Đã trở thành hoạt động truyền thống trong nhiều năm qua, năm nào các xã phường trên địa bàn TP.Hội An cũng tổ chức hội thi hô hát bài chòi (trừ 2 năm bùng phát đại dịch Covid-19) và đạt được thành công hơn mong đợi. Hội thi các cấp đã thu hút, giới thiệu được lực lượng quần chúng tham gia diễn xướng, có triển vọng trở thành những anh hiệu, chị hiệu tài năng trong tương lai nếu thường xuyên được cọ xát rèn luyện. Hội thi cũng đã tạo được hấp lực mạnh mẽ đối với đông đảo nhân dân và du khách trong cũng như ngoài nước đến thưởng thức, tìm hiểu loại hình nghệ thuật đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này. Lồng ghép trong các chương trình tổng hợp giao thừa đón năm mới, Tết Nguyên đán hằng năm luôn có các hoạt cảnh, tiết mục hô hát bài chòi đố vui cũng tạo sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và khách du lịch. Điều đó thể hiện ý thức “lần trong di cảo” và sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo của những người làm công tác văn hóa – văn nghệ trên địa bàn thành phố.
Từ chỗ chỉ là trò chơi dân gian, Hội An đã dựng thành những tiết mục nghệ thuật hoàn chỉnh đúng phong cách “diễn xướng dân gian bài chòi” và liên tục được cử tuyển hoặc mời chọn tham dự các liên hoan nghệ thuật dân gian, dân ca cấp khu vực cũng như toàn quốc. Liên tục nhiều năm qua, bài chòi Hội An còn được mời diễn giao lưu văn hoá quốc tế, từ Châu Á sang Châu Âu rồi đến Châu Úc… Hiện nay, trò chơi bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân và du khách thập phương khi đến tham quan, thưởng lãm khu phố cổ – di sản văn hoá thế giới hoặc qua trang Fanpage Visit HoiAn. Những thước phim tư liệu của hồ sơ quốc gia Nghệ thuật bài chòi đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng được quay nhiều cảnh và hoạt động ở Hội An. “Trong quá trình làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận di sản bài chòi là di sản phi vật thể của nhân loại thì Hội An trở thành một bộ phận rất quan trọng trong việc thực hành văn hóa bài chòi, tức là thực hành trò diễn bài chòi trong đời sống đương đại”, Thạc sĩ văn hóa Phùng Tấn Đông trao đổi.
Ở Hội An, song song với việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, các ngành quản lý và bảo tồn cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát huy kết hợp hài hòa với các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư như Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu, giá trị các làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như dân ca, hát bả trạo, hát tuồng và nghệ thuật đương đại như thơ, ca nhạc, họa… để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch riêng có.
Các tài nguyên văn hóa, tài nguyên nhân văn, tài nguyên thiên nhiên ngày càng được nhận diện sáng tỏ. Trong đó việc kết nối Di sản văn hóa thế giới – khu phố cổ với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống đã có những kết quả đáng mừng. Các sản phẩm làng nghề truyền thống, yến sào, đèn lồng, ẩm thực cùng với chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, Hội đèn lồng… đã trở thành những sản phẩm văn hóa – du lịch đặc trưng, hấp dẫn…
Việc bảo tồn và khai thác du lịch ở các làng nghề: yến Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế theo hướng giữ gìn nguyên vẹn cảnh quan, không gian sinh động của làng nghề để tạo thành điểm du lịch cho du khách hay trình diễn, giới thiệu các công đoạn, các sản phẩm của nghề trồng rau, chuốt gốm, chạm trỗ gỗ, may mặc, làm lồng đèn… là hướng đi đúng đắn, đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Mới đây, ngày 22/2/2024 việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó, TP.Hội An có thêm 2 nghề thủ công truyền thống là nghề đan võng ngô đồng xã Tân Hiệp và nghề làm nhà tre, dừa (xã Cẩm Thanh) càng hứa hẹn nhiều tiềm năng, tạo cơ hội phát triển cho các nghề truyền thống, mang đậm giá trị bản địa, đang được người dân và du khách ưa chuộng.
Theo các nguồn tư liệu thư tịch, hoạt động nghề truyền thống ở thương cảng cổ Hội An xưa rất nhộn nhịp, với khoảng hơn 50 nghề tập trung vào 4 nhóm gồm: thủ công mỹ nghệ, dịch vụ khai thác, chế biến gia công và nhóm nghề đặc biệt. Vì vậy, ngoài 2 khu trưng bày Lịch sử – Văn hoá và Truyền thống Cách mạng, thành phố còn lập thêm 4 bảo tàng chuyên đề gồm: bào tàng Gốm sứ mậu dịch, bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, bảo tàng Văn hoá dân gian, bảo tàng Nghề y truyền thống và 1 phòng trưng bày gốm Chu Đậu, phục vụ cho hàng triệu du khách đến tham quan, nghiên cứu. Hoạt động của các bảo tàng chuyên đề đã tạo được một bản đồ du lịch thu nhỏ, thuận tiện cho du khách khi đến tham quan phố cổ, góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi với bè bạn gần xa những giá trị văn hóa nghề của di sản văn hoá thế giới – khu phố cổ và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Thạc sĩ văn hóa Nguyễn Chí Trung – nguyên Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho rằng, các hiện vật, di vật, báu vật, cổ vật là một trong những yếu tố cấu thành di sản phố cổ. Nếu thiếu những di vật, báu vật, cổ vật này thì giá trị kiến trúc và văn hóa sẽ giảm đi. “Nó như một vật chứng sống để tìm hiểu thêm về Hội An. Rất may là gắn với các bảo tàng chuyên đề, du khách đến tham quan Hội An rất thuận lợi có thêm trải nghiệm, tìm hiểu các di vật, cổ vật trong các bảo tàng”, ông Trung nói.
ĐỖ HUẤN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn