//

Cần đầu tư hợp lý để khai thác hiệu quả nguồn lợi từ Yến sào Hội An

Thứ năm - 26/05/2011 02:49

Với hàm lượng dinh dưỡng cao và giá trị kinh tế vượt trội, yến sào từ lâu đã trở thành “cao lương mỹ vị” không phải ai cũng có may mắn được thưởng thức. Cùng với yến sào Khánh Hòa, Bình Định, yến sào Hội An đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.

 

 

Khai thác yến sào


Yến sào hay còn gọi là tổ yến được chim yến dùng lưỡi xây lên từ tuyến nước bọt của mình. Nước bọt chim tiết ra có dạng chất sợi trong suốt khi gặp không khí sẽ khô cứng lại. Khi chiếc tổ đã hoàn thành, chim bố mẹ nằm vào trong tiếp tục quẹt nước bọt lên mép tổ và lòng tổ tạo ra một lớp xốp mịn để đẻ trứng. Tổ yến thường có màu trắng hoặc hồng, đỏ, trọng lượng từ 10 – 18 gram và nằm cheo leo trên các vách hang đá. Ở Việt Nam chim yến phân bố ở các đảo trong vịnh Hạ Long, Quảng Bình, Quảng Nam (Cù Lao Chàm, Hội An), Quảng Ngãi (Sa Huỳnh), Bình Ðịnh (bán đảo Phương Mai), Khánh Hòa, Phan Rang, Kiên Giang và Vũng Tàu - Côn Ðảo.... Tuy nhiên, chỉ ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa số lượng chim yến cho tổ “yến sào” ăn được là nhiều nhất.

 

Tại Hội An, Quảng Nam chim yến chỉ có ở đảo Cù Lao Chàm, số lượng khoảng vài trăm ngàn con, tập trung làm tổ tại 7 điểm chính là hang Cả, hang Tò vò, hang Tai (gồm 2 hang lớn và nhỏ), hang Khô, hang Trăng và hang Kỳ Châu. Mỗi năm, Đội quản lý và khai thác yến sào Hội An tiến hành khai thác 2 đợt, lần thứ nhất trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 và lần thứ hai bắt đầu từ khoảng cuối tháng 8, thời gian mỗi đợt khai thác khoảng 7 ngày là kết thúc, các tháng còn lại chủ yếu để dưỡng đàn chim.

Hiện đội có 75 công nhân phần lớn từ đất liền ra, ngoài thời gian khai thác tổ yến những công nhân này phải túc trực thường xuyên để theo dõi đàn, vệ sinh môi trường, giữ độ ẩm cho hang, tạo điều kiện cho chim tăng đàn … Theo ông Lê Kính, người có 23 năm làm nghề khai thác yến tại đảo cho biết, nghề khai thác yến là công việc vất vả và nguy hiểm, ngoài việc thu hoạch các tổ yến cheo leo trên vách hang cao hàng chục mét, thời gian còn lại hầu như phải túc trực tại đảo để bảo vệ đàn chim nhưng thu nhập của công nhân chỉ khoảng 6,7 triệu đồng/tháng “nếu không phải vì sinh kế và yêu nghề thì không phải ai cũng làm được”, ông Bình tâm sự.

 

Vào tổ yến sào


Yến sào sau khi được khai thác sẽ được phân thành 9 loại là yến huyết; yến quang; yến thiên; yến bày; yến mảnh; yến xơ huyết trắng; yến xơ huyết đen; yến vàng; yến vụn, yến cám. Trong đó yến huyết có giá cao nhất khoảng 6 ngàn đôla một ký và thấp nhất là yến cám khoảng 1 ngàn đôla một ký. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Singapo, thị trường trong nước chỉ chiếm khoảng 20% sản phẩm.

 

Ông Trương Minh Vũ, đội phó Đội quản lý và khai thác yến sào Hội An cho biết, so với yến sào nơi khác, yến sào Hội An được đánh giá chất lượng cao hơn vì “nấu không nát, tổ to, dày và hàm lượng dinh dưỡng rất cao”. Tuy nhiên do sản phẩm được bán dưới dạng thô nên vẫn chưa thể thu tối đa lợi nhuận. Riêng năm 2010 tổng sản lượng tổ yến khai thác khoảng 1 tấn, doanh thu 80 tỷ đồng. Ông Vũ cho rằng, doanh thu như vậy vẫn còn thấp so với giá trị thật của tổ yến, thời gian tới nếu có sự đầu tư về dây chuyền sản xuất và chế biến như làm thực phẩm (nước yến, chè yến, súp yến…) và mở những tour tham quan du lịch tại các đảo yến… doanh thu chắc chắn sẽ tăng cao hơn.

Yến sào là một sản phẩm có giá trị cao, việc khai thác chế biến, bảo vệ, phát triển bầy đàn luôn là vấn đề đáng quan tâm. Tuy nhiên, để đa dạng hóa sản phẩm mang lại doanh thu nhiều nhất, cần có sự đầu tư hợp lý nếu không muốn để lãng phí thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm này.

Tác giả bài viết: Vĩnh Lộc (CTV)

Nguồn tin: congly.com.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn