//

Những khuôn hình vượt thời gian

Thứ bảy - 06/08/2011 14:03

Từ những rung cảm của một người nặng lòng với Việt Nam, Jochen Voigt (người Đức) đã quyết định tặng 125 bức ảnh cho Hội An, nơi ông từng gắn bó trong thời chiến, những khuôn hình mà ông gọi là “Nhịp cầu thời gian - ký ức của tương lai”.

Nỗi day dứt từ quá khứ

alt
Jochen Voigt.     Ảnh: HOÀNG DUY

Jochen Voigt là phóng viên chiến trường đến Việt Nam từ năm 1967, khi ấy ông chỉ mới 19 tuổi. Những tấm ảnh chụp bệnh viện Hội An với nhân vật là các nữ y tá, hay là ánh nhìn xa xăm của cô gái đứng trên “boong ke” đổ nát… sau một trận càn, tất cả xuất phát từ góc nhìn của một người thanh niên nước ngoài chưa ý thức đủ hệ lụy của chiến tranh. Nhưng gần 2.000 bức ảnh sau đó là niềm cảm thông với nỗi đau thời chiến của Jochen. Lần về Hội An này, Jochen mang theo những day dứt quá khứ để tìm sự sẻ chia. Và ông quyết định tặng những bức ảnh đã từng là ký ức của mình. “Những tấm hình không phải để khơi gợi nỗi buồn chiến tranh, tôi tặng Hội An vì các bạn chính là chủ nhân và là nhân vật trong ảnh của tôi”, Jochen chia sẻ.

alt
Nụ cười Việt Nam (Jochen Voigt)

Theo chân các đoàn bác sĩ cứu trợ của CHLB Đức, Jochen đi khắp những vùng chiến sự từ Hội An đến Khe Sanh (Quảng Trị), ra tận vĩ tuyến 17. Bằng chiếc máy Leica, Jochen đã ghi lại những hình ảnh làng mạc, ánh nhìn trẻ thơ, sự hoảng hốt của người dân sau những trận càn quét. Mỗi bức ảnh đều có một câu chuyện dài đằng sau đó. Và sự ám ảnh từ những khuôn hình khiến Jochen, dù đã ngoài 60, vẫn phải trở lại Việt Nam để làm điều mà ông hằng day dứt bấy lâu nay: đi tìm lại người con gái đã cứu sống ông trong một trận càn. “Tôi nhớ cô gái ấy tên Liên, lúc đó mới 12 tuổi. Liên đã ngăn tôi bước qua chỗ có đạn…”, Jochen nói. Lần theo những bức ảnh, Jochen trở về Hội An và bắt đầu hành trình kiếm tìm của mình. Trong suốt một tuần, ông tìm về những khu bệnh xá thương binh, khu nuôi dưỡng người có công, thậm chí tất cả những làng quê của Hội An để tìm lại người phụ nữ đó. Dòng chảy từ quá khứ chưa bao giờ ngưng trong lòng người phóng viên chiến trường đến từ thành phố Hamburg xa xôi. 

alt

Nhịp cầu thời gian

Năm 2003, Jochen trở lại Việt Nam sau hơn 41 năm. Vẫn đầy đam mê và sức dẻo dai, một mình Jochen trên chiếc xe máy rong ruổi Bắc - Nam, khám phá Việt Nam của hiện tại - những vùng đất mà thời chiến ông chưa có dịp dừng chân. Trong số những bức ảnh ấy, phần lớn các khoảnh khắc Jochen chụp lại là những vùng đất  miền Trung dãi dầu. Trong bức ảnh gần đây của mình, Jochen cung cấp cho người xem biết rằng những chiếc xe Jeep ngày trước giờ được sử dụng làm phương tiện vận chuyển du khách Mỹ khi họ đến Hội An. Bước chân của người nghệ sĩ nhiếp ảnh nặng lòng với Việt Nam đã đi dọc từ Đông sang Tây để “bắt” lại những hình ảnh nơi biên giới, cao nguyên và cuộc sống của người dân ở những vùng sâu, vùng xa. Trong 5 năm (2003 -2008), cuộc sống của một Việt Nam thời bình qua lăng kính của một nhiếp ảnh gia người Đức trở nên tươi sáng hơn.

alt
Năm 2009, Jochen Voigt tổ chức triển lãm ảnh “Nhịp cầu thời gian - ký ức cho tương lai” tại TP. Hồ Chí Minh với sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán CHLB Đức và Viện Geothe tại Việt Nam. Ngày 26.7.2011, ông đến Hội An và tặng Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích TP. Hội An 125 bức ảnh với hơn 1/3 ảnh là vùng đất và con người Hội An. Hiện nay, Jochen Voigt là phóng viên ảnh, nhà làm phim tài liệu và là tác giả nhiều đầu sách do nhà xuất bản Bruckman tại Munich ấn hành. Sách ảnh nổi tiếng nhất là “Thời khắc của Việt Nam và thời khắc của Mekong”. Jochen Voigt đã có 2 triển lãm ảnh về Việt Nam tại Đức.

Những nụ cười bất biến và xuyên suốt chiều dài thế kỷ của người Việt Nam đã bắc nên một nhịp cầu. Cuộc sống tươi nguyên qua những khuôn hình ngẫu nhiên của Jochen Voigt. Đó là nụ cười hồn hậu của các mẹ, các chị Nam Bộ, cười “nhưng nhức hạt na” của người phụ nữ Kinh Bắc thuở xưa, hay thậm chí là gương mặt phả khói thuốc của người đàn ông Trung Bộ. Dọc dải Trường Sơn, Jochen chộp được những khoảnh khắc mà nếu không phải một nghệ sĩ thứ thiệt sẽ khó lòng nhận ra. Từ đây, “những thước phim dạo đầu của một quá trình khám phá” dần dần hé lộ. Không còn là những nụ cười đơn thuần, đằng sau mỗi bức ảnh là cả một câu chuyện về vùng đất và con người. Có thể là một phiên chợ Tây Bắc rực rỡ sắc màu, một vốc hạt cà phê chưa kịp sẫm màu hay những dấu chân nhỏ xíu hằn trên bãi biển. Bằng cái nhìn tinh tế và từng trải, Jochen góp nhặt từng mảng nhỏ cuộc sống để hình thành nên bức tranh về một Việt Nam rất riêng trong mắt ông. 

alt
Các tác phẩm của Jochen Voigt.

Qua góc nhìn của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Jochen Voigt mong muốn 125 bức ảnh ông tặng Hội An lần này sẽ là cầu nối cho những suy tư về Việt Nam từ quá khứ đến tương lai, và cũng là cầu nối giữa Việt Nam với người dân Đức.

 

Tác giả bài viết: SONG ANH

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 6 đánh giá
Xếp hạng: 4.8 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật