Truyền thống hòa đương đại
Gió xuân phảng phất ngọn tre/ Hai bên cô bác lắng nghe bài chòi…
Đêm hội bài chòi đã trở nên quen thuộc với người dân Hội An cũng như khách du lịch đến đây. Cứ tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, mọi người lại tụ tập về khoảng sân giữa phố Hội và sông Hoài (sông Bạch Đằng) để có được những giờ phút thư giãn, hứng khởi. Sân chơi này giúp phố cổ thêm sinh động mà không mất đi vẻ đẹp yên bình đặc trưng. Vì rằng, đêm hội bài chòi vừa mang hơi thở cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của văn hóa truyền thống.
Theo các nghệ nhân, hội bài chòi là sân chơi của những ván cờ. Mỗi ván gồm 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau chia thành 10 loại thẻ gỗ (3 quân cờ là một loại thẻ), người chơi sẽ được chọn mua các loại thẻ đó. Anh hiệu (người hô) sẽ dẫn dắt cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến tên quân cờ ghi trên chiếc thăm tre. Ý nghĩa của hội bài chòi không đơn thuần là hình thức vui chơi mà là hoạt động văn hóa đáng được tôn trọng và giữ gìn. Bởi lẽ, chơi bài chòi không quan trọng chuyện được thua mà thú vị ở chỗ thưởng thức những câu hô trầm bổng, nhịp nhàng.
Nội dung các câu hát sử dụng trong hội bài chòi đều mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao. Các câu hát thường nói về tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê, đề cao những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán tệ nạn xã hội, những tập tục lạc hậu…
Trong hội bài chòi, anh hiệu là người được “chọn mặt gửi vàng”. Anh hiệu giỏi thường sáng tác nhiều câu thơ lục bát hay và khéo léo hô chậm rãi khiến người nghe hồi hộp chờ đợi, đoán già đoán non con bài gì. Chính vì vậy, xưa kia nhiều người nhờ tài hô bài chòi duyên dáng mà nổi tiếng khắp vùng.
Cũng như các địa phương khác, người dân Hội An đã tiếp cận bài chòi từ rất lâu qua truyền miệng, qua sinh hoạt cộng đồng. Dần dà, do ảnh hưởng bởi nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác mà bài chòi ở Hội An nói riêng và ở các tỉnh miền Trung nói chung ngày càng bị mai một, hầu như chỉ diễn vào các ngày lễ hội, ngày Tết. Tuy nhiên, từ tháng 2.1996, khi Nhà hát Nghệ thuật cổ truyền Hội An thành lập, bài chòi đã theo đó lên sàn diễn. Tháng 9.1998, chương trình Đêm phố cổ ra đời, dành không gian cho hội bài chòi như một sản phẩm du lịch đặc trưng. Từ đây, lối hô hát đặc sắc được mang ra giữa phố, thu hút sự yêu mến từ người dân và du khách thập phương.
"Đặc sản" của du lịch
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đáng (nghệ danh Lương Đáng), 63 tuổi, cống hiến cho nghệ thuật bài chòi và gắn bó với hoạt động văn hóa bài chòi ở phố Hội gần 25 năm qua. Ông cho biết, món ăn tinh thần này đã ngấm vào mỗi người dân nơi đây. Bài chòi không chỉ là trò chơi mà còn là nghệ thuật, là tâm hồn con người. Sức hấp dẫn ấy tô điểm cho phố cổ, mang lại cảm tình, ấn tượng cho những ai đặt chân đến Hội An.
“Tôi là người hát bài chòi trong Đêm phố cổ từ năm 1999. Từ đó đến nay, chúng tôi không ngừng sáng tạo, làm mới hình thức hô hát để phù hợp với hơi thở đương đại, nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống. Chúng tôi luôn ý thức rằng nghệ thuật dân ca bài chòi vừa là di sản, vừa là sản phẩm đặc biệt của du lịch văn hóa Hội An”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đáng nói.
Tâm niệm với nghề và coi đó là động lực, suốt những năm qua, nghệ nhân Nguyễn Văn Quý (nghệ danh Dương Quý) đã nỗ lực cùng với các nghệ nhân tiếp nối thế hệ đi trước tại Hội An chung tay giữ gìn, phát huy di sản văn hóa bài chòi. Đặc biệt từ năm 2010, nghệ nhân Nguyễn Văn Quý đảm nhiệm các lớp dạy hát dân ca hàng đêm dành cho thiếu nhi tại phố cổ Hội An, vừa là truyền nghề, vừa là biểu diễn phục vụ công chúng. Hình ảnh nghệ nhân cùng các em thiếu nhi say mê hát bài chòi khiến nhiều du khách thích thú.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quý cho biết trong các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch, người hô hát bài chòi còn sử dụng tiếng Anh để hướng dẫn cách chơi, giải thích những ưu điểm của bài chòi. Một số màn diễn xướng còn điều chỉnh tên địa danh, cách phát âm để bài chòi hấp dẫn, gần gũi với khán giả khắp các vùng miền…
Các nghệ nhân cũng khéo léo, linh hoạt lồng ghép, giới thiệu các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của Hội An như hát bội, hò khoan, bả trạo, sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh... nhằm tạo ra sự đa dạng, phong phú chất liệu của sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo. Thậm chí, phần thưởng của hội bài chòi cũng được lựa chọn kỹ lưỡng, là những món quà được làm thủ công, mang đặc trưng phố cổ Hội An.
“Chúng tôi hiểu rằng muốn làm du lịch thì phải có sản phẩm. Muốn có sản phẩm tốt, hấp dẫn thì phải có sự đầu tư, tạo nên sự khác biệt. Di sản nghệ thuật bài chòi trong lòng phố cổ Hội An là một khác biệt. Hơn ai hết, bản thân mỗi nghệ nhân phải hiểu và lan tỏa được giá trị ấy đến với mọi người”. Nhìn nhận như vậy, nghệ nhân Nguyễn Văn Quý cho rằng nếu bài chòi tiếp tục bám rễ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hội An, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch thành phố phát triển thì sẽ đem lại sức sống lâu bền cho di sản. “Chúng tôi tin tưởng bài chòi sẽ trở thành một trong các hoạt động kinh tế mũi nhọn của thành phố Hội An, thúc đẩy ngành du lịch phát triển và rộng mở hơn”.
daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn