//

Khi văn hóa và du lịch cùng hòa quyện với nhau

Thứ hai - 29/08/2011 07:50

Khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có chủ trương xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các loại hình nghệ thuật, rất nhiều các đơn vị nghệ thuật, cũng như các công ty tư nhân đã vào cuộc, xây dựng chương trình “đặc sản” để phục vụ du khách quốc tế. Mặc dù nhiều dự án hoạt động lay lắt, thế nhưng vẫn có dự án thành công đáng để học hỏi.

Có những đêm diễn chỉ bán được một vé
Đó là câu chuyện nghe chạnh lòng mà NSƯT Minh Gái, Nhà hát Tuồng Trung ương nhớ lại. Chuyện là từ những năm 2004, trên địa bàn TP. Hà Nội đã có rất nhiều đơn vị nghệ thuật cũng như các công ty tư nhân kinh doanh loại hình văn hóa nghệ thuật biểu diễn phục vụ du khách quốc tế hoạt động khá phong phú. Năm 2006, Nhà hát Tuồng Trung ương cũng đưa các trích đoạn tuồng cổ, nhã nhạc cung đình Huế, múa lân, trống hội… với sự tham gia của những nghệ sĩ gạo cội lên sân khấu của Nhà hát Hồng Hà để phục vụ khách du lịch. Thế nhưng, chưa có buổi diễn nào Nhà hát Hồng Hà chật chỗ. “Có những đêm diễn chỉ bán được một vé. Diễn viên đã hóa trang, chương trình đã lên khuôn, nên vẫn phải diễn. Hơn nữa, đôi khi vì niềm khát khao được diễn nên có một khán giả chúng tôi vẫn diễn” - NSƯT Minh Gái kể lại.
Trước những khó khăn như vậy nên trong tháng 3 và tháng 4/2011, Nhà hát Tuồng Trung ương đã đưa ra chiến lược kết hợp với mạng thông tin du lịch vietnamtourism phát động dự án "Khách du lịch khi đến Hà Nội sẽ có cơ hội được xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc miễn phí tại Nhà hát Hồng Hà” nhằm tôn vinh và giới thiệu những giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là những loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Với dự án này Nhà hát Hồng Hà, đã đầu tư công phu cho các tiết mục đặc sắc gồm các trích đoạn tuồng cổ, nhã nhạc cung đình Huế, múa lân, trống hội với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng. Chương trình diễn ra từ 18h30-19h30 vào các ngày thứ 5 và chủ nhật hằng tuần tại Nhà hát Hồng Hà. Kết quả là sân khấu nghệ thuật Tuồng có vẻ khởi sắc hơn, nhưng theo quan sát của phóng viên thì rất ít phần trăm trong số khán giả đó đến với đêm diễn vì nhu cầu thật sự, mà phần nhiều nằm trong hành trình tour của các công ty lữ hành.
Quay sang Nhà hát Chèo Hà Nội, trong năm 2010 nhà hát cũng đã nhắm đến khách quốc tế bằng chương “Trẩy hội mùa xuân”. Ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng kế hoạch chương trình, bà Trịnh Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát đã tự tin để sân khấu 15 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội sáng đèn 3 buổi/tuần. Tuy nhiên, “Trẩy hội mùa xuân” rốt cuộc cũng chỉ là cuộc làm ăn mùa vụ giữa Nhà hát Chèo Hà Nội với các công ty du lịch, chứ chưa xây dựng được những chương trình mang tính “thương hiệu” để hút khách.
Bên cạnh các đơn vị nghệ thuật Nhà nước, một số công ty tư nhân kinh doanh các loại hình văn hóa nghệ thuật cũng nhắm đến thị trường phục vụ khách du lịch như: Công ty Cổ phần văn hóa nghệ thuật Đông Đô, Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long… Nhưng những dự án đó hoặc phá sản, hoặc hoạt động lay lắt.
Thành công có thể bắt đầu từ kinh nghiệm của Hội An
Chúng ta từng có những mô hình thành công đều xuất phát từ chương trình xúc tích, ngắn gọn và đặc sắc. Ví như từ năm 2004 Nhà hát Múa rối Thăng Long đã đưa rối nước đến được với du khách quốc tế bằng các tích trò rối cổ chỉ diễn ra từ 5-7 phút, nhưng đã thu hút gần 5 vạn lượt du khách mỗi năm.
Nhưng điển hình nhất phải kể đến các chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền và các loại hình nghệ thuật dân gian được biểu diễn định kỳ hàng đêm tại các điểm biểu diễn nghệ thuật và ngay trên phố cổ Hội An, đã làm cho không biết bao du khách “nặng lòng” khi ra về.
Những chương trình nghệ thuật ở Hội An không phải biểu diễn trong những khán phòng sang trọng mà mỗi góc phố là một sân khấu trình diễn. Những chương trình này hoàn toàn miễn phí và do các diễn viên quần chúng biểu diễn, mời chào du khách cùng tham gia trình diễn. Chính quyền và cơ quan quản lý sẽ trực tiếp điều phối, cân đối thu chi từ nguồn thu của việc bán vé tham quan phố cổ. Đáng kể ra nhất là Đội nghệ thuật cổ truyền Hội An trực thuộc Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An, vốn là một đơn vị sự nghiệp có thu của UBND TP. Hội An. Từ nhiều năm nay, hơn 150 diễn viên, nhạc công và cộng tác viên của đội thông tin lưu động đã biểu diễn hàng trăm tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như: hô hát bài chòi, các tiết mục dân ca Quảng Nam, dân ca Trung Trung bộ và các làn điệu dân ca quốc tế của 12 nước có mối quan hệ bang giao với Hội An trong quá khứ và hiện tại… đã làm cho không ít khách du lịch quốc tế hoãn các chương trình tour khác để ở lại Hội An hoặc nán đi nán lại tới 4, 5 ngày thay vì kế hoạch ở Hội An 2-3 ngày như dự định. Còn các nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền ở Hội An thì không đêm nào vắng cả khách tây và ta.
Chính những điều đó khiến cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Hội An trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng. Rõ ràng, ở đây, văn hóa và du lịch đã hòa quyện với nhau để cùng hướng đến mục tiêu quảng bá, thu hút du khách. Và nghệ thuật dân tộc, với việc biết khai thác, kết hợp đã trở thành những sản phẩm du lịch giữ chân du khách khi đến Hội An./.

Tác giả bài viết: Gia Anh – Thanh Tâm

Nguồn tin: vnexpress.net


 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật