//

Truyền nhân của làng nghề

Thứ sáu - 17/02/2012 15:34

Chúng tôi bước lên chuyến đò ngang nối Cẩm Kim và phố cổ Hội An, để đến với làng mộc Kim Bồng nổi danh một thời. Chỉ mất mươi phút ngồi giữa mênh mông sóng nước sông Hoài, Kim Bồng chào đón chúng tôi bằng những tiếng đục, đẽo và cả những tiếng cười lan trên mặt nước, át cả tiếng động cơ của những chuyến đò chiều.


Những xưởng đóng tàu còn lại của làng nghề
Từ ánh hào quang của quá khứ...
Theo đường trải bê tông phẳng lì, chúng tôi đến với những cơ sở mộc. Bên bến sông, những chiếc thuyền được đóng mới, được sửa chữa nằm trải trên những đường ray sóng sông Hoài vỗ oàm oạp.
Nghề mộc của làng có nguồn gốc từ miền Bắc lan truyền vào đây từ thế kỷ 15. Qua quá trình giao lưu, tiếp biến và học hỏi, các nghệ nhân mộc Kim Bồng xưa đã tiếp thu nhiều nét tinh hoa của truyền thống điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản… kết hợp với tài hoa điệu nghệ của mình để làm nên những sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học. Làng xưa, nổi tiếng về nghề mộc. Hầu hết các kiến trúc cổ kính của Hội An từ những ngày vàng son của thương cảng mậu dịch quốc tế Hội An thủa trước đều do bàn tay tài hoa của cha ông dựng nên.
Người dân nơi đây luôn tự hào với việc cha ông được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm, đền đài, miếu mạo.
Đến thế kỷ 18, nghề phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng với ba nhóm rõ rệt: mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và nghề đóng tàu, thuyền mộc. Những tác phẩm chạm khắc của họ trên các đầu kèo, trên xiên, trên trính, trên án thư, bàn thờ và cả bàn ghế, tủ, khay… đều là những kiệt tác mà bất cứ ai được trông thấy cũng phải trầm trồ ngợi khen và thán phục. Với tay nghề thành thạo, những đường đục tinh xảo trên từng thân gỗ, người thợ Kim Bồng xưa thổi hồn mình vào trong từng tác phẩm. Mỗi sản phẩm làm ra đều mang tâm huyết của người thợ; mỗi hoa văn trên sản phẩm là cái nhìn mỹ học của một người, không ai giống ai, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, không hoa văn nào giống hoa văn nào… Tâm huyết, trí tuệ của người nghệ nhân được truyền qua đôi bàn tay, làm nên những tuyệt phẩm. Đó cũng chính là nét độc đáo làm nên sức sống của làng mộc Kim Bồng nổi tiếng.
...tìm một lối đi mới
Trải qua bao biến cố lịch sử và sự hưng thịnh của thương cảng cổ Hội An, người dân làng mộc bây giờ đang phải chật vật với nghề. Nếu trước đây, Cẩm Kim có hơn 20 trại đóng tàu thì nay chỉ còn 3 trại đang hoạt động nhưng rất cầm chừng. Trước sự đi xuống rất rõ của nghề, các chủ trại đóng mới tàu thuyền đã linh động kết hợp với công việc “làm nước” (sửa chữa) cho tàu thuyền cũ nhưng công việc này không đem lại hiệu quả kinh tế do đầu vào rất ít nên chỉ có thể cầm cự qua ngày. Một số ít các chủ trại đóng tàu đã chuyển sang đóng ghe nhỏ, bán lại cho khách hàng cần mua, nhưng công việc này cũng không mấy triển vọng.
Cùng với sự phát triển du lịch, một bộ phận nghệ nhân mộc Kim Bồng đã chuyển sang làm mộc mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch. Đó là các loại tượng gỗ và đồ gỗ dùng phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, làng nghề Kim Bồng có một cơ sở dạy nghề và đào tạo được các khóa học, nhiều người đã thành nghề. Giờ đây, nghệ nhân mộc Kim Bồng không còn làm ăn quẩn quanh, bó hẹp trong làng mà đã phát triển mạnh, hình thành khu làng nghề tại xã Cẩm Kim, TP Hội An.
“Truyền nhân” đời thứ 13 của làng nghề, anh Huỳnh Sướng
 
Những truyền nhân làng nghề
Đến với cơ sở suất của nghệ nhân Huỳnh Ri - truyền nhân đời thứ 12 của mộc Kim Bồng - người cuối cùng còn lưu giữ lại vốn nghề truyền thống của làng Kim Bồng khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi gặp anh Huỳnh Sướng, con trai ông Huỳnh Ri – người “sẽ” là truyền nhân đời thứ 13 của làng nghề này.
Trong một không gian rộng chừng trăm mét vuông chất đầy tác phẩm mỹ nghệ được niêm yết giá bằng USD, một người đàn ông nhỏ nhắn tinh anh, ăn mặc giản dị, đó là anh Huỳnh Sướng. Anh kể: năm 1992, anh từng bỏ quê vào Sài Gòn làm nghề mộc và kiếm được 200.000 đồng mỗi ngày, một mức lương khá cao ở thời điểm đó, nhưng thấy mình còn nặng nợ với nghề gia truyền nên anh đã quay về, cùng cha và người anh thứ hai mở xưởng. Năm 1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới, việc trùng tu đặt ra nhu cầu quá lớn. Công việc của hai cha con anh lên như “diều gặp gió”.
Từ một cơ sở chế tác gia đình, cha con anh đã tập hợp cả làng Kim Bồng chung tay góp sức, thành lập nên HTX Kim Bồng với hơn 20 cơ sở chế tác, vừa tham gia trùng tu Hội An vừa làm ra đủ loại hàng hóa phục vụ thị trường khách du lịch.
Tuy làm từ việc gia công, bán sản phẩm gia dụng như bàn ghế, giường tủ và các đồ trang trí, tượng đến làm mộc xây dựng, kiến trúc hay trùng tu nhà cổ... nhưng cho thu nhập chưa cao. Anh chia sẻ: “Nếu làm đồ công nghiệp, thu nhập sẽ gấp nhiều lần bây giờ. Nhưng không vì thế mà có thể bỏ nghề của cha ông. Mình phải làm cái của mình, cái có bản sắc chứ không thể gia công. Làm gia công thì còn gọi gì là làng nghề nữa chứ?!”
Nhìn những sản phẩm của xưởng được làm từ đôi bàn tay của nhiều thế hệ mô phỏng những thứ quá đỗi thân thuộc với người nông dân Việt Nam như bụi trúc, bờ tre, vườn tược, phên liếp, gáo nước... anh Sướng vui sướng nói: “Tôi muốn lựa một hướng đi của riêng mình không giống với thợ mộc ở nơi khác, đấy là đem hồn Việt thổi vào từng tác phẩm, nói cách khác là "Việt hóa" các tác phẩm. Đưa “hơi thở” văn hóa Việt nam vào trong từng thớ gỗ. Nếu khai thác được tiềm năng, phát huy cái riêng độc đáo của văn hóa Việt Nam, hàng mỹ nghệ truyền thống không lo bị ế!".
Câu nói ấy quả đúng, bởi các sản phẩm của làng mộc Kim Bồng đã trở thành một trong những thương hiệu đắt giá nhất trong số các thương hiệu làng nghề không chỉ ở Quảng Nam mà còn vươn ra Châu Âu, Châu Mỹ, xâm nhập những thị trường cực kỳ khó tính như Nhật Bản, Đức...

Tác giả bài viết: Bùi Hữu Cường

Nguồn tin: thethaovanhoa.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật