//

Đối thoại với nắng và gió

Thứ hai - 11/03/2024 14:26

Khoảng sân trời giữa ngôi nhà cổ phố Hội - một khoảng không yên tĩnh thơm mùi nắng mới giêng hai...

img 6381
Không gian sân trời trong nhà cổ 80 Trần Phú với phù điêu trang trí và cây xanh. Ảnh: C.T

Sân trời, nơi chúng tôi ngồi, ngập nắng xuân và hương trầm phảng phất...

Sân trời - không gian mở

Nơi chúng tôi tìm đến là ngôi nhà số 80 Trần Phú (Hội An). Được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 20, ngôi nhà vốn là một hiệu buôn, vừa dùng để ở, vừa là nơi kinh doanh. Đường nét kiến trúc của ngôi nhà cổ này mang nét điển hình của các ngôi nhà ở Hội An xưa.

Với 2 tầng cùng ban công ở phía trước và sau, căn nhà có kết cấu tốt nhất trong số các ngôi nhà cổ truyền thống. Cột nhà được đặt trên những viên đá cẩm thạch và đầu cột vươn lên đỡ đòn tay trên mái, ngoài ra những thanh kèo cũng riêng rẽ giữa các cột.

Đặc biệt, lối kiến trúc chừa khoảng sân trời rộng thoáng giữa ngôi nhà gây ấn tượng mạnh với người tìm đến. Bước qua nhà trước, cánh cửa gỗ mở ra một sân trời lát đá. Một bộ bàn trà được bày biện bên hồ cá nhỏ.

Trên tường, vẫn còn bức tranh đắp nổi với lối kiến trúc khá điển hình của các sân trời bên trong nhà cổ Hội An. Nhiều du khách đang ngồi nghỉ chân ở đó. Nắng len vào giữa khoảng sân, vàng ươm trên tán bonsai nhỏ bên hồ.

Họa sĩ Trương Bách Tường, một cư dân của phố cổ nói, sân trời trở thành đặc trưng cho những ngôi nhà trong phố cổ. Ở những ngôi nhà bình thường cũng có khoảng không gọi là giếng trời, nhưng với nhà cổ Hội An, không gian này rất rộng, phải gọi là sân trời.

Họa sĩ Trương Bách Tường nói, điểm chung của các ngôi nhà trong phố cổ, đều được thiết kế theo kiểu Quảng Đông, là nhà lồng ống rất dài. Có ngôi nhà dài từ phía đường Trần Phú sang Nguyễn Thái Học, hoặc từ Nguyễn Thái Học thông ra Bạch Đằng, với độ dài chừng 50 mét.

“Với độ dài như vậy, bắt buộc phải có sân trời để giải quyết bài toán thông gió, thông khí, theo quy luật phong thủy. Nếu không có sân trời, ngôi nhà sẽ bị ngột và thiếu sáng. Sân trời thường nằm ở điểm giữa ngôi nhà. Có nhiều ngôi nhà dành hẳn hai khoảng rộng để bố trí hai sân trời giữa nhà” - họa sĩ Trương Bách Tường cho biết.

Chúng tôi theo họa sĩ Trương Bách Tường ghé qua nhiều ngôi nhà cổ. Gót chân dẫm lên nền gạch, thoáng qua trong hồi tưởng của anh Tường là những lần đến nhà bạn bè trong phố thưởng trà, chơi nhạc, nói chuyện về nhạc họa, về những thú chơi tao nhã của người phố cổ, ngay ở những khoảng sân trời.

Nhiều cuộc triển lãm cũng đã được tổ chức ở một số sân trời, ghi dấu ký ức đẹp về đời sống tinh thần, đời sống văn hóa riêng có của cư dân phố cổ.

Triết lý sống của cư dân phố cổ

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cho rằng, sân trời được thiết kế trong nhà cổ thể hiện triết lý sống của cư dân Hội An.

img 6346(1)
Sân trời trong nhà cổ Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An. Ảnh: C.T

“Mười nhà, thì nhẩm đếm ít nhất phải được 8 sân trời. Có nhà đến hai sân trời. Lối kiến trúc này nói lên lối sống, tinh thần của cư dân phố cổ xưa nay. Họ xây ngôi nhà để trú ngụ, bán buôn, nhưng không muốn ngôi nhà của mình khép kín trước thiên nhiên.

Họ muốn đối thoại với thiên nhiên, muốn ngôi nhà của mình nói chuyện với nắng và gió. Đó là thái độ sống của cư dân Hội An, sống kín đáo nhưng không khép kín.

Bây giờ người ta bàn nhiều đến công dụng, tiện ích của sân trời. Nhưng phải thấy được triết lý sống của cư dân trong đó. Người xưa có thể khó khăn, thiếu thốn, nhưng không bao giờ phá sân trời, mà đặt vào đó cây xanh, hồ cá, tiểu cảnh để nó thêm đẹp. Sân trời ở nhà số 9 Nguyễn Thái Học rộng đến 40m2 là một ví dụ điển hình” - ông Sự nói.

Là người gắn bó lâu năm với phố, ông Sự nói, đâu đó trong mỗi đường nét, chi tiết kiến trúc, văn hóa, phong tục tập quán ở phố cổ đều lấp lánh những điều đơn giản nhưng thâm thúy. Và sân trời là một mảnh ghép trong đó.

“Người ta có thể ngồi kể bất tận, luyên thuyên về phố cổ, nhưng không thể hiểu hết và nói hết. Đó chính là Hội An. Không chỉ là kiến trúc, là những dãy phố, Hội An chứa đựng nhiều thế hệ, trầm tích văn hóa trong lịch sử của mình” - ông Sự thâm trầm.

Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra khá phổ biến ở khu vực phố cổ, chính là việc chủ các căn nhà hầu hết không sống trong đó. Nhà cổ được cho thuê, người thuê sử dụng phục vụ mục đích “tối thượng” là kinh doanh.

Sân trời chiếm quá nhiều diện tích, mưa gió có thể tác động đến việc kinh doanh nên nhiều người chủ tìm cách che đi sân trời. Cảnh quan, kiến trúc ở một góc độ nào đó bị phá vỡ thầm lặng, ngay bên trong căn nhà.

img 6342(1)
Một số sân trời nhà cổ bị che hoặc thay đổi công năng. Ảnh: C.T

“Cuộc sống đi lên, người ta không còn ở đó, nhà cổ được cho thuê, những tiện ích trước mắt khiến nhiều thứ thay đổi. Khi đó, buộc phải siết lại công tác quản lý di sản. Khai thác công năng thì cứ làm, nhưng không thể phá vỡ, biến dạng di tích.

Sân trời cũng vậy, có thể che chắn, tìm cách để chống chọi mưa gió, khai thác tiện ích nhưng không được che kín, lấp đi, vì đó là đặc trưng của các nhà ở Hội An. Đó là điều phải ngẫm, phải nghĩ và phải giữ” - ông Sự nói.

Có những chuyển động thầm lặng trong những ngôi nhà, mà phải sống cùng, phải hòa vào đời sống ở đó, mới nhận biết được. Người ta che giếng trời đi, về mặt bảo tồn, kiến trúc và cả văn hóa bị mất, bị hao hụt.

Dù chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, nhưng đó cũng là sự đổi thay đáng tiếc. Căn nhà mất đi sự kết nối với thiên nhiên, thông qua nắng và gió đến từ những sân trời. Đôi lời từ họa sĩ Trương Bách Tường, nghe như tiếng thở dài trong ngày đầu xuân...

baoquangnam

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn