Các nhóm múa lân sư rồng len lỏi trong các khu phố cổ Hội An trong dịp Trung thu. |
Tự căn ke sao cho đúng hai ngày đặc biệt mười tư và hôm rằm tháng tám trong hành trình về miền Trung, tôi dừng lại ở Hội An. Trời mưa rả rích cả hai đêm ấy. Có thể vì mưa cho nên Hội An cũng bớt hội hè. Phố lặng đi trong tiếng mưa nhoi nhói thấm vào từng thớ gỗ gói cả trăm năm của Hội An. Tôi thấy Hội An trong mưa hình như hấp dẫn hơn, lạ lùng và buồn, cái buồn sang trọng của phố cổ, của mưa đêm. Cả đêm tôi ướt lướt thướt ở phố, thả đèn hoa đăng ở chân chùa cầu, vắt vẻo trên chiếc ghế sắt nhìn ngắm sông Hoài ban đêm lấp lánh những chiếc đèn hoa đăng trôi lờ đờ trong mưa. Và hương trầm phố Hội càng về đêm càng nồng đượm, vương vấn cùng người theo những bước chân lặng lẽ trên những phố dài đổ bóng.
Trầm hương là đặc sản của Hội An. Nghề làm trầm hương là một trong số những nghề cổ còn lại của xứ Quảng cùng với nghề làm đèn lồng, may đo quần áo, làm gốm mỹ nghệ... Trầm hương Hội An ngày nay không phải như xưa, chỉ là gỗ thơm nhào trộn hong khô dùng để đốt lên trong các dịp cúng lễ. Rằm Trung thu, đêm hội đèn lồng không thể thiếu hương trầm trong mỗi gia đình. Hội An cũng vì thế mà đầy tâm sự, phố trầm mặc hẳn đi. Bóng dáng của một thị cảng nổi tiếng sầm uất trong lịch sử tái hiện, du khách cảm giác như đang sống lại những giây phút của ngàn năm đã qua, giữa thực tại và quá khứ, thật hiện và ảo ảnh. Tất cả là do hiệu ứng từ hương trầm, từ đèn lồng, từ phố cổ và không khí du lịch, cách làm du lịch chuyên nghiệp ở đây.
Khách du lịch đã về tới Hội An thì không nề hà gì mưa. Thậm chí thiếu mưa lại thấy nhớ, thấy buồn, cái nỗi buồn cứ lâng lâng không gọi được thành tên. Bởi thế, có lúc, cả khu phố cổ ngập tràn những chiếc ô đủ sắc màu. Du khách ngồi trên phố, nhìn ngắm các đội lân sư rồng múa xin tiền rộn ràng đi qua phố thấy mình cũng giống như con trẻ khấp khởi chuẩn bị vào hội Trung thu. Đã từng tồn tại ở Hội An một kiểu văn hóa pha trộn đặc trưng của các vùng đất có lịch sử lâu đời giao thương buôn bán. Thị cảng cổ Hội An tiếp nhận và hòa trộn nhuần nhuyễn văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nền văn hóa khác từ các hoạt động giao thương này.
Không ở đâu tồn tại một đời sống đô thị đã trở thành tài sản du lịch như ở Hội An. Văn hóa đô thị ăn sâu vào tiềm thức người dân phố Hội. Không bao giờ xảy ra ở Hội An cảnh ồn ào, xả rác, giao tiếp khiếm nhã hay là cư xử không lịch sự giữa những người dân phố Hội với du khách. Khách du lịch là cuộc sống của họ và ngược lại, người dân phố Hội là điều khiến khách du lịch hài lòng nhất khi đến Hội An.
Ở đây, những cánh cửa của các gia đình, cửa hiệu ở phố không được làm theo lối thông thường là có bản lề và lật mở, mà được ghép lại bằng những phiến gỗ xếp chồng lên. Buổi sáng mở cửa là mở toang những phiến gỗ này và đến khuya thì mới xếp lại. Đây là nét sinh hoạt hàng ngày mang tính cởi mở, thân thiện mà du khách rất thích ở những người dân Hội An.
Trong câu chuyện mà chúng tôi nói với nhau ở Hội An ngày mưa tầm tã, có phần nào bị ảnh hưởng từ hương trầm sực nức trong chiều hôm rằm và vì sự yêu mến quá đỗi đối với Hội An. Trong một tháng từ rằm tháng bảy âm lịch đến Tết Trung thu, Hội An liên tục diễn ra những sự kiện văn hóa có ý nghĩa như Ngày văn hóa Nhật, hát bài chòi, làm đèn lồng và đêm hội đèn lồng Trung thu. Những ngày mưa mặc nhiên nó đã trở thành một phần của Trung thu Hội An...
Tác giả bài viết: Thụy Văn
Nguồn tin: phapluatxahoi.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn