//

Hội An là một cuộc khám phá

Thứ sáu - 26/10/2012 10:15

TP.Hội An (Quảng Nam) vừa được độc giả của tạp chí du lịch hàng đầu Mỹ - Conde Nast Traveler bình chọn vào top 10 thành phố du lịch hàng đầu Châu Á, cùng với nhiều thành phố khác như Bangkok, Hồng Kông, Singapore, Tokyo, Thượng Hải, Luong Prabang...

Ông Nguyễn Sự nhận giải thưởng Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh năm 2012. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Đây không phải lần đầu Hội An được các tổ chức, báo chí quốc tế bình chọn. “Nhạc trưởng” của Hội An hôm nay - ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy - lý giải về sức hấp dẫn của Hội An.

´ TP.Hội An không rộng, di sản khu phố cổ Hội An lại càng nhỏ bé. Ở đó, phố cổ luôn có vẻ trầm ẩn, nhịp sống cũng chậm rãi, thong dong, dù lượng khách du lịch “hợp chủng quốc” luôn đông đúc. Vậy dựa vào đâu mà Hội An vẫn phát triển? 

- Hội An không lớn về diện tích (chỉ 60km2), dân số không đông (chỉ 90 ngàn người), tức là chiều rộng. Nhưng Hội An có chiều sâu văn hóa, các nhà nghiên cứu giờ vẫn đang tiếp tục khám phá. Cái đẹp của Hội An hấp dẫn không phải vì bí ẩn, mà vì bản thân nó là một cuộc khám phá, chính là ở nghĩa này. Cốt cách của người Hội An cũng vậy, có nét đẹp riêng, vừa ẩn, vừa lộ. Lộ, là qua ứng xử, qua nếp sống hằng ngày, ở sự dễ chịu khi tiếp xúc giữa người với người. Trong quá khứ, Hội An là một cảng thị, là một “khu kinh tế mở” ở Đàng Trong từ thế kỷ 16. Nhờ vậy, người Hội An có may mắn tiếp xúc với bên ngoài, giao lưu văn hóa, kinh tế, nên thoát khỏi tầm nhìn “cửa đóng then cài” của thời kỳ này. Đồng thời, nếp sống, văn hóa làng xã mạnh ghê gớm, là sức ỳ và tính bảo thủ, cũng trì kéo lại. Nhờ vậy, người Hội An có sự chừng mực. Văn hóa Hội An có sự giao lưu, tương tác với nhau giữa bản địa và ngoại lai, giữa văn minh phát triển của thời đại, đồng thời vẫn giữ được truyền thống của người Việt, của người Hội An. Đó là sự kết hợp tự thân, không cần cố gắng. Hội An chính nhờ vào chiều sâu văn hóa và con người, mà phát triển. Như du lịch, 20 năm nay vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, nhưng không phát triển bằng mọi xu thế, mà đi từ phố cổ với văn hóa đa quốc gia, đa vùng miền, văn hóa hội nhập. Du khách đến và trở lại Hội An không chỉ vì phố cổ, mà còn vì con người, phố cũ, nhưng họ đến, thì luôn thấy mới, là vì con người, chính con người Hội An làm nên sự sống động của phố cổ, nếu không đó chỉ là “phố chết”!

´ Hội An trở thành thành phố du lịch có “thương hiệu quốc tế”, cũng nhờ di sản phố cổ. Nhưng Hội An đang hấp dẫn không chỉ bằng phố cổ?

- Đúng vậy. Phố cổ chỉ có 1km2, phần còn lại gấp mười lần. Ngoài phố cổ còn có vùng ngoại vi, với biển, cù lao, sông đầm, và làng quê còn giữ gìn được nét đẹp văn hóa qua nhiều thời đại. Chúng tôi phát triển du lịch bắt đầu trên cơ sở di sản phố cổ, nhưng bây giờ không còn riêng là phố cổ mà mở rộng và tiếp tục phát triển trên cơ sở vùng ven còn nguyên nét mộc mạc, đầm ấm làng quê và con người. Nếu chỉ phố cổ, thì khách chỉ đi một buổi là hết và phố cổ quá tải. Đưa du lịch ra vùng ven, là giảm tải cho phố cổ, đồng thời là động lực thay đổi, phát triển cả vùng ven. Nếu chúng tôi chỉ đầu tư vào du lịch phố cổ, là tự thu hẹp không gian phát triển. Nếu chúng tôi phát triển vùng ven thành dịch vụ phụ trợ như khách sạn lớn, nhà hàng to, ăn chơi nhảy múa..., là chúng tôi tự thu hẹp không gian sống, là Hội An thua ngay từ đầu. Vì vậy, chúng tôi giữ lại vẻ nguyên sơ, mộc mạc của làng quê bên ngoài phố cổ, để làm du lịch. Du khách đến đó, đi trên đồng lúa, hóa thân vào việc nhà nông, nghe mùi vị cây cỏ, nhìn nước lớn nước ròng, là họ trở lại với chính mình. Người dân vùng ven cũng làm du lịch, cũng quảng giao với người ngoài để văn minh và cũng chính họ trở thành sứ giả đưa văn hóa du lịch Hội An đi khắp thế giới. Hội An là một tổng thể, không thể tách rời phố cổ và vùng ngoại ô, vì vậy mới không trở thành một “di sản chết”. 

´ Hội An vừa biết cách giữ được vẻ đẹp cổ kính, hoang sơ, vừa biết cách biến giá trị đó thành tiền, phục vụ chính đời sống của người dân. Vậy, triết lý của Hội An là gì?

- Tôi đã từng nhắc tới câu chuyện về món chè đậu ván của hai chị em nghèo rất quyến rũ du khách. Bí quyết của món chè này, theo tôi được biết, là ở cách pha nước đường: Loại đường bát, đường mật quê mùa nhất, thô sơ nhất, nghèo hèn nhất, bình dân nhất, đứng ở bét bảng xếp hạng của họ nhà đường; pha với đường phèn, tức là nghịch lý tột cùng, đường phèn là loại đường đứng đầu bảng chót vót, là kim cương của đường, là loại đường quý phái, vương giả. Chính sự pha trộn bất ngờ, tài tình và mầu nhiệm, mà cũng giản dị ấy của hai bà bán chè đêm Hội An đã tạo nên bí quyết của chè đậu ván kỳ diệu là đặc sản lâu đời của thành phố chúng tôi. Tất nhiên, hai chị em bà bán chè vô danh đó không hề nói, thậm chí chắc cũng không hề biết đến từ “bí quyết”, càng không nghĩ về triết lý chè. Nhưng quả thật ở đây có một triết lý sâu xa, và cái triết lý ấy đã thấm đâu đó trong máu của họ, của mỗi con người Hội An. Tôi cho rằng triết lý cơ bản, hay là bản lĩnh chủ yếu của Hội An là vậy, đã giúp thành phố chúng tôi trải bao trầm luân và thách thức, cả những thách thức gay gắt và hỗn hào của kinh tế thị trường đang hoang dã, mà vẫn vừa đi được cùng thiên hạ, không đến mức ở những hàng sau, và vẫn bình tĩnh là mình trong biến đổi không ngừng. Đó là bản lĩnh kết hợp được một cách hoàn toàn, nhẹ nhàng như không, những đối lập gay gắt nhất, cực đoan nhất, để làm ra cái kỳ diệu bình thường hay cái bình thường kỳ diệu. Văn hóa non nửa thiên niên kỷ nay cư dân Hội An đã kiên trì và tinh tế tạo được cho mình là vậy, bình dân mà quý phái, giản dị mà sang, sang trong giản dị. Họ muốn có một không gian sống thư thái, an bình, đồng thời cũng lại biết trong thế giới quá rối động ngày nay một không gian như vậy chính là sản phẩm hay nhất, có giá trị cao nhất họ có thể bán cho khách du lịch bốn phương. Và họ giàu lên, bằng chính những đức tính tích lũy lâu dài và độc đáo của Hội An.

Văn hóa theo cách người Hội An tạo được trong mấy trăm năm qua, đối với họ là một lối sống, một hạnh phúc được sống như vậy, đồng thời cũng là một món hàng quý họ đem mời khách… 
Bí thư Thành ủy Hội An NGUYỄN SỰ

Nguồn tin: baophapluat.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật