã được UNESCO công nhận, có thể thấy rằng, việc đạt danh hiệu "Thành phố sáng tạo" đã khó, việc phát huy được nó, biến nó trở thành động lực trong phát triển công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những bước đi bài bản, dài hơi.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam), đối với Hội An, trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, tăng sức hấp dẫn cho địa phương này. Chính quyền và người dân nơi đây tự hào khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tuy nhiên mục tiêu của Hội An không chỉ dừng lại ở đó, mà qua danh hiệu này mong muốn nhân dân chung tay giữ gìn, phát huy, có trách nhiệm và hành động.
Phương châm sáng tạo của Hội An là ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, trong đó, phải ưu tiên những người yếu thế, những người không có cơ hội tiếp cận đa chiều về tiện ích của xã hội và sáng tạo sẽ trở thành phẩm chất, khát vọng, cảm hứng của mỗi người. Chính tầng lớp tinh hoa có trình độ chuyên môn, những thợ giỏi sẽ đóng vai trò dẫn dắt, định hướng sáng tạo cho các lực lượng khác.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ thêm, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, du lịch...Từ đó góp phần thu hút đầu tư, là điểm đến của các chương trình phát triển giáo dục, các sự kiện văn hóa, giao lưu nghệ thuật nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.
Đây sẽ là cầu nối để Hội An mở rộng mối quan hệ với thế giới, gia tăng các cơ hội hợp tác quốc tế, tiếp cận và tiếp thu kinh nghiệm, những giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa, chuyên gia quốc tế, UNESCO và các thành phố, quốc gia khác, để linh hoạt vận dụng vào mô hình phát triển riêng biệt của mình.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, để thực hiện cam kết đối với mạng lưới, trong thời gian đến, TP.Hội An sẽ cụ thể hóa kế hoạch hành động thực hiện sáng kiến, đồng thời kết nối với các thành viên của mạng lưới để cùng nhau xây dựng, phát triển trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo.
Theo đó, TP sẽ tập trung triển khai kế hoạch hành động cụ thể đối với từng nhóm dự án: nhóm dự án cấp quốc gia triển khai trên tinh thần phát huy những ưu thế mà Hội An đã có, tăng cường hơn nữa tính sáng tạo, làm mới mình.
Đối với các dự án cấp quốc tế, tập trung nguồn lực để tận dụng tối đa cơ hội. Đặc biệt là nguồn lực xã hội, khuyến khích và đẩy mạnh tính sáng tạo của cộng đồng, trong đó chú trọng vào lớp trẻ. Đây là lực lượng có nhiều tiềm năng và sức sáng tạo dồi dào, khát khao thể hiện và làm mới mình.
Theo bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL, điều quan trọng khi trở thành thành phố sáng tạo là chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư cùng đồng lòng đặt “văn hóa sáng tạo” vào trọng tâm của các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, coi văn hóa sáng tạo là nguồn lực để phát triển bền vững.
"Hội An đang đứng trước rất nhiều cơ hội, trong đó có sự giao lưu, trao đổi, hội nhập với 350 thành phố khác đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, không chỉ trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mà còn trong cả 6 lĩnh vực sáng tạo còn lại của mạng lưới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch bền vững, truyền cảm hứng cho các thành phố trong nước và quốc tế" - bà Phương Hòa nêu rõ.
Phát huy hết tiềm năng sáng tạo trở thành nguồn lực phát triển
Cũng chung niềm vui, sự tự hào như chính quyền, nhân dân Hội An, năm 2023 thực sự là một năm đầy ý nghĩa đối với người dân Đà Lạt (Lâm Đồng) khi thành phố ngàn hoa được UNESCO công nhận là "Thành phố sáng tạo" trong lĩnh vực âm nhạc.
Tại Lễ kỷ niệm “130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023) và đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO” được tổ chức cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, việc gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc” đã góp phần giúp Đà Lạt định vị thương hiệu, khẳng định sự ghi nhận của bạn bè trong nước và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quảng bá hình ảnh Đà Lạt-Lâm Đồng là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện.
Ngay khi được công nhận gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình âm nhạc.
Theo ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, Đà Lạt đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giữ vững danh hiệu, thúc đẩy thành phố sáng tạo phát triển về âm nhạc theo đúng cam kết với UNESCO.
Trong đó, thành phố cũng đặc biệt chú trọng làm tốt công tác bảo tồn âm nhạc truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút, thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình âm nhạc.
Ông Trần Quang Tú cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là giữ vững thành quả đạt được. Triển khai các sáng kiến, các giải pháp để phát huy hết tiềm năng sáng tạo trở thành nguồn lực phát triển.
Đồng thời, củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo, xây dựng cho được bản đồ nghệ thuật Đà Lạt đa phương tiện để làm cơ sở thúc đẩy các hoạt động thông tin, quảng bá, đầu tư, kết nối cho các bên liên quan trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
"Cùng với đó, phải xây dựng cho được trung tâm nghệ thuật Đà Lạt trên nền không gian sáng tạo hiện có thành một tổ hợp sáng tạo trọng điểm của thành phố, với cơ sở vật chất thích hợp” - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho hay.
Từ bài học thành công bước đầu của Hà Nội, có thể thấy rằng một trong những thách thức của Hội An, Đà Lạt trong việc xây dựng, phát huy được thương hiệu của thành phố sáng tạo đó là làm sao hình thành được nhiều hơn nữa không gian sáng tạo, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, môi trường để các không gian sáng tạo này phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần phải chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính đủ mạnh, trang thiết bị để phát huy sáng tạo lên tầm cao hơn.
Phải khẳng định, để xây dựng, phát huy được thương hiệu Thành phố sáng tạo là điều không dễ dàng, đó không phải là việc của ngày một, ngày hai mà cần có bước đi, chính sách cụ thể, sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân với vai trò là chủ thể sáng tạo. Đó là những điều mà có lẽ, Hội An và Đà Lạt và ngay cả Hà Nội cần lưu ý nếu muốn tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên thương hiệu Thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận./.
toquoc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn