Sản phẩm du lịch của làng nghề Cẩm Thanh. |
Khu trung tâm làng nghề tre dừa nứa xã Cẩm Thanh (1,5ha), với nguồn vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng đã ra đời trước cơn sốt đầu tư du lịch phát triển. Một nhà điều hành, đón tiếp khách, 2 công trình phụ và 12 lô đất (400m2) để người dân đưa tre, dừa, nứa đến sản xuất…đã hoàn tất mọi cơ sở hạ tầng đón khách đến tham quan, trình diễn nghề. Ông Trần Rô, Trưởng thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh cho biết, hơn 25% số hộ tại Cẩm Thanh sinh sống bằng nghề tre dừa nứa. Gần đây đời sống bà con trở nên khấm khá hơn từ nhu cầu của thị trường. Nhiều hộ đầu tư máy móc, đa dạng sản phẩm thủ công, làng nghề phát triển tạo công ăn việc làm cho con em địa phương. Thương hiệu làng nghề tre dừa nứa cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Ông Trần Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh nói, địa phương đang nóng lòng bố trí dân làng nghề vào. Quá trình tạo tác sản phẩm của bà con và cả sản phẩm họ làm ra sẽ là những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ khách tham quan, du lịch, tạo điểm nhấn cho làng nghề. Làng du lịch sinh thái đã kết nối được tour du lịch khám phá rừng dừa Bảy Mẫu bằng xe đạp, bằng thuyền thúng. Trung tâm này có vai trò như một trạm dừng nghỉ, vừa là khu du lịch sinh thái sông nước, vừa là hình ảnh của một làng nghề tập trung. “Hiện, thành phố đang tham mưu cho địa phương xây dựng phương án quản lý, điều hành hoạt động tại trung tâm, trong đó có chính sách cho thuê mặt bằng, định hướng trưng bày ra sao, những sản phẩm nào sẽ được chọn trưng bày. Việc hình thành ban quản lý trung tâm, bố trí nguồn lực phục vụ cũng đang được tính đến” - ông Chiến nói.
HOÀNG LIÊN - NHẬT DUY