//

Gốm Thanh Hà - những đối tượng bảo tồn

Thứ ba - 06/09/2011 02:34

Theo Qui chế Bảo tồn, sử dụng di tích làng gốm Thanh Hà do Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An ban hành năm 2008 thì Di tích làng gốm Thanh Hà hiện nay phân bố tại khối V, phường Thanh Hà, phía Nam giáp sông Thu Bồn, phía Tây và Bắc giáp sông Lai Nghi. Nơi đây cách tỉnh lộ 608 khoảng 100m về phía Nam, cách phố cổ Hội An 3km về phía Tây, phía Bắc giáp ấp An Bang – khối 4 phường Thanh Hà,

LÀNG GỐM THANH HÀ - NHỮNG ĐỐI TƯỢNG BẢO TỒN
                                                                                   
            Theo Qui chế Bảo tồn, sử dụng di tích làng gốm Thanh Hà do Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An ban hành năm 2008 thì Di tích làng gốm Thanh Hà hiện nay phân bố tại khối V, phường Thanh Hà, phía Nam giáp sông Thu Bồn, phía Tây và Bắc giáp sông Lai Nghi. Nơi đây cách tỉnh lộ 608 khoảng 100m về phía Nam, cách phố cổ Hội An 3km về phía Tây, phía Bắc giáp ấp An Bang – khối 4 phường Thanh Hà, giáp xã Điện Phương huyện Điện Bàn ở phía Tây. Theo tương truyền vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, các vị tiền hiền các tộc Lê, Phạm, Bùi, Ngụy, Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim hầu hết là nông dân, thợ thủ công làm gốm, gạch ngói…từ Thanh Hóa, Nghệ An đến ấp Thanh Hà lập làng, làm nghề gốm tại đây. Trải qua hàng mấy thế kỷ, Làng gốm Thanh Hà đã phát triển mạnh mẽ, cung cấp các sản phẩm gốm gia dụng phục vụ sinh hoạt và cung cấp gạch ngói kiến thiết các công trình kiến trúc ở Khu phố cổ Hội An và nhiều nơi khác. Sản phẩm của làng gốm Thanh Hà đã được ghi danh trong phần thổ sản Quảng Nam ở sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán Triều Nguyễn xuất bản cách đây hơn 100 năm. Hiện nay, Làng gốm Thanh Hà vẫn duy trì sản xuất, phục vụ du khách tham quan du lịch và đặc biệt trở thành một làng nghề còn bảo tồn tốt cảnh quan làng quê, làng nghề của tỉnh Quảng Nam. Trong đó những đối tượng bảo tồn của Làng gốm Thanh Hà gồm:
             1. Về di sản phi vật thể: 
                 Hiện nay, ở Làng gốm Thanh Hà có 23 hộ làm gốm trong đó có 5 hộ làm gốm truyền thống với 6 bàn xoay chuốt gốm, 4 lò nung gốm
, 13 hộ làm con thổi, 5 hộ làm gốm mỹ nghệ và có ít nhất là 3 người buôn gốm chuyên nghiệp, 95 thợ gốm  gồm thợ làm đất, thợ chuốt, thợ đẩy, thợ lò, lái buôn gốm. Trong đó, hiện có 8 nghệ nhân lành nghề đang ở độ tuổi từ 70 tuổi trở lên đang nắm giữ kinh nghiệm chế tác sành, các tri thức dân gian chế tác gốm truyền thống bằng bàn xoay, nung gốm bằng lò bầu. Đây là đối tượng trung tâm, quan trọng để làm cơ sở cho việc bảo tồn, phát huy Làng nghề gốm Thanh Hà.
Bên cạnh đó, làng nghề còn bảo tồn lễ Tế tổ nghề gốm vào ngày mồng 10 tháng Giêng và mồng 10 tháng 7 âm lịch tại Khu miếu nghề gốm Nam Diêu. Đặc biệt trong lễ tế xuân ngày mồng 10 tháng Giêng có tục tống Long Chu, đưa ra sông Thu Bồn thả nhằm trừ điềm xấu, cầu an cho cộng đồng. Sau đó, vào ngày 12, 16 tháng Giêng, thợ gốm ở hai phổ Trung Lương, Trung Hòa của ấp  tổ chức cúng Ngũ Hành Tiên nương tại miếu phổ…. Ngoài ra, ở Thanh Hà đang còn lưu truyền hệ thống từ chuyên dụng về nghề, những tập quán tín ngưỡng, tập quán sản xuất đặc trưng của Làng gốm Thanh Hà. Nhìn chung những di sản phi vật thể của làng nghề gốm ở Thanh Hà đang được bảo tồn tốt, phản ánh đời sống snh hoạt tnh thần phong phú của một làng quê, làng nghề có sự phát triển lâu đời.
            2. Về di sản vật thể:
            - Theo Qui chế Bảo tồn, quản lý Làng gốm Thanh Hà của Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An ban hành thì quần thể di tích làng gốm Thanh Hà có 166 di tích gồm các đình làng, miếu, nghĩa trủng, nhà thờ tộc, nhà cổ, lò gốm, phế tích lò gạch, giếng thuộc 3 loại giá trị kiến trúc. Di tích loại I gồm 32 di tích tín ngưỡng hoặc nhà có kiểu dáng, kết cấu kiến trúc truyền thống hoặc bảo tồn được hệ mái ngói âm dương. Di tích loại II có 92 di tích, gồm những nhà có mái lợp ngói 22v/1m2, được xây bằng vật liệu truyền thống như gạch, vôi, kiểu dáng mặt tiền theo kiểu truyền thống, có niên đại xây dựng vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ và thời kỳ trước Đổi mới. Di tích loại III có 42 nhà gồm các công trình xây, đúc theo kiểu hiện đại hoặc là nhà tạm.
            Trong số  166 di tích có các di tích tín ngưỡng có giá trị đặc biệt sau: Đình làng Xuân Mỹ  xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1993. Khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2008, gồm có các miếu Thái Giám xây năm 1843, Miếu Tổ nghề xây năm 1866, miếu Âm Linh xây năm 1898, miếu Sơn Tinh. Miếu ấp Bộc Thủy của làng Thanh Hà xưa, di tích được đưa vào danh sách các di tích được ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam bảo vệ theo quyết định 1353/QĐ - UB, ngày 15/8/2007. Về kiến trúc nhà ở có những di tích có giá trị phản ánh sự phát triển của nghề gốm như di tích Nhà ông Lê Bàn là nhà vườn, ba gian, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX bởi một lái buôn gốm giàu có trong làng gốm lúc bấy giờ là ông Lê Từ. Ngôi nhà vườn có giá trị kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu cho loại hình nhà ở nông thôn thế kỷ XIX. Ngoài ra vào giữa thế kỷ XX, ở Làng gốm Thanh Hà có nhiều hộ làm gạch trở nên khá giả đã xây dựng nhiều nhà ở một tầng có mặt tiền mang kiểu dáng Pháp nhưng vẫn bảo tồn mái ngói âm dương.  Về các di tích lò gốm, lò gạch: Để phục vụ cho hoạt động sản xuất gốm của làng nghề, thợ gốm đã xây dựng nên nhiều kiểu lò khác nhau để sử dụng nung cho từng loại sản phẩm. Hiện nay làng gốm đang có những loại lò sau. Có 5 lò gốm truyền thống hình bầu đang sử dụng và 1 phế tích lò gốm. Ngoài ra còn có khoảng 20 lò nung gốm mỹ nghệ, nung con thổi là lò ngửa có kết cấu nhỏ. Đặc biệt hiện còn 2 phế tích lò gạch minh chứng cho một giai đoạn nghề làm gạch phát triển ở giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX. Nhìn chung di sản vật thể của Làng gốm Thanh Hà có qui mô nhỏ nhưng đa dạng, phản ánh đầy đủ các thiết chế của một làng quê, làng nghề qua nhiều giai đoạn. 
Xem xét tổng quan các đối tượng bảo tồn của Di tích làng gốm Thanh Hà là một công tác thiết thực nhằm bảo tồn tốt một làng nghề, làng quê có lịch sử lâu đời đang còn hoạt động và vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống. Qua đó, góp phần phục vụ cho công tác quảng bá phát huy, kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể nổi bật của Hội An

Tác giả bài viết: Hoàng Vinh

Nguồn tin: CAĐN


 

 Từ khóa: gốm, thanh hà, hội an, bảo tồn
Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật