Thành phố Hội An có 125.000 dân, rộng 65km2 (bao gồm cả Cù lao Chàm). Trong 13 xã phường, Cẩm Thanh là xã nghèo nhất với 7.500 dân, diện tích tự nhiên 9,2km2. Trước 1975, rừng dừa nước gần như phủ kín một nửa diện tích tự nhiên Cẩm Thanh, nay chỉ còn lại 1/10.
Năm 1978, Hội An đã thực hiện dự án PAM đắp đập, ngăn nước mặn theo sông Đò để biến 35ha vùng bán ngập/nhiễm mặn thành vùng trồng lúa… Thực tế năng suất lúa ở đây rất thấp hơn nhiều vùng trồng lúa truyền thống tại địa phương. Hệ quả thì nhãn tiền, việc đi lại bằng đường sông hạn chế, vùng bồi lắng trong đập tăng nhanh và gây úng ngập trầm trọng cho cả vùng rộng lớn trong thành phố.
Năm 1998, Hội An lụt lớn, những cống nhỏ của đập PAM thoát không kịp. Một khối lượng lớn nước phía trong đập phải 3-5 ngày mới ra được biển. Cẩm Thanh quyết định phá một đoạn đập và chỉ sau nửa ngày, nước đã thoát hết.
Năm 1985, Cẩm Thanh lập công trường làm muối. Một mặt Hội An ngăn mặn để trồng lúa, một mặt đưa nước mặn về làm muối… Cả 2 kế hoạch này cho đến nay không phát huy hiệu quả. Năm 1988 - công trường muối giải thể. Vùng lúa cũng hoạt động cầm chừng để lại 2 vùng đất hoang hóa lớn, gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, tốn sức người sức của.
Kè đá bao cát chống sạt lở bờ biển sát đường Cửa Đại.
Cẩm Thanh như một con nêm án ngữ, bảo vệ Hội An. Ai cũng nhìn thấy tầm quan trọng của khu bảo tồn sinh thái rừng dừa nước và vùng bán ngập đảm bảo an toàn cho thành phố nơi cửa biển. Ngày nay, nhiều kế hoạch mở rộng rừng dừa hơn nhưng vấp nhiều trở ngại. Vấn đề là phải tính toán sao để cây dừa nước đem lại lợi nhuận cao hơn nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa.
Trong gần 30 năm qua, nhiều lần đổi thay đã kéo theo sự chặt bỏ cây dừa nước để ngăn mặn trồng lúa, làm muối, nuôi tôm… Những năm gần đây, nguồn lợi kinh tế từ cây dừa nước truyền thống, khai thác thô đã đem lại hiệu quả cao. Các phương án nghiên cứu về chế biến sản phẩm từ cây dừa (trưng cất đường từ quả dừa, chiết suất hóa dược, thực phẩm, đồ uống, làm đồ bao gói thực phẩm thay cho túi nilon hay những sản phẩm mỹ nghệ đan lát… đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Giải pháp kinh tế sinh thái
Thành phố Hội An đang đối mặt với nạn lũ lụt và triều cường, nhất là những diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu. Khu vực Cẩm Thanh với rừng dừa nước đang được nghiên cứu trở thành van an toàn sinh thái cho thành phố. Nhưng thật nan giải khi dự án đường dẫn cầu Cửa Đại được thiết kế vắt ngang, chia cắt khu vực này, hai bên đầu cầu là những dự án bất động sản thương mại khổng lồ.
Trong khi đó, đối mặt với những thách thức thiên nhiên, hàng loạt dự án định cư ven biển vẫn tiếp tục tiến hành mở rộng. Khu resot/ khu định cư và cả các dự án BĐS hình thành từ việc san lấp diện tích đất bán ngập. Thảm thực vật, rừng phòng hộ ven biển lại bị chặt phá.
Năm 2010 bờ biển Cửa Đại sạt lở lớn, nhiều đoạn đường đã phải gia cố bằng rọ đá. Bãi tắm biển ven các Resot đã bị biển “liếm” dần, từ chiều rộng 50m nay chỉ còn 10-12m, có nơi những bãi biển thoai thoải trước đây nay đã phải dùng bao cát kè bờ. Các khu nghỉ dưỡng nay có dáng vẻ như lâu đài xây trên vách bao tải cát dựng đứng để chống sạt lở cả 3 phía.
Nền đường dẫn cầu Cửa Đại cắt ngang ruộng lúa, rừng dừa nước và mô hình cầu Cửa Đại.
Đường dẫn cầu Cửa Đại dài 6 km thành con đê lớn dồn nước vào 0,6 km, lại có thêm những đề xuất san lấp thêm vùng bán ngập cửa biển quy mô hàng trăm hecta.
Có vị lãnh đạo thành phố Hội An trăn trở: “Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở Cẩm Thanh, nơi trong kháng chiến là căn cứ du kích kề bên thành phố, chiến sự ác liệt nên chịu thiệt hại lớn về người và của. Bao nhiêu năm hòa bình rồi, người Cẩm Thanh vẫn vất vả trăm bề với cái danh là khu vực ghèo nhất Hội An. Nhưng cũng may vì còn nghèo nên còn giữ được môi trường tự nhiên không bị phá nát trong cảnh kinh tế khá lên. Vấn đề là làm sao tìm ra phương án hài hòa vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế”.
Cẩm Thanh có khu vực ruộng muối rộng 40ha để hoang vừa được giao để xây trường Đại học. Thay vì san lấp xây dựng, một KTS sinh thái đến từ Ailen đã đề xuất xây dựng ngôi trường nổi trên mặt nước. Các sinh viên sẽ nghiên cứu, học tập các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, xây dựng nhà cửa cầu cống thích nghi với sông nước và những kỹ thuật xử lý nước thải, cơ khí hàng hải... để phục vụ ngay nhu cầu địa phương. Đó là một giải pháp kinh tế sinh thái (Economic/Ecological).
Giá có thể đổi ngay những bàn thảo ồn ào đề lấy những sáng kiến cụ thể như việc khôi phục rừng dừa Cẩm Thanh hay làm trường đại học nổi trên mặt nước, nền kinh tế của Việt Nam đã “xanh” hơn bao nhiêu?!