//

Hành trình từ miền quá khứ

Thứ hai - 06/02/2012 20:47

Hành trình du lịch Quảng Nam 15 năm qua được ví như câu chuyện cổ tích được viết ở thì hiện tại…

alt
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại  Chùa Cầu Hội An. Ảnh: T.D

Nỗ lực không mệt mỏi

15 năm. Khoảng thời gian đủ dài để đánh thức không ít vùng đất khô cằn, hoang hóa, cũ xưa… hoặc bị bỏ quên bên đường thiên lý. Nếu “cổ tích du lịch” mang phép màu đến chậm 15 năm thì Hội An và Mỹ Sơn sẽ không được mấy người biết nằm ở đâu trên bản đồ du lịch. Những căn nhà cổ bị thời gian và mối mọt gặm nhấm từng ngày, có thể đổ sập bất cứ lúc nào chắc chắn cuối cùng cũng phải bị dỡ bỏ dưới mưa nắng thất thường miền Trung, dù có yêu đến mấy. Một Mỹ Sơn sẽ mãi khuất chìm giữa cỏ thời gian, vắng những cuộc khai quật, trùng tu. Một viên ngọc thô Cù Lao Chàm cách biệt với dòng chảy giao thông, mỗi ngày chỉ một chuyến đò vào ra ngày biển lặng… 

Giờ đây, di sản Hội An được đánh giá là một thành phố có tiềm lực kinh tế, môi trường du lịch vào loại nhất nước. Những mái ngói âm dương, giếng nước đầu con phố dài hun hút gió len giữa những ngôi nhà kín cửa, im lặng hàng thế kỷ đến những con hẻm chật chội, rêu phong… đã biết bày cuộc vui, níu chân người du lãng. Dân cù lao giàu lên với danh phận khu dự trữ sinh quyển thế giới đã “gần” hơn theo những chuyến tàu cao tốc ghé đảo mỗi ngày. Vùng đất hoang vu như sa mạc dọc biển đã trở thành một “con đường”, “thành phố” đầy những khu nhà nghỉ dưỡng cao cấp. Một Mỹ Sơn từng ngày thao thức trong giấc mơ bảo tồn. Và một Trường Sơn đại ngàn mời người dự phần vào những chuyến viễn thám…

15 năm ấy, kể từ 13 khách sạn (hơn 500 phòng) năm 1997, doanh thu 20 tỷ đồng với 227 ngàn lượt khách đã tăng đến 108 khách sạn (3.510 phòng), doanh thu hơn 1.070 tỷ đồng với 2,53 triệu lượt khách năm 2011. Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng lượt khách tham quan và lưu trú là 18,80%/năm  và doanh thu du lịch 32,74%/năm. Theo nhận định của các nhà quản lý du lịch, lượng du khách đến Hội An và Mỹ Sơn chưa đạt đến mức “kỷ lục” để gây ra sự đảo lộn hoặc tạo áp lực cho công cuộc bảo tồn. Phát triển hiện tại vẫn chưa ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, chưa đến mức độ báo động hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và lệch đi các giá trị văn hóa… Chính quyền sở tại loan báo rằng phố cổ vẫn thân thiện, mến khách, tiếp tục giới thiệu du khách gần xa về văn hóa đậm chất Quảng Nam đang từng ngày được lưu giữ giữa đời sống cộng đồng.

Hành trình tiếp nối…

Hình ảnh Quảng Nam đã “bay” trên bầu trời thế giới đủ để ngành du lịch địa phương hy vọng về những cuộc thay đổi trong mắt bè bạn khắp nơi. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng thừa nhận là vẫn còn quá nhiều hạn chế trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Hạn chế đầu tiên phải kế đến là công tác nghiên cứu thị trường chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Không có các đợt khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thị trường du lịch Quảng Nam một cách quy mô và thực sự thiếu chuyên nghiệp nên chưa thể có được một chiến lược xúc tiến, đầu tư dài hạn. Chưa kể đến tình trạng các sự kiện văn hóa, du lịch vẫn như “bổn cũ soạn lại”, chưa được đổi mới, sáng tạo; chưa có kế hoạch quảng bá tốt các lễ hội dân gian; thiếu kinh phí cho hoạt động xúc tiến; nhân lực xúc tiến yếu và thiếu lẫn sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương liên vùng dù đã được ký kết vẫn còn quá lỏng lẻo, dẫn đến hoạt động này không đạt như ý muốn và chưa tương xứng với tài nguyên sẵn có của Quảng Nam.

Một chiến lược phát triển tổng thể Quảng Nam đã được định hình. Du lịch được chọn là ngành kinh tế ưu tiên của Quảng Nam trong nhiều năm tới. Tham vọng không chỉ của chính quyền, nhà quản lý du lịch mà của cả hầu hết người dân là biến Quảng Nam trở thành một trung tâm du lịch tại miền Trung. Vì vậy, quan điểm của các nhà hoạch định chính sách là phát triển du lịch phải theo hướng mở rộng về văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc hơn theo tam giác vàng di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cù Lao Chàm; dọc theo đường Hồ Chí Minh và phân khúc các khách hàng khác nhau… Vấn đề quan trọng là chính quyền nên có những ưu đãi cho các nhà khai thác tour địa phương. Việc phát triển cơ sở hạ tầng phải bắt đầu từ kế hoạch nâng cấp các tuyến đường giao thông, tạo sản phẩm hàng hóa từ nông nghiệp và các làng nghề; phát triển công nghiệp xanh ở ven biển, miền núi, quy hoạch du lịch về sinh thái... 

Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL, mở rộng du lịch văn hóa về phía nam Thu Bồn và ngược lên các vùng phía tây là một lựa chọn đúng đắn. Chiến lược được xem là có đủ khả năng để tạo một con đường mới cho du lịch Quảng Nam phát triển một cách hệ thống và bền vững. Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL xác nhận rằng để thực thi chiến lược, cần có con người đủ kỹ năng quản lý và truyền cảm hứng cho cộng đồng phát triển du lịch. Sở đã lên kế hoạch mỗi năm sẽ đưa 2 cán bộ ra nước ngoài đào tạo nghiên cứu sinh về du lịch. Đến 2015, mỗi năm khoảng 100 cán bộ được bồi dưỡng, đào tạo về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ du lịch. “Mục tiêu lớn nhất là sẽ tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước; tổ chức nhiều sự kiện thu hút khách vào mùa thấp điểm, giao mùa ; mở các loại hình du lịch sông nước; đẩy mạnh công tác tiếp thị, tiếp cận thị trường khu vực, phân khúc thị trường hướng tới đối tượng khách có kiến thức văn hóa, chi tiêu cao, tăng thời gian lưu trú. Để thực thi chiến lược này không còn con đường nào khác là đa dạng hóa sản phẩm hấp dẫn và định vị thương hiệu đặc thù Quảng Nam. Bởi quản lý du lịch bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc nhưng vẫn giữ cái hồn di sản chính là sắc thái, đặc thù riêng biệt của Quảng Nam. Điều này đã hấp dẫn các nhà đầu tư” - ông Đinh Hài nhấn mạnh.

 

Tác giả bài viết: TÙY PHONG

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn