//

Diện mạo mới Cẩm An

Thứ tư - 22/12/2010 10:22

Hàng trăm ngư dân ở phường Cẩm An (TP.Hội An) bỏ nghề đã khiến cho nhiều người lo ngại. Thế nhưng, đây lại là tín hiệu khả quan trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

 

 

alt
Hơn 3,5km bờ biển ở Cẩm An là nơi thường xuyên diễn ra các chương trình tour du lịch.

Từ nhiều năm nay, ngư nghiệp là ngành chủ lực trong cơ cấu kinh tế của Cẩm An khi mỗi năm địa phương khai thác được hàng nghìn tấn hải sản. Thế nhưng gần đây, hơn 500 ngư dân đồng loạt bỏ nghề, 28 tàu thuyền có công suất lớn cũng đã bị thanh lý làm cho cơ cấu kinh tế ở đây thay đổi. Theo ông Võ Nễ - Bí thư Đảng bộ phường Cẩm An, thời tiết diễn biến bất thường, giá xăng dầu tăng cao, thị trường hải sản biến động khiến ngư dân có tâm lý ngại ra khơi đánh bắt. Mặt khác, lao động trẻ trong ngành khai thác hải sản chuyển mạnh sang những nghề trên bờ; thêm vào đó, phần lớn lao động đi biển đã lớn tuổi, không đủ sức vươn khơi. “Nguyên nhân chính của tình trạng ngư dân bỏ nghề là do quá trình phát triển đô thị đang diễn ra mạnh mẽ tại địa phương” - ông Nễ nói.

“TP. Hội An cần tạo điều kiện cho một số hộ ngư dân còn gắn bó với nghề vay vốn đầu tư đánh bắt và mở các lớp đào tạo nghề cho con em Cẩm An. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng cần ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với người dân, có như thế sự phát triển mới bền vững” (ông Võ Nễ - Bí thư Đảng bộ phường Cẩm An).

Năm 2008, Cẩm An chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ ngành ngư nghiệp sang du lịch - dịch vụ - thương mại làm mũi nhọn. Chỉ sau 2 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu kinh tế của địa phương đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ và tích cực. Kinh tế dịch vụ - du lịch - thương mại phát triển khá mạnh, chiếm 73% GDP. Đến nay, phường đã có 3 khu resort từ 3 - 5 sao cùng một khu du lịch sắp đưa vào hoạt động, thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, lưu trú. Hiện Cẩm An là một địa chỉ hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Tại đây có mạng lưới dịch vụ du lịch đa dạng loại hình kinh doanh, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách và giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Trong năm 2009, giá trị sản xuất của ngành du lịch đạt gần 28 tỷ đồng, tăng gần 75% so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân của nhóm ngành đạt 15%/năm.

Đại hội Đảng bộ phường Cẩm An lần thứ 16, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định cơ cấu kinh tế của địa phương là: du lịch, dịch vụ, thương mại - ngư - nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Theo ông Lê Tấn Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An, cơ cấu này được lựa chọn trên cơ sở ngành du lịch - dịch vụ - thương mại đã và đang có chiều hướng phát triển mạnh, góp phần quyết định vào sự tăng trưởng chung. Năm năm qua, hạ tầng cơ sở được đầu tư, đô thị được chỉnh trang; công tác giải tỏa, đền bù cũng được triển khai có hiệu quả. Đường dẫn cầu Cửa Đại đi qua địa phương sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ. Thêm vào đó, bãi tắm An Bàng, chợ An Bàng đang được đầu tư mở rộng. Địa phương đang xin chủ trương hình thành một vài bãi tắm mới và công viên ven biển. Mặt khác, các phân khu tái định cư, khu đô thị An Bàng hoàn thành là những khu đô thị mới, thu hút nhà đầu tư đến làm ăn. Đây là cơ sở tạo sự cộng hưởng để nhiều loại hình dịch vụ được mở ra, hoạt động thương mại ngày càng đa dạng và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch. 

Hệ quả tất yếu của quá trình phát triển đô thị đã ảnh hưởng đến lĩnh vực ngư - nông nghiệp. Đặc biệt, diện tích nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đã bị thu hẹp. Năm 2005, toàn phường có hơn 1.000 người tham gia lao động trực tiếp trong ngành ngư nghiệp trên tổng số 3.300 lao động nhưng đến năm 2009 chỉ còn 585 người. Tỷ trọng ngành ngư - nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm từ 41% (năm 2005) xuống còn 25% (năm 2009). Dự kiến trong 5 năm đến, tỷ trọng giá trị ngành nông nghiệp chỉ còn khoảng gần 10% GDP toàn phường.

Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Cẩm An vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Theo ông Võ Nễ, tiềm năng phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ - thương mại tại Cẩm An rất lớn, nhưng để quá trình chuyển dịch diễn ra thành công địa phương cần phải có “cuộc cách mạng trong tư tưởng” về vấn đề giải tỏa, đền bù. Phải tuyên truyền, vận động, giải thích các chủ trương, chính sách của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, làm cho người dân nhận thức được việc giải tỏa, bàn giao đất cho các dự án phát triển du lịch, phát triển đô thị cũng là trách nhiệm của người dân đối với địa phương. Hiện nay, mặt bằng lao động có tay nghề tại Cẩm An còn thấp so với nhiều địa phương khác nên việc liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn mở các lớp nghề dịch vụ du lịch cho người dân là cần thiết...

Tác giả bài viết: QUỐC HẢI

Nguồn tin: www.zing.vn


 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật