//

Đặc sản bánh bao bánh vạc phố Hội

Thứ sáu - 25/08/2023 13:12

Hội An trong lịch sử đã từng là một đô thị thương cảng quốc tế sầm uất với sự giao lưu buôn bán của các thương nhân đến từ nhiều nền văn hóa; dần dần đã hình thành nên nếp sống thị dân với những tập tục sinh hoạt mang nét đặc trưng riêng so với các vùng miền trong cả nước.

 
banh bao banh vac

Bánh bao bánh vạc - Ảnh: Đặng Kế Đông
 
     Từ góc độ ẩm thực, có thể thấy nơi đây đã dung nạp và cách tân, chuyển hóa nhiều món ăn ngon của các nước để ngày một phong phú các kiểu loại chế biến, thưởng thức món ăn, từ bình dân cho đến cầu kỳ, sang trọng. Trong số những món ăn được liệt vào hạng sang trọng ở Hội An ngày trước, có thể kể đến bánh bao bánh vạc, có nguồn gốc từ món ăn há cảo ở Trung Quốc, do chính người gốc Hoa đến sinh cơ lập nghiệp ở Hội An sáng tạo nên và truyền lại bí quyết qua các đời con cháu.

     Mãi cho đến bây giờ, món ăn này vẫn đang ở hàng sang trọng, đắt tiền. Tuy là thời nay không thiếu gì các món cao lương mỹ vị, chả, thịt cũng thường xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày của người dân; song, sự tinh tế trong cách chế biến từng chiếc bánh bao, bánh vạc đã làm nên phần cao sang, hấp dẫn của món ăn này. Ban đầu món bánh này dùng để ăn chơi trong gia đình, cho vơi nỗi nhớ quê hương của một số gia đình người Hoa, sau này có gia đình đã bán bánh dạo dọc các tuyến đường trong Khu phố cổ.

     Người đem bánh đi bán thời ấy là bà Trịnh Thị Huệ, mẹ của ông chủ một lò bánh bao bánh vạc hiện tại ở Hội An. Bà bưng một cái mủng dầy, trên đó đặt xửng bánh, đi bộ trên các ngả đường Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng. Chỉ đi mà không cần rao, vì cư dân phố cổ đã quen thuộc với mủng hàng của bà và ước chừng khoảng thời gian bà đi qua ngõ.

     Cũng có nhiều thực khách mãi tận Đà Nẵng mê món bánh bao bánh vạc của bà Huệ, cất công vào đến Hội An để đón đường mua. Thường họ mua nhiều lắm, bằng hết xửng bánh bà mang theo cho bỏ công lặn lội đường xa. Mủng bánh gồm có một cái xửng nhôm dùng để hấp bánh, bên trong đó có lót một lớp lá chuối, trải bánh lên và đậy thật nhiều lớp lá chuối che kín miệng xửng để giữ ấm cho bánh luôn mềm dẻo. Bên trên cùng là chỗ của những chiếc đĩa, muỗng để bày bánh cho khách ăn. Bên cạnh mủng có một chai nước mắm pha chua ngọt làm nước chấm cho món bánh bao bánh vạc.
 
lam banh bon hong trang

Làm bánh bông hồng trắng - Ảnh: Dương Phú Tâm
 
     Bánh bao bánh vạc được dọn ra đĩa, bên trên có rải hành tím phi vàng. Khách sẽ gắp từng chiếc bánh trong mỏng như bọc lụa chấm vào chén nước mắm pha. Chiếc bánh nhỏ xinh xắn vừa đủ một miếng ăn; người thưởng thức như được dẫn dắt bằng một cách đầy cám dỗ từ cảm giác ngon mắt đến chỗ thật sự khoái chí khi nhận ra dần vị ngọt thơm bùi béo của nhân hòa lẫn vào lớp vỏ bánh dẻo mềm dịu nhẹ. Món này dùng khi còn ấm nóng mới ngon, vỏ bánh dẻo dai mà vẫn mềm, lẫn mùi thơm của nhân tôm thịt và hành phi vàng giòn. Đơn giản chỉ có vậy mà thưởng thức qua một lần là không thể nào quên.

     Hiện tại ở Hội An có một số ít gia đình gốc Hoa làm bánh bao bánh vạc cung cấp cho thị trường trong khu vực thành phố. Tại Hội An, thực đơn của hầu hết các nhà hàng phục vụ món ăn đặc sản địa phương đều có bánh bao bánh vạc, lấy bánh từ lò của gia đình ông Tuấn Ngãi, nhà cổ Quân Thắng.

     Riêng chiếc bánh bao còn có một cái tên đầy chất thơ nữa, bắt nguồn từ hình dáng của nó: “bánh bông hồng trắng”. Điều đặc biệt là từ khi có tên gọi mới, dường như bánh được người dân và bạn bè biết đến nhiều hơn, có lẽ vì ai cũng yêu cái hay, cái đẹp, ở đây lại còn là cái độc nhất nữa, vì chỉ ở Hội An mới có.

     Cái tên “bông hồng trắng” tạo cho bánh bao một sự tiếp xúc ban đầu lãng mạn kiểu Tây trong thời kỳ mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ tại Hội An, kiểu như một dấu ấn mềm về văn hóa trong dòng chảy lịch sử của một vùng đất vậy.

     Hai tay nhào bột trắng phau
     Vo tròn từng cái mau ra hoa hồng

     Có một câu chuyện vui như thế này: Vào quãng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, lúc ấy bà Huệ vẫn còn bán bánh dọc các con đường trong khu phố cổ chứ chưa mở tiệm bán tại nhà. Hôm nọ, bà có bán cho một nhà quen trên phố Bạch Đằng, anh này mở quán café. Nhân tiện có vị khách Tây khá thân quen ở đó nên anh mời anh ta cùng ăn bánh bao bánh vạc và một số loại bánh khác nữa của Hội An để bạn biết thêm hương vị ẩm thực của quê mình.

     Ngày hôm sau, vị khách Tây trở lại quán và tỏ ý muốn chủ quán mua giúp một loại bánh mà hôm qua anh ta đã được mời. Tuy nhiên, anh lại quên mất cái “tên cúng cơm” của nó, khá lúng túng vì đã được thử nhiều loại bánh khác nhau nên cũng không nhớ hết tên riêng từng loại. Và bất giác, anh gọi ra cái tên thật hay bằng một ấn tượng sâu sắc còn in đậm trong tâm trí: “white rose” - bánh “bông hồng trắng”.

     Kể từ đấy, những vị khách nước ngoài truyền tai nhau cái tên thi vị “white rose cake”, mách nhau biết để thưởng thức khi có dịp đến với Hội An. Và cũng từ đó, bánh bao bánh vạc của người Hội An trở nên nổi tiếng hơn nhiều lần, là một trong số những món ẩm thực hấp dẫn, độc đáo của Việt Nam, cũng như trên thế giới. Người Hội An cũng truyền tai nhau câu chuyện này như một niềm vui nho nhỏ khi được yêu mến và cảm nhận thấy giá trị của những chiếc bánh nhỏ đang lớn dần cùng với văn hóa ẩm thực của quê hương.

Tác giả: Thái Thị Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật