//

Gìn giữ di sản cho thế hệ sau

Thứ hai - 04/12/2023 14:00

Mặc dù đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhiều năm qua, TP.Hội An đã nỗ lực làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) Hội An, góp phần phát triển bền vững và gìn giữ di sản cho thế hệ sau.

Hội An đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của DSVHTG Hội An

Từ tháng 3/2023, UBND TP.Hội An tổ chức ra quân lập lại trật tự, mỹ quan, môi trường đô thị trên địa bàn, trọng tâm là khu vực phố cổ. Trong đó, thành phố và các địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi như chiếm dụng vỉa hè, sử dụng mái che, biển quảng cáo không phù hợp, trưng bày hàng hóa, vật dụng không đúng vị trí; đồng thời lập lại trật tự kinh doanh, buôn bán, xử lý tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách…


“Theo suy nghĩ của tôi phố cổ là di sản văn hóa của thế giới, mà cái hồn phố cổ là nó phải đi vào lòng người. Những ngôi nhà trong phố, mình nên sắp xếp hàng hóa chừa mắt cửa ra. Mắt cửa chính là cái hồn của cái nhà đó. Rồi làm sao đó cho người du khách khi vào phố họ có được không gian thoải mái để được ngắm nhìn phố, ngắm nhìn cái đẹp của ngôi nhà, của mắt cửa và cái hồn của phố”, ông Huỳnh Thanh Xuân –ở khối An Thắng, phường Minh An chia sẻ.


Nhận diện được giá trị của khu đô thị thương cảng cổ, từ rất sớm, Hội An đã xây dựng dự thảo Quy chế bảo vệ Khu phố cổ. Đến năm 1987, Quy chế bảo vệ và sử dụng di tích khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chính thức ban hành. Tiếp sau đó, kể từ khi khu phố cổ được công nhận là DSVHTG (4/12/1999), Hội An đã ban hành rất nhiều quy chế để quản lý toàn diện các hoạt động trong khu di sản này.


Ông Phạm Phú Ngọc –Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết: “Các vấn đề gì phát sinh trong công tác quản lí là chúng tôi ban hành các quy chế. Riêng khu phố cổ Hội An thì ngoài quy chế bảo vệ khu phố cổ thì có 6,7 quy chế con nữa. Anh làm bảng hiệu cũng phải theo quy định, anh trưng bày hàng hóa cũng phải theo quy định. Nhưng đến năm 2015 theo thẩm quyền thì thành phố không ban hành nữa cho nên chúng tôi đã tích hợp vào quy chế chung để trình UBND tỉnh ban hành”.

Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong khu phố cổ

Khu phố cổ Hội An có đến hàng ngàn di tích, chủ yếu trong khu vực I với tổng cộng 1.130 di tích kiến trúc. Hơn 80% di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể tạo nên đặc thù của khu phố cổ Hội An so với các di sản khác ở Việt Nam. Từ đó, yêu cầu đặt ra là bên cạnh trách nhiệm bảo tồn các giá trị di sản vật thể và phi vật thể thì di sản phải tạo ra được nguồn lực đảm bảo để cộng đồng tái đầu tư cho di sản; hài hòa mối quan hệ giữa nguyên tắc bảo tồn nghiêm ngặt các yếu tố nguyên gốc cấu thành di sản nhưng đáp ứng được nhu cầu dân sinh hiện nay.


Những năm qua, khu phố cổ Hội An đã được phát huy giá trị và trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động văn hóa mới trên nền di sản được sáng tạo, tổ chức thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của Hội An như phố đi bộ và xe không động cơ, đêm phố cổ. Qua đó, góp phần phát triển KT-XH và tạo nguồn lực để tái đầu tư cho di sản.


Nguồn thu từ vé tham quan khu phố cổ Hội An được thành phố bố trí 70% đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trùng tu di tích, nghiên cứu khoa học; còn lại 30% là kinh phí chi cho hoạt động quản lý trực tiếp, phục hồi lễ hội truyền thống, quảng bá và hỗ trợ các chủ di tích. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 40 đến 75% kinh phí cho chủ di tích tu bổ, tùy theo giá trị bảo tồn của di tích, địa điểm di tích ở trục đường chính hay kiệt/hẻm và đảm bảo các quy định khác liên quan.


Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Kế hoạch quản lí DSVHTG khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong nhiều mục tiêu hướng đến có việc đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế – xã hội; gắn kết khu phố cổ Hội An với cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản.


Kế hoạch đề ra 07 nhóm giải pháp. Cụ thể là chống ngập lụt khu phố cổ; chống xói mòn, sạt lở; phát triển không gian cảnh quan tuyến phố hướng đến phát triển bền vững; bảo tồn các công trình cổ, công trình cũ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; quy hoạch nông thôn vùng di sản và phát triển làng nghề; nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản.

Mới đây, Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng và phát triển TP.Hội An theo định hướng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch đến năm 2030 cũng xác định một trong các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hội An (vật thể và phi vật thể); tích cực lồng ghép các nguồn ngân sách, tranh thủ nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện các dự án thành phần của Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị DSVHTG Hội An gắn với phát triển du lịch và Kế hoạch quản lý DSVHTG khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.


Ông Nguyễn Văn Lanh –Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, đến nay, Hội An đã thành lập Ban điều hành và Tổ điều phối thực hiện kế hoạch quản lí DSVHTG khu phố cổ Hội An. Ban điều hành sẽ thực hiện nhiệm vụ trên hầu hết các lĩnh vực như kiến trúc, nghệ thuật, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; hoạt động quản lí, nghiên cứu, phát huy giá trị di sản; việc tổ chức các hoạt động trong khu phố cổ cũng như cảnh quan, môi trường sinh thái, trật tự đô thị… Thành phố cũng coi việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đề án “Hội An – Nhân tình thuận hậu” là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện kế hoạch này.


“Kế hoạch này nói rất rõ là giai đoạn 2026-2030 tùy thuộc vào kết quả chúng ta thực hiện từ nay đến năm 2025 để xây dựng kế hoạch tiếp theo. Mọi phần việc theo 7 nhóm giải pháp chúng ta phải làm hết thì mới có cơ sở, chất liệu, tiền đề để tiếp tục xây dựng kế hoạch dài hơi hơn, căn cơ hơn, bền vững hơn chứ không phải đến năm 2025 là xong. Bảo vệ di sản này là mãi mãi, từ đời này sang đời khác và nếu bây giờ chúng ta không làm tốt thì những năm sau, thế hệ sau sẽ rất vất vả, thậm chí mất đi những cơ hội”, ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

PHAN SƠN


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn