Mạc nạm
Món ăn có cái tên lạ lẫm này chắc chắn sẽ gây tò mò bất kỳ ai. Nạm là phần thịt có gân, nhiều nạc ít mỡ của thịt bò, được làm sạch, ướp kĩ bằng mấy vị thuốc Bắc mà chỉ có người nấu mới biết, bởi đó là bí quyết riêng. Mạc nạm là món ăn nấu từ gân, gầu, bắp bò... tất cả được ninh chín mềm, thấm đẫm gia vị. Nước mạc nạm sền sệt màu hổ phách, sóng sánh, dậy mùi thơm thuốc Bắc.
Người ta thường ăn nạm mạc nóng với bánh mì con cóc, loại bánh mì chỉ to khoảng nắm tay. Chấm miếng bánh mì vào nước sốt óng ánh, ăn cùng miếng thịt mềm thơm, hương vị hấp dẫn của mạc nạm sẽ không làm thực khách thất vọng. Tuy nhiên hiện nay, hầu như không còn nơi nào nấu đúng hương vị mạc nạm từ xưa nữa. Ở Hội An, có một số nơi bán bò kho, cà ri, đều là những món hơi giống mạc nạm, nhưng với những người sành ăn, người già ở Hội An vẫn không cho đó là nạm mạc.
Canh bột báng
Món này lạ ở chỗ, bột báng thường là thứ nấu chè, làm bánh ngọt, ấy vậy mà tại Hội An, người ta lại nấu thành món canh mặn mà, thơm ngon, bổ dưỡng. Bột báng được vo sạch, ngâm nước chừng 15 phút rồi đun sôi, hạ lửa, khuấy đều cho đến khi hạt trong suốt là chín, vớt ra để ráo. Nước canh bột báng thường là nước ninh xương lợn hoặc xương gà, nêm gia vị vừa ăn. Tùy sở thích, khẩu vị mỗi người mà canh bột báng được biến tấu nhiều cách. Người thì đơn giản ăn với giò cùng nước xương, người thì ăn cùng tôm, cua, trứng cút, bò viên hay chả lụa... rắc thêm tiêu, hành ngò.
Canh bột báng là món ăn chơi, thường được chọn làm bữa phụ. Bát bột báng nóng hổi với vị ngon ngọt của nước dùng, của tôm cua, sự dẻo dai của từng viên bột báng trong suốt sẽ là một lựa chọn phù hợp cho buổi chiều, nhất là khi trời mưa lạnh.
Mì sứa
Người ta nói mì sứa là mì Quảng hàng cao cấp. Sứa chỉ có từ tháng 3 âm lịch đến hết mùa hè, vậy nên khi ghé Hội An thời điểm này, du khách có thể tạt vào gánh mì bên đường hay ngồi trên ghe chòng chành để ăn một tô mì sứa.
Sứa để nấu mì là loại sứa nhỏ, chỉ khoảng ngón tay cái. Sứa mang về phải sơ chế rồi cắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Nước dùng mì sứa ngon nhất là nấu bằng tôm, cua, nêm nếm vừa ăn. Mì sứa an cùng rau sống, bắp chuối thái mỏng, rau muống chẻ. Rắc thêm chút lạc rang, hành ngò, rưới mắm cùng một ít chanh tươi và thưởng thức. Hương vị ngọt thanh hải sản của nước dùng, mùi thơm của các loại rau, dẻo dai của sợi mì to dày, cảm giác tò mò khi thử những miếng sứa trong suốt, giòn dai làm cho tô mì trở nên hấp dẫn hơn cả đối với thực khách.
Mít nhồi tôm thịt
Món ăn này thường chỉ thấy trong mâm cơm của người Hội An, ít bán trong các hàng quán. Món này không khó để chế biến, quan trọng nhất là chọn được loại mít ngon và chưa chín hẳn. Múi mít được tách lấy hạt thật khéo. Hạt mít đem luộc chín, bỏ vỏ, giã nát rồi trộn với tôm, thịt xay, thêm gia vị, sau đó, nhồi vào từng múi mít và đem đi hấp chín.
Mít nhồi tôm thịt khi ăn được cắt làm đôi, có thể ăn lúc nóng hoặc nguội. Múi mít dày, thơm ngọt, vị bùi của hạt mít, lẫn với vị ngọt của tôm, thịt và vị đậm đà, cay cay của gia vị, thích hợp làm món khai vị hoặc ăn chơi.
Giò heo hầm
Giò heo hầm, hay được người địa phương gọi là giò heo hon, từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước đã là một món ngon được ưa chuộng của người Hội An. Giò heo được làm sạch, nướng vàng trên than hoa, rồi chặt thành từng miếng vừa ăn, đem ướp riềng xay, sả, nước nghệ, rượu, xì dầu, muối, đường, mộc nhĩ và hạt sen. Người ta nói rằng, thứ rượu ướp giò heo là rượu được ngâm cùng các vị thuốc bắc, mỗi người nấu đều có công thức riêng cho mình, nên giò heo sẽ mang hương vị thơm ngon riêng có.
Giò heo sau khi ướp rồi hầm với xâm xấp nước, trên bếp lửa nhỏ cho đến khi chín mềm. Miếng giò heo vàng đậm, thấm đẫm gia vị, thơm mùi rượu, nghệ. Người Hội An thường ăn giò heo hầm với nước giò heo sền sệt cùng xôi đậu xanh, chắc chắn sẽ mang lại cho thực khách ấn tượng khó quên về ẩm thực Hội An.
laodong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn