//

Những người đi tìm hồn của đất

Thứ sáu - 24/02/2012 07:31

Có người gọi những nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An - Quảng Nam) là “những người đi tìm hồn của đất”. Từ những hòn đất vô tri vô giác, dưới đôi tay tài hoa của các nghệ nhân làng gốm, chúng bỗng trở thành những sản phẩm gốm đặc sắc và giữ cho làng gốm 500 năm tuổi luôn đỏ lửa.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Được đang trình diễn cách làm gốm mỹ nghệ.
Trầm tích làng nghề
 
Những người dân địa phương trong làng kể lại, làng gốm Thanh Hà có nguồn gốc từ xứ Thanh- Nghệ, truyền vào từ thế kỷ XV. Trải qua mấy thế kỷ thăng trầm, cư dân địa phương đã không ngừng lao động sáng tạo, dựng làng lập ấp, trau dồi thủ nghệ, khiến cho danh tiếng làng gốm nức tiếng gần xa.
 
Từ thế kỷ XVI - XVII, làng gốm Thanh Hà đã rất thịnh, nổi tiếng với các mặt hàng gốm, đất nung. Chính những thợ gốm Thanh Hà đã cung cấp gạch, ngói lợp, ngói lát nền cho các ngôi nhà cổ Hội An và những khu vực lân cận. Từ đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của họ, những chiếc lọ hoa xinh xắn, bình trà, bình rượu, ấm, chum, vại lần lượt ra đời. Trải qua thời gian, đã có những giai đoạn làng gốm Thanh Hà dường như bị quên lãng. Nhưng với tâm huyết của những bậc cao niên, gốm Thanh Hà dần hồi sinh.
 
Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Hoàng Thị Năm, người có thâm niên hơn chục năm làm gốm,ở tổ 25, khối 5, phường Thanh Hà. Căn nhà 5 gian của chị xếp bề bộn, ngổn ngang các sản phẩm gốm. Chị tâm sự: “Làm nghề gốm rất vất vả mà thu nhập lại chẳng được là bao. Muốn có đất nặn, gia đình tôi cũng như mọi người trong làng phải lặn lội sang tận xã Điện Phước (huyện Điện Bàn) để mua với giá 200.000 đồng/ghe. Sau đó mang về ủ đất để giữ độ ẩm cần thiết, trước khi tạo ra sản phẩm phải nhồi, đánh cho đất “chín” rồi mới mang ra nặn. Sau khi nặn thành sản phẩm, phải mang ra phơi nắng 1 ngày rồi “làm nguội” để tạo ra những hoa văn hoặc hoàn thiện những chi tiết tinh xảo, sơn vẽ lên sản phẩm, cuối cùng mới đưa vào lò nung. Tuy vất vả là thế nhưng một ngày nhà tôi cũng chỉ bán cho các đại lý khoảng 200 con tò he với giá 700 đồng/con”.
Chị Năm giới thiệu các sản phẩm gốm hình 12 con giá.
 
Gia đình anh Nguỵ Trung có 4 đời làm gốm. Anh cho biết: “Trước kia, làng gốm đông vui và nhộn nhịp lắm, ngày nào cũng “ngạt thở” vì khói nung. Nhưng bây giờ, người làm nghề cứ thưa dần. Có lẽ cũng vì tiền công lao động quá thấp nên nhiều gia đình đã bỏ nghề làm gốm để quay sang buôn bán kiếm kế sinh nhai”.
 
Tự sự của người làng gốm
 
Hiện nay, du lịch làng nghề đang trở nên phổ biến và có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Chính vì vậy, làng gốm Thanh Hà đang trở thành một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo khách ghé thăm mỗi khi họ dừng chân tới phố cổ. Các sản phẩm đặc trưng của gốm Thanh Hà như: các chú tò he đại diện cho 12 con giáp, những chú heo đất hay mục đồng cưỡi trâu, hình chùa Cầu... đã tạo nên vẻ đẹp riêng, mang đậm bản sắc và con người xứ Quảng. Tuy nhiên, làm sao để lưu giữ được làng nghề truyền thống khỏi bị mai một là nỗi lo lắng, trăn trở của những người dân làng gốm. Do đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu để phục vụ khách du lịch làm quà lưu niệm, nên người dân trong làng cứ bỏ “nghiệp” dần. Anh Trung bày tỏ: “Ngoài việc phát triển nghề dựa vào du lịch, chúng tôi còn mong muốn tìm hướng đi vững chắc cho sản phẩm như: sản xuất các sản phẩm gốm mỹ thuật tinh xảo dành cho xuất khẩu và phục vụ công tác trùng tu, xây dựng các công trình kiến trúc cổ tại Hội An”.
 
Cứ đến ngày 10 tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân Thanh Hà lại tổ chức lễ hội làng gốm. Lễ hội làm cho bà con phấn chấn mà gắn bó với nghề hơn, dù khó khăn mấy cũng không quên luyện đôi tay, đắp cái lò cho nhanh, cho khéo. Mong rằng, các nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà sẽ vẫn vững tin giữ nghề, tìm hướng đi cho tương lai, dẫu con đường phía trước còn nhiều gian khó.

Tác giả bài viết: Trần Hoàng Anh

Nguồn tin: doanhnghiepvn.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật