//

Mừng vì Hội An biết lo lắng cho tương lai

Thứ ba - 20/09/2011 02:35

"Trở thành thành phố sinh thái đầu tiên của Việt Nam, giấc mơ ấy không chỉ của riêng Hội An mà còn là mong muốn của tất cả những ai đã yêu mến nơi này" - KTS Trần Huy Ánh.

Lãnh đạo thành phố dự hội thảo như chuyên gia

 

Từ ngày 14 đến 16/9 tại Hội An đã diễn ra cuộc “Đối thoại với thành phố sinh thái Hội An”, trong khuôn khổ dự án “Đánh giá ảnh hưởng và năng lực thích ứng với Biến đổi khí hậu cho xây dựng thành phố" do Thành phố Hội An phối hợp với Chương trình định cư con người của Liên Hợp Quốc UN-HABITAT và trường Đại học Portland tổ chức .

Mục tiêu đặt ra là phân tích và đánh giá việc thực hiện đề án “Thành phố sinh thái Hội An - các giải pháp ưu tiên" nhằm thực hiện hiệu quả đề án, trên cơ sở tiếp thu các kinh nghiệm xây dựng thành phố sinh thái từ các đô thị của Việt Nam, của thành phố Portland - Hoa Kỳ và các địa phương khác trên thế giới.

Diễn ra 3 ngày , nhưng các hoạt động tại “ Đối thoại với thành phố sinh thái Hội An” rất sinh động: thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, phân tích và trình bày ....
Diễn ra 3 ngày nhưng các hoạt động tại “ Đối thoại với thành phố sinh thái Hội An” rất sinh động: thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, phân tích và trình bày ....
Ảnh do UN-HABITAT cung cấp

Gần đây, nhiều đô thị VN tổ chức các thảo luận về tương lai thành phố một cách rầm rộ. Chỉ tiếc là khi trong khán phòng vang lên những lời kêu gọi khẩn thiết, những nghiên cứu công phu của các đại biểu đến từ khắp nơi trong/ngoài nước thì chính cư dân thành phố (thậm chí cả các vị quản lý thành phố) hầu như không biết gì hoặc rất thờ ơ.

Nhưng tại Hội An, cuộc "đối thoại” diễn ra khác hẳn. Hầu hết lãnh đạo và cán bộ thành phố đến trình bày, đề cập tới các vấn đề thiết thực. Tiếp nhận các bài học do chuyên gia trong nước và quốc tế, những cán bộ chủ chốt thành phố, đại diện của UBND 13 xã phường đã chia thành nhóm nhỏ để cùng các chuyên gia đi sâu phân tích các đề xuất, nhằm đưa Hội An trở thành một "phòng thí nghiệm sống", một thành phố sinh thái đầu tiên của Việt Nam.

Kế hoạch chia thành 3 giai đoạn, bắt đầu từ 2010 và sẽ kéo dài đến năm 2015. Phương pháp tiếp cận chủ yếu gồm các vấn đề về giao thông công cộng, phát triển du lịch sinh thái, xây dựng cơ chế kiểm soát chất thải và các giải pháp sinh thái thân thiện với môi trường...

Chọn hướng nào giữa "ngã tư đường"?

Nhóm nghiên cứu Dự án thành phố đi sâu tìm phương thức đảm bảo sinh kế cho bà con ngư dân làng chài đối mặt với các dự án bất động sản du lịch ven sông, ven biển.

Đại biểu Cẩm Kim đi thẳng vào các biện pháp xử lý nước thải rác thải làng nghề để bà con phát triển kinh tế phục vụ du lịch nhưng bảo vệ mặt nước sông Hoài và các rặng dừa tự nhiên ven sông. Nhóm Quản lý đô thị đề xuất xây dựng “thành phố không khói xe" với xe đạp và xe điện, thu gom xử lý rác thải hay phát triển không gian công cộng, xây dựng hệ thống thông tin địa lý –GIS...

 

Trích dẫn những hình ảnh Hội An và Portland trong báo cáo. Ảnh do UN-HABITAT cung cấp
Trích dẫn những hình ảnh Hội An và Portland trong báo cáo. Ảnh do UN-HABITAT cung cấp

Nhóm Văn hóa Xã hội đi sâu khai thác thế mạnh gắn kết cộng đồng của Hội An để đề xuất mô hình các tổ nhóm “Sống Xanh", nơi các cư dân tự giác thực hiện thu gom, phân loại rác thải, nước thải tại nguồn. Xây dựng trang tin điện tử để tạo diễn đàn trao đổi thông tin giữa các cấp quản lý với người dân, tạo sự thân thiện trong các mối quan hệ hành chính, tăng cường minh bạch. Nhóm đề xuất kết nối với các trường Đại học khu vực và cả nước để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, phổ cập Internet cho nhân dân, đặc biệt là các bạn trẻ, trước mắt là xây dựng các trạm thông tin trực tuyến tại các nhà văn hóa cụm dân cư... Đó mới chỉ là một phần những vấn đề được đưa ra thảo thuận tại cuôc “đối thoại”.

Bài trình bày của kỹ sư Nguyễn Văn Hiền, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Hội An rất ấn tượng với hình ảnh người đứng giữa ngã tư đường, ẩn dụ một Hội An sau 20 năm phát triển du lịch đạt nhiều kết quả, nhưng không ngủ quên với thành công trong quá khứ, không ngừng học hỏi để vươn lên và mở rộng cửa đón nhận những kinh nghiệm quý từ bạn bè bốn phương.

 
Bài học từ nước bạn

GS. Marcus Ingle, trưởng đoàn nghiên cứu gồm 11 nhà khoa học đến từ Đại học Portland (Hoa Kỳ) đã trình bày những kinh nghiệm từ chính thành phố quê hương ông, nơi mà cách đây 30 năm tồn tại rất nhiều vấn đề của TP hậu công nghiệp: ô nhiễm đất, không khí, nguồn nước, nạn thất nghiệp và các dự án đô thị hóa bừa bãi, lãng phí tài nguyên ...

Nhưng chính những cư dân Portland đã đoàn kết với sự hỗ trợ của các nhà khoa học đã tìm ra những hướng đi thích hợp để xây dựng một chiến lược phát triển thành phố thịnh vượng và bền vững. Tuy vậy, Portland chỉ thành công khi có sự đồng thuận và theo đuổi mục tiêu một cách kiên định của toàn thể cư dân .

Con đường đi tới một Hội An - thành phố sinh thái còn dài và nhiều thách thức, nhưng với sự khởi đầu tốt đẹp tại cuộc “Đối thoại với thành phố sinh thái Hội An” cùng với sự chủ động, quyết tâm của các nhà quản lý thành phố, truyền thống đồng thuận và sự gắn kết của cộng đồng cư dân Hội An, hy vọng nơi đây sớm trở thành thành phố sinh thái đầu tiên của Việt Nam. Giấc mơ ấy không chỉ của riêng Hội An mà còn là mong muốn của tất cả những ai đã yêu mến nơi này.

Tác giả bài viết: Trần Huy Ánh

Nguồn tin: www.ngaynay.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 4.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật