Từ chập tối, ngôi nhà cổ trên phố Lê Lợi đã thấp thoáng bóng dáng các cụ ông chống gậy, đeo đàn đi vào khán phòng Cung Đàn Xưa nằm sâu bên trong, nơi kê sẵn những bộ bàn ghế. Trong ánh đèn mờ ảo, các nhạc công cao tuổi say sưa chơi những bản hòa tấu lừng danh khắp thế giới như Trở về mái nhà xưa (Italia), Cánh bướm mùa xuân (Pháp), Dừng bước giang hồ (Việt Nam)…
Ban nhạc của các cụ luôn là điểm đến lý thúc cho du khách. Ảnh: Nguyễn Đông |
"Tôi từ tò mò đến thán phục khi xem các cụ miệt mài biểu diễn những bản nhạc bất hủ", anh Hiếu, du khách Hà Nội, nói. Một cặp vợ chồng người Pháp rảo bước qua cũng lán lại nghe liền 5 bản nhạc, rồi quay phim, chụp ảnh và hào hứng vỗ tay.
Cụ La Gia Quảng (86 tuổi) cho biết, đội nhạc hoạt động khoảng 10 năm nay với điểm diễn đầu tiên tại quán cà phê Serenade nằm trong con hẻm trên phố Lê Lợi. Người dân Hội An kéo đến kín cả quán khi ban nhạc biểu diễn tối đầu tiên. Sau này các cụ chuyển đến địa điểm mới với cái tên đầy chất nhạc: Cung Đàn Xưa. Hiện ban nhạc gồm ba nhạc công và một ca sĩ, người lớn nhất đã 86 tuổi, trẻ nhất cũng 62. Để luôn hấp dẫn khách du lịch, các cụ chỉ biểu diễn từ 19 đến 21h tối 14 âm lịch hay ngày rằm.
* Clip: Ban nhạc U90 hòa tấu bản Histoire D'un Amour |
Là cháu ruột của cố nhạc sĩ phố Hội La Hối, người nổi tiếng với kiệt tác Xuân và tuổi trẻ và là thầy của những tên tuổi âm nhạc như Hoàng Tú Mỹ, Dương Minh Ninh, Hoàng Hữu Tiết..., cụ Quảng làm quen với piano, guitar bass từ bé. Ở Hội An này, cụ đã đào tạo ra không biết bao nhiêu thế hệ chơi piano và niềm đam mê âm nhạc vẫn được cụ thể hiện hết mình bằng đôi tay già nua rải đều trên phím đàn.
"Đàn liên tục 2 tiếng, đôi tay mỏi rã rời, vậy mà mỗi khi kết thúc chương trình, tôi vẫn muốn chơi thêm vài bản nữa", cụ Quảng cười tươi để lộ bộ răng khuyết. Hai con trai cụ giờ cũng theo nghề đàn piano, biểu diễn ở hầu hết chương trình văn hóa nghệ thuật ở phố cổ ven sông Hoài này.
Đồng nghiệp của cụ Quảng là cụ Thái Chi Hao (86 tuổi) với sở trường chơi accordéon, cho biết việc biểu diễn trong đêm phố cổ giúp cụ nhớ lại kỷ niệm thủa ấu thời. Theo cụ Hao, trước những năm 1960, Hội An lúc nào cũng sống trong không khí âm nhạc, từ em nhỏ cho đến cụ già cứ mỗi tối lại ngồi bên hiên nhà chơi mandolin hay đánh những bản hòa tấu…
"Người Pháp rất thích thú với không khí âm nhạc nơi đây. Ngày đó Hội An chỉ có xe đạp chứ không nhiều xe máy như bây giờ, nhờ vậy mà tiếng đàn xưa thánh thót hơn chứ không bị pha tạp bởi âm thanh của động cơ", cụ Hao kể.
Ba nhạc công của ban nhạc là guitar Hạ Châu, phong cầm Chi Hao và piano Gia Quảng. Ảnh: Nguyễn Đông |
Đến những năm 90, Hội An dần vắng bóng âm nhạc và dường như rơi vào quên lãng. Một trong những người tiên phong khơi lại phong trào ấy là ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao thành phố Hội An. Bốn năm trước, ông Phùng đến gõ cửa mời từng nhạc công ra biểu diễn ở Cung Đàn Xưa.
"Chúng tôi mời các cụ biểu diễn nhằm khôi phục nét văn hóa, hình ảnh đẹp của phố cổ vốn có. Các cụ cũng tâm sự mong muốn được cùng nhau chơi bản nhạc mình yêu thích để quảng bá hình ảnh du lịch Hội An, nhưng không biết bắt đầu từ đâu", ông Phùng kể. Và không ai bảo ai, dù nắng hay mưa, buổi diễn nào của các cụ đều chật kín khán giả. Có người đến nghe, ngẫu hứng cũng xin vào hát một bài.
Ông Hoàng Vũ, 74 tuổi, giờ là MC kiêm ca sĩ tại khán phòng Cung Đàn Xưa kể rất mê nhạc, nhưng ngày trước ông chưa từng nghĩ sẽ đứng trên sân khấu để biểu diễn cùng các bậc đàn anh như bây giờ. Không chỉ hát hay, ông còn là tay chơi mandolin có tiếng. "Ban đầu tôi chỉ đến nghe nhạc, lên hát một vài bài cho vui, nhưng rồi theo nghiệp suốt hai năm nay", ông Vũ kể.
Người đàn ông với mái tóc bạc phơ nhưng khuôn mặt trẻ hơn nhiều so với tuổi tâm sự rằng hồi mới làm "ca sĩ", cụ Quảng chưa tin tưởng ông lắm nên gọi sang nhà tập ghép nhạc. "Hát cho anh Quảng đàn vài bài, anh ấy không đàn nữa mà bảo khi biểu diễn cứ thoải mái chọn bài để chúng tôi đàn", ông Vũ nhớ lại.
Ngồi trầm ngâm sau buổi diễn, cụ Quảng khoe đang sở hữu cây đàn piano để ngày nào cũng được thỏa sức rảo tay trên những phím đàn, nhâm nhi ly trà như một thú vui tuổi già. Tuy nhiên khi nghe bão Sơn Tinh đổ bộ vào miền Trung, cụ không dám để đàn ở nhà vì sợ nước lũ mà đem lên nhà người quen ở khu cao ráo hơn gửi tạm.
Tuổi cao, phải chống gậy đến khán phòng nhưng cụ Quảng vẫn thể hiện hết mình trên phím đàn piano. Ảnh: Nguyễn Đông |
"Chúng tôi già rồi, chơi đàn với nhau được ngày nào hay ngày đó", cụ Quảng nói. Vài năm trước, người chơi guitar trong ban nhạc là nhạc sĩ Võ Tấn Nam qua đời vì tai nạn giao thông. Thương tiếc người bạn già, ban nhạc đã nghỉ một thời gian, nhưng sau đó tiếng nhạc lại vang lên, réo rắt hơn như một cách để nhớ đến người quá cố.
Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao thành phố Hội An cho biết để duy trì hoạt động của ban nhạc là nhờ sự tâm huyết của các nhạc công cao niên. Sự kết hợp tài tình giữa tiếng piano của cụ Quảng, tiếng phong cầm của cụ Hao cùng tiếng guitar của ông Dương Hạ Châu hay tiếng hát của ông Vũ đã làm nên nét đặc trưng không lẫn vào đâu. Trước đây ban nhạc còn có thêm phần hòa âm violin của cụ Lê Khuê, nhưng vì tuổi cao, bệnh nặng nên thời gian này vắng bóng cụ.
"Chúng tôi đã gầy dựng được đội ngũ kế cận và dự kiến mở thêm nhiều điểm chơi nhạc nữa, có thể là bỏ sẵn nhạc cụ để du khách tự chơi những bản nhạc yêu thích, tạo thêm nhịp sống mỗi đêm cho phố cổ", ông Phùng ấp ủ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Đông
Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn